Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

TAY KHÔNG ĐÀM PHÁN

Khi đi xin việc, rất nhiều bạn đi xin việc với tâm thế đúng là đi xin. Các bạn run rẩy lo lắng khi đứng trước công ty lớn và nghĩ rằng mình không có gì đặc biệt, mình không mang lại được giá trị gì cho họ. Không chọn mình thì họ sẽ chọn người khác. Nhưng thực tế, nếu bạn hiểu rõ Được giá trị của mình thì các bạn hoàn toàn có thể “tay không bắt giặc”. Trong bài viết này tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách đàm phán khi trong tay không có một điều gì. Dù bạn chưa có gì trong tay nhưng cũng có thể khiến cho những công ty lớn như Coca-Cola phải ký hợp đồng với bạn.

Tôi sẽ kể cho bạn về một câu chuyện đàm phán vào năm 1986. Lúc đó chỉ có một công ty độc quyền phân phối và sản xuất Aspartame là Monsanto. Aspartame là một chất làm ngọt, ngọt hơn đường 180 lần. Với mức giá là $85-90/pound thì tính ra tương đương giá trị của đường là $0.5/pound. Đây là một mức giá quá hời cho những công ty giải khát nước ngọt như Coca-Cola hay Pepsi. Vậy nên đây là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Monsanto có doanh thu hàng năm là 700 triệu đô la, với mức lãi là 70 %/năm. Vậy là lợi nhuận mỗi năm của họ là 500 triệu đô la, cao hơn cả Intel là 140 triệu. Với tiềm năng và mức lợi nhuận khủng như vậy thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người muốn đầu tư vào con gà đẻ trứng vàng này.

Và điều thú vị là quyền sở hữu trí tuệ của Aspartame sắp hết hạn tại châu âu. Nó sẽ hết hạn vào năm 1987 tại Châu u và năm 1992 tại Mỹ. Điều này có nghĩa là các công ty khác có thể tham gia và sản xuất Aspartame.Holland Sweetener là một công ty châu âu muốn tham gia vào thị trường béo bở này. Dưới góc nhìn của họ, chắc chắn các công ty lớn như Coca-Cola hay Pepsi sẽ cực kỳ chào đón. Dù khi họ tham gia thì giá của Aspartame sẽ giảm xuống đôi chút, nhưng miếng bánh thị trường 700 triệu đô la vẫn cực kỳ béo bở, dù họ chỉ có một phần nhỏ. Vậy Holland Sweetener có thể mang lại cho thị trường là gì?

1, Mở rộng thị trường
Cách này không khả thi cho lắm vì Aspartame không thể chịu nhiệt. Cho nên muốn mở rộng sang các thị trường như là bánh ngọt hay đồ nướng thì sẽ tốn chi phí nghiên cứu rất nhiều. Mặt khác, với lợi nhuận khủng của mình, Monsanto chắc cũng đã nghiên cứu về việc mở rộng thị trường rồi.

2, Giảm giá sản phẩm
Công ty dự định sẽ xây dựng một nhà máy có công suất là 500 tấn/năm. Sản lượng này chưa đủ lớn để có thể có chi phí sản xuất rẻ hơn đối thủ. Hơn nữa với kinh nghiệm của mình, Monsanto có thể hạ thấp nhất chi phí sản xuất.

3, Cạnh tranh thương hiệu
Monsanto là một thương hiệu lâu đời và độc quyền ai cũng biết. Sẽ rất khó để một thương hiệu mới có được vị thế và uy tín như vậy. Holland sweetener cũng sẽ phải tốn rất nhiều chi phí để xây dựng thương hiệu. Có khi công ty còn phá sản trước khi xây dựng được thương hiệu lớn.

Với sự giá trị mang lại cho thị trường gần như bằng không thì sau khi bỏ 40 triệu đô xây dựng nhà máy thì công ty cũng lâm vào tình trạng ngắc ngoải. Vậy làm thế nào để có thể chiếm một phần trong miếng bánh lớn này, nếu tôi là CEO của công ty, tôi sẽ đàm phán với các đối lớn như Coca-Cola và Pepsi trước khi xây dựng nhà máy. Bởi vì tôi biết sẽ mang lại lợi ích lớn cho những đối tác này khi tôi tham gia vào thị trường.

1, Phá thế độc quyền
Chắc chắn khi có một công ty mới tham gia vào thị trường thì Coca-Cola và Pepsi có thể đàm phán và giảm giá mua Aspartame từ Monsanto.

2, Tránh phụ thuộc
Cho dù giá của Holland Sweetener có cao hơn Monsanto, nó vẫn giúp Coca-Cola và Pepsi không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu của Monsanto.

Thực tế là dù Holland Sweetener không mang lại được nhiều giá trị cho thị trường nhưng Coca-Cola và Pepsi thì lại kiếm được một khoản lợi lớn khi hạ thấp vị thế của Monsanto. Họ đàm phán và tiết kiệm được 200 triệu đô la tiền mua nguyên liệu mỗi năm từ Monsanto.

Holland Sweetener có thể đàm phán một số điều kiện với Coca-Cola và Pepsi như sau trước khi xây nhà máy:
1, Mua Aspartame từ Holland Sweetener với gia 70$/pound
2, Đầu tư 40 triệu đô la để Holland Sweetener xây nhà máy
3, Chia cho Holland Sweetener 10% chi phí tiết kiệm được nhà giảm giá từ Monsanto

Có thể Coca-Cola và Pepsi sẽ chẳng đồng ý với điều khoản nào. Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa nói rằng đây không phải là thị trường màu mỡ. Vậy tại sao Holland Sweetener phải tham gia và bỏ 40 triệu đô la xây nhà máy. Có hai thời điểm mà công ty nên đàm phán là trước khi tham gia thị trường và sau khi đã xây dựng xong nhà máy. Tôi tin chắc rằng đàm phán trước khi tham gia thị trường sẽ tạo được giá trị lớn nhất bởi vì Holland Sweetener có năng lực để thay đổi cuộc chơi, lấy được miếng bánh.

Kết quả của câu chuyện này là Holland Sweetener bị lỗ và chuẩn bị phải đóng cửa nhà máy. Lúc đó họ đến nói chuyện với Coca-Cola và Pepsi là nếu không có được bản hợp đồng dài hạn từ hai công ty lớn này thì họ sẽ đóng cửa nhà máy. Tất nhiên Coca-Cola và Pepsi hiểu được thiệt hại nếu Holland Sweetener đóng cửa. Họ chấp nhận ký hợp đồng dài hạn với công ty nhưng cũng chỉ ở mức để công ty đủ sống. Nếu công ty đàm phán trước khi xây dựng nhà máy thì kết quả đã khác.

Điều tương tự tôi cũng đã gặp ở rất nhiều các công ty tư vấn ở Việt Nam. Các công ty tư vấn dồn rất nhiều tài nguyên và chất xám để xây dựng một chiến lược kinh doanh, mẫu quảng cáo, hình ảnh đại diện thương hiệu cho đối tác… Sẽ có 5-7 công ty tư vấn được mời đến thuyết trình. Cuối cùng, khách hàng chẳng chọn công ty nào cả mà ăn cắp luôn ý tưởng của bên tư vấn để tự làm. Việc ăn cắp chất xám này diễn ra thường ngày với các công ty tư vấn mặc dù đối tác là những tập đoàn lớn. Vậy giải pháp nào cho các công ty tư vấn? Hãy yêu cầu khách hàng trả phí thuyết trình trước khi đưa ra sản phẩm. Chi phí này có thể là tiền hoặc các thông tin có giá trị. Ví dụ công ty tư vấn sẽ được biết ai là người quyết định người trúng thầu, đâu là các yếu tố mà khách hàng coi trọng, tại sao lần trước bạn không được trúng thầu… tất cả những điều này sẽ giúp bài thuyết trình của bạn có giá trị hơn và khả năng được lựa chọn cao hơn. Nếu khách hàng không chấp nhận việc trả chi phí thì đồng nghĩa rằng họ không coi trọng việc bạn có mặt trong dự án. Khi khách hàng không coi trọng như vậy thì liệu bạn có thể thắng được dự án?

Bài học ở đây là nếu bạn thực sự biết được giá trị của bạn trên bàn đàm phán thì bạn có thể yêu cầu đối phương trả một giá tương xứng cho sự có mặt của bạn.

Ảnh: Google
---------------------
NCS Tiến sĩ Vũ Minh Trường (ĐH James Madison), Chuyên gia Chiến Lược Đàm Phán

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Quay lại chuyện pháp luật
CHO THUÊ NHÀ, COI CHỪNG HÔNG ĐÒI ĐƯỢC

1. Vừa rồi có vụ cho thuê nhà ở quận 1, hợp đồng ghi rõ thời hạn thuê 5 năm (khấu hao tài sản mỗi năm 20%), có nghĩa sau 5 năm xách gói ra đi. Thế nhưng, hết hạn, bên thuê không muốn trả đã chơi chiêu… kiện ra toà (vì cho rằng bên cho thuê là người thuê xong cho thuê lại chứ không phải chủ, và cho rằng vậy là không đúng thẩm quyền nên đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu – dù đã thực hiện xong hợp đồng). Nếu trước đây, với hợp đồng đã thực hiện xong như vậy thì toà không thụ lý, nhưng nay với quy định tố tụng mới là không được từ chối thụ lý bất kỳ yêu cầu nào của dân nên toà vẫn thụ lý xét xử. Kiểu muốn chơi nhau dùng luật và thêm chút xíu tiền nên bên thuê đã đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn toàn bộ địa chỉ cho thuê, toà cũng ra quyết định luôn mới ghê chứ - việc áp dụng ngăn chặn này quyền toà cao lắm, nên nói sau. Nhưng chuyện vỡ lở khi địa chỉ toà áp dụng ngăn chặn là một khu diện tích lớn, có nhiều người thuê nên ảnh hưởng đến người khác, thành um sùm.

2. Một vụ cho thuê nhà ở quận 5 cũng thế, chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng nên đồng ý bồi thường, thế nhưng bên thuê không trả. Thế là chủ nhà nhờ thừa phát lại đến lập vi bằng xác định hiện trạng và lấy lại mặt bằng. Bên thuê gọi công an, vì cho rằng bên kia huỷ hoại tài sản của mình, thế là công an đòi khởi tố bên lấy lại nhà!
Tương tự, ở Tân Bình, mặt bằng cho thuê làm nhà hàng, hết hạn, bên thuê không trả. Bên cho thuê đã cho người xuống rào để lấy lại mặt bằng, thế là bị công an hốt hết về phường. Phải trầy trật đủ kiểu mới lấy lại được mặt bằng.
Ngược lại, ở quận 7, một vụ cho thuê mặt bằng, hết hạn bên thuê chưa kịp dọn bàn giao mặt bằng. Chủ nhà thuê người đến hốt đồ ra ngoài. Bên thuê gọi công an yêu cầu bảo vệ thì công an… đứng ngoài cuộc, cho đó là dân sự!
Nguyên nhân, việc xác định thế nào là hình sự, thế nào là dân sự tuỳ vào công an và… quen biết! Nên mới có chuyện mỗi nơi làm mỗi kiểu.

3. Ở Bình Tân, hợp đồng thuê đất giá 1 USD/m2 với thời hạn 20 năm. Trong hợp đồng ghi “hết hạn nếu có nhu cầu các bên thoả thuận thuê tiếp với giá tăng không quá 30%”. Thế nhưng, sau 20 năm giá tăng từ 1 USD lên 20 USD nên chủ đất không muốn cho thuê tiếp. Thế là bên thuê không muốn trả, kiện nhằm kéo dài thời gian để được trả với giá 1,3 USD/m2. Đương nhiên, kiện thì họ cũng thua, cũng phải trả mặt bằng, nhưng kéo dài để được hưởng giá thuê thấp. Mà thủ tục toà thì biết rồi đó, sơ thẩm, phúc thẩm, đôi khi giám đốc thẩm vài tour thì năm mười năm là chuyện thường.

Ngày nay, luật mới còn quy định cho thuê “quyền bề mặt” cũng thế, bà con nên cẩn thận với loại này vì luật chỉ bảo vệ quyền bên thuê chứ không quy định quyền đương nhiên lấy lại mặt bằng sau khi hết hạn cho thuê. Nếu tranh chấp, phải kiện ra toà, rõ rành rành đương nhiên sẽ thắng, nhưng… sẽ mệt mỏi!

 Do vậy, để tự bảo vệ mình, tránh việc cho thuê rồi không đòi được nhà, bà con nên ghi trong hợp đồng những quy định ràng buộc chặt chẽ. Chẳng hạn, nếu bên thuê chậm bàn giao mặt bằng, có tranh chấp mà sau đó toà xác định sai thì phải trả gấp đôi giá thị trường cho quá trình chậm bàn giao. Đồng thời, quy định cả mức phạt khác nữa. Nếu không họ sẽ lợi dụng pháp luật, kiện ra toà để kéo dài thời gian trả nhà.
http://m.sggp.org.vn/noi-kho-doi-nha-cho-thue-605912.html

P/s: Quá nhiều việc, nên rất cần tuyển luật sư để phụ mảng luật.
Cre: Nhà Báo Hàn Ni

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Tản mạn về xã hội hoá giáo dục

Nhân chuyện trường quốc tế nọ không tiếp tục nhận 40 học sinh do trước đó các phụ huynh này đã có những bất đồng thoả thuận học phí của trường trong mùa dịch Covid vừa qua.

Xã hội hoá giáo dục bất cập như thế nào?

Trước tiên là vấn đề bên trong nội bộ trường, tức là mối quan hệ giữa Hội đồng quản trị - hiệu trưởng. Các trường quốc tế, nữa quốc tế nữa quốc nội, nữa tư nhân nữa nhà nước. Là mô hình chân trong chân
ngoài. Hiệu trưởng chỉ là người làm thuê, giống như thuê CEO. Mục tiêu của hội đồng quản trị là lợi nhuận, hiệu quả trên đầu tư nên hiệu trưởng không hoàn thành thì cũng ra đi như thường. Việc này hay xảy ra mâu thuẫn giữa triết lý giáo dục và triết lý kinh doanh- đầu tư là vậy. Điển hình như đã xảy ra ở đại học H.S, đại học H.V,...Giữa làm vì tiền hay làm vì đam mê.

Thứ 2 là vấn đề giữa nhà trường mà đại diện là hiệu trưởng - và một bên là phụ huynh, học sinh. Covid chỉ là cái kim chích thủng cái mốt quan hệ này mà thôi. Nó tồn tại khắp hệ thống. Covid chỉ làm nhanh, làm chảy tràn ra mà thôi. Do mô hình như đã nói ở trên nên hiệu trưởng chỉ là người đại diện không có quyền gì cả, quyền là hội đồng quản trị. Và nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục. Bản chất là thế. Nên khi không thoả thuận được giá tiền cung cấp dịch vụ thì nhà trường ra quyết định ngừng cung cấp dịch vụ. Nếu có hỏi hiệu trưởng thì hiệu trưởng nói là đây là quyết định của hội đồng ( quản trị). Thế là có em học sinh giỏi bao năm qua giờ có quyết định không tiếp nhận học tiếp tại trường. Em bị sốc nặng. Cha mẹ phải nghỉ làm ở nhà mà trông em để tránh điều đáng tiếc.

Việc không thoả thuận được giữa nhà trường và phụ huynh nhưng gánh hậu quả chính là những học sinh, những đứa con mà giờ không biết tiếp tục học ở đâu, học như thế nào. Khi êm đẹp thì giáo dục được cung cấp bởi dịch vụ giáo dục, còn khi gặp khúc cua thì giáo dục là một dịch vụ tệ hại.

Hãy suy nghĩ tại sao các quốc gia có nền giao dục tiên tiến, Tại sao họ đều bình đẳng giáo dục đến lớp 12?

Vì họ muốn có sự công bằng trong việc tiếp cận giáo dục của con người trước 18 tuổi. Bằng nguồn tiền ngân sách nhà nước, tức là từ nguồn thu thuế của dân chúng mà đảm bảo cho việc tiếp cận giáo dục công bằng hơn. Nếu có sự cạnh tranh là ở giáo dục đại học. Lúc đó, học sinh đã 18 tuổi. Đã đủ quyền công dân. Có đủ quyền để quyết định chọn dịch vụ giáo dục.

Xã hội hoá giáo dục, xã hội hoá y tế, xã hội hoá hạ tầng giao thông, BOT, ...và còn nhiều xã hội hoá khác vẫn còn đang nhức nhối.
Ps: hình ko liên quan nhưng để cho nó sinh động thoii.

#ndk #giaoduc

Bài viết dành cho các lãnh đạo ghét đào tạo và thích ngu hóa nhân viên. Dành cho những người thích tự ngu hóa bản thân luôn.
----------------------------------------------
VĂN HOÁ HỌC HỎI Ở MỘT TỔ CHỨC (LEARNING CULTURE) (#ST)

Mỗi doanh nhân khi có chút thành công phải vượt qua bao nỗi khổ đau.

Đối với tôi thì nỗi đau khổ và cay đắng lớn nhất là các cộng sự, nhân viên lâu năm của mình bị tụt hậu và trở thành người thừa khi công ty liên tục phát triển. Có người đã cống hiến “cả tuổi thanh xuân” của mình cho công ty để rồi trở thành vật cản của chính công ty hoặc thậm chí thành kẻ phá hoại công ty để rồi phải chia tay nhau trong đau khổ tột cùng.

Tôi có một trải nghiệm rất đau đớn như thế.

Tôi từng có một cô nhân viên vô cùng thân thiết. Bạn làm với chúng tôi từ những ngày đầu mở công ty. Hồi đó, chúng tôi cùng nhau trải qua bao cay đắng, thăng trầm mà chưa một lần hái quả ngọt. Bạn cực kỳ tháo vát và thông minh khi xử lý vấn đề theo kiểu “khôn ngoan đường phố - street smart”. Thời kỳ mới thành lập công ty, bạn rất hiệu quả. Việc gì bạn cũng giải quyết được vì bạn khôn khéo và rất được lòng mọi người.

Bạn lấy một trong những người bạn thân nhất của tôi. Khi gia đình bạn hoặc nhà tôi có chuyện, chúng tôi giúp đỡ nhau hết mình. Với tôi, từ lâu bạn ấy đã không còn là cộng sự nữa, bạn đã là người em trong gia đình.

Nhưng bạn có một điểm yếu rất lớn là bạn lười học hỏi kiến thức mới. Bạn không biết tiếng Anh, không chịu cập nhật kiến thức mới về quản trị, bán hàng, marketing, tài chính, kế toán. Bao nhiêu năm trôi qua, bạn vẫn chỉ sống với kiến thức vốn có của mình. Công ty càng ngày càng phát triển, bạn không quản lý được thêm ai. Bạn chỉ làm những việc bạn đã từng làm.

Bạn dần trở thành người thừa trong công ty. Có bạn cũng được mà không có cũng chả sao. Công ty cần những người giỏi tiếng Anh, có kỹ năng mới chứ không chỉ là “chạy việc” nữa. Bạn rất khéo léo nên vẫn được lòng nhiều người trong công ty tuy nhiên sự tôn trọng và nể phục với bạn không có nhiều, đặc biệt là đối với những người mới vào. Người mới sẽ không coi “khai quốc công thần” ra gì nếu người cũ chả có gì đặc biệt.

Và cuối cùng, bạn ấy đã làm một việc tày trời và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bạn kinh doanh cá nhân (trái pháp luật) nhưng lại nhân danh công ty chúng tôi. Việc của bạn có thể làm sụp đổ cả công ty chúng tôi và đưa cả tất cả mọi người dính vòng lao lý nếu chúng tôi tiếp tục dung túng bạn. Các nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư tổ chức rất tôn trọng pháp luật của chúng tôi năm ấy đã rất kiên quyết không chấp nhận được chuyện đó. Hội đồng quản trị quyết định bạn phải ra đi, việc vi phạm pháp luật của bạn được báo cáo lên các cơ quan chức năng và bạn bị điều tra.

Bạn ra đi trong hận thù và cay đắng. Chúng tôi cũng mất luôn một người bạn thân (là chồng bạn).

Hồi đó vì không trực tiếp điều hành công ty, tôi đã nói rất nhiều lần nói anh đồng sáng lập kiêm CEO công ty (và là người quản lý trực tiếp của bạn ấy) về chuyện nâng cao trình độ cho bạn đó. Nhưng anh ấy đã bỏ qua tất cả. Mỗi lần tôi tranh luận về chuyện ấy thì anh ấy lại nói với tôi gay gắt “Nó không thích sao ông cứ bắt nó học nhỉ? Ông dở hơi à?”  Anh ấy đã không bắt bạn ấy học tiếng Anh một cách nghiêm túc, không yêu cầu bạn ấy học cao học, và đã không khắt khe yêu cầu bạn ấy về chất lượng công việc. Tôi coi đó trách nhiệm và sai lầm lớn nhất của anh ấy là đã “tầm thường và ngu hoá” một cộng sự thân thiết của mình. Tôi đến giờ vẫn chưa tha thứ cho anh ấy về chuyện này.

Đến tận bây giờ, mỗi lần nghĩ lại, tôi lại trách và dằn vặt mình. Giá mà ngày ấy tôi kiên quyết hơn trong việc bắt bạn học hành tiến bộ, đặc biệt là tiếng Anh. Giá mà ngày ấy, chúng tôi không biến bạn thành “trợ lý sai vặt”, mà bắt bạn làm việc có hệ thống. Giá mà ngày ấy chúng tôi không dung túng cho những sự thiếu kinh nghiệm của bạn trong nghiệp vụ và nguyên tắc công việc. Giá mà ngày ấy chúng tôi chia tay nhau thật sớm khi nhận ra bạn không còn hợp với tổ chức nữa. Đáng ra bạn đã có thể trở thành một lãnh đạo tốt và giỏi. Nhưng ba cái “tặc lưỡi” mặc kệ buông xuôi của chúng tôi đã làm hỏng bạn. Chính chúng tôi đã “tầm thường hoá” bạn ấy vì sự cẩu thả và hời hợt trong việc đào tạo nhân sự của công ty chúng tôi.

Cách đây mấy tháng, tôi cũng phải cắn răng/gạt nước mắt cho một nhân viên cấp thấp nhưng tôi rất quý “lên đường”. Đơn giản là vì bạn không chịu học thêm tiếng Anh, không chịu học hỏi các vị trí khác mặc dù tôi đã động viên rất nhiều lần và tạo mọi điều kiện để bạn có thể học hỏi thêm. Nhưng bạn muốn “an phận” nên từ chối các đề xuất của tôi. Và cuối cùng sau 2 tuần suy nghĩ mất ngủ tôi quyết định là cho bạn nghỉ việc.

Ngày chia tay tôi có nói với bạn rằng: anh thật sự rất quý em nhưng anh phải để em nghỉ vì chỉ cần vài ba năm nữa thì mới cách nghĩ này của em, chắc chắn em sẽ tụt hậu. Mà lúc đó thì anh và công ty sẽ vô cùng đau đớn khi phải sa thải em. Nên giờ để em nghỉ việc, anh hi vọng sẽ là một cú thức tỉnh (wake-up) để em thay đổi.

Khi chấm dứt học hỏi, không chịu thay đổi tiến bộ hơn, các nhân viên lâu năm/cũ sẽ chỉ có hai con đường. Nếu họ hiền lành và không thông minh quá thì họ sẽ trở thành các thây ma di động mất nhận thức (gọi là “zoombie”). Các thây ma này sẽ sống vật vờ ở công ty. Hoặc họ trở thành người em/người anh/chị thân thiết với lãnh đạo công ty. Hoặc họ đã sống quá lâu và đã từ đóng góp lớn cho công ty với tư cách một “công thần” thủ cựu. Và cuối cùng họ sẽ huỷ hoại động lực của những người đang cống hiến và máu lửa ở công ty.

Còn có những bạn thông minh nhưng lười thay đổi/học hỏi thì sẽ trở thành “ma giáo”. Các bạn sẽ đi theo con đường “tà đạo” thay vì “chánh đạo”. Vì không có năng lực mới nên các bạn sẽ dùng “mánh lới”, “thủ đoạn” để xử lý công việc và tồn tại. Đối với việc ngoài, thay vì thuyết phục khách hàng hay đối tác bằng chuyên môn, bạn sẽ “chạy (lobby)” để cho việc được thông.

Tại công ty, thay vì chứng tỏ năng lực của mình thì các bạn sẽ dùng “chính trị văn phòng” để tồn tại. Bạn sẽ nói xấu người này, dìm hàng người kia; một mặt thì làm vừa lòng sếp nhưng một mặt thì “kèn cựa” với đồng nghiệp ngang cấp, hoặc “đì” nhân viên cấp dưới để họ không lên được hơn mình. Và cuối cùng việc gì phải đến sẽ đến, hoặc là bạn ấy leo lên được vị trí rất cao rồi một ngày là cả tổ chức sụp đổ, hoặc bạn sẽ biến tổ chức thành một nơi vô cùng độc hại và ai cũng sợ, ngán ngẩm bạn mà không muốn động vào.

Trải nghiệm với cô cộng sự cũ luôn làm tôi ám ảnh và tôi luôn tự bảo mình sẽ không bao giờ lặp lại trải nghiệm đau thương này nữa.

Tại bất cứ tổ chức nào mà tôi tham gia lãnh đạo, khả năng tự học và sự kỷ luật để học tập liên tục là đức tính mà tôi đề cao nhất và có cam kết cao nhất. Tôi luôn yêu cầu tất cả các cộng sự của mình từ cấp thấp cho đến cấp cao phải học hỏi liên tục, đọc sách, trải nghiệm, học các kỹ năng mới. Đặc biệt là các lãnh đạo, bạn nào chưa học lên cao học thì bắt buộc phải học, bạn nào không dùng tiếng Anh tốt thì bắt buộc phải dùng được tiếng Anh. Bạn nào không ham học hỏi thì tôi cũng kiên quyết yêu cầu sa thải, không sớm thì muộn.

Và khi đã đưa ra chính sách học thì mọi người phải học, không có bất cứ biện hộ gì hết. Không có chuyện là bận, mải kinh doanh, nhà có việc, hay ốm đau, v.v. Học là học. Có lần tôi đã thông báo sẽ dừng việc xét lương và thưởng cho toàn bộ gần 100 nhân viên của mảng tôi phụ trách ở một tập đoàn tư vấn lớn vì các bạn ấy không chịu học hỏi. Trong vòng 1 tuần toàn bộ nhân viên hoàn thành hết các khoá học.

Đừng để nhân viên/cộng sự của mình trở thành “zoombie” hay theo “tà đạo”.  Tội lớn nhất của lãnh đạo là  “ngu hoá” những người đi theo mình. Và đừng bao giờ “dung túng” cho sự hời hợt và tầm thường của chính mình và các cộng sự.

FB Toan Nguyen

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

THẾ NÀO LÀ BƠM TIỀN VÀO HỆ THỐNG

Trời đang mưa, thị trấn nhỏ trông có vẻ hiu quạnh. Đó là thời khắc khó khăn, ai cũng trong cảnh nợ nần.

Đột nhiên, có một vị khách du lịch giàu có tới, Ông ta vào khách sạn duy nhất trong thị trấn, đặt một tờ 100 Euro lên mặt quầy tiếp tân, và đi lên lầu để chọn phòng.

Người chủ khách sạn vội vã cầm lấy tờ 100 Euro chạy đi trả nợ cho người bán thịt.

Người bán thịt cầm tờ 100 Euro và chạy đi trả nợ cho người chăn nuôi lợn.

Người chăn nuôi lợn cầm tờ 100 Euro, chạy đi trả nợ cho nhà cung cấp thức ăn và xăng dầu.

Nhà cung cấp thức ăn và xăng dầu cầm tờ 100 Euro chạy đi trả nợ cho cô gái điếm của thị trấn, vì trong thời buổi khó khăn ong đã mua “dịch vụ” thiếu của cô.

Cô gái điếm chạy tới khách sạn trả nợ 100 Euro cho người chủ khách sạn tien phòng mà cô ta đã thuê.

Người chủ khách sạn đặt lại tờ 100 Euro lên mặt quầy để vị khách không ngờ vực điều gì.

Đúng lúc đó, sau khi kiểm tra phòng, người du khách đi xuống, cầm lấy tờ 100 Euro, bảo rằng ông ta không thích phòng nào cả rồi rời khỏi thị trấn.

Không ai kiếm được dong nào.

Tuy nhiên, cả thị trấn bỗng nhiên hét nợ. Mọi người lại lạc quan nhìn về tương lai.
——

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

LÀM CHỦ HAY LÀM THUÊ?

Làm chủ hay làm thuê? Câu hỏi ngắn gọn, phương án trả lời cũng rất đơn giản theo kiểu YES/ NO. Thế nhưng, để trả lời thấu đáo câu hỏi này nó không hề đơn giản. Có nhiều người mất hàng năm trời mới trả lời được, thậm chí có người hết cả đời vẫn chưa trả lời được một cách thỏa đáng. Sau câu trả lời này, cuộc sống của bạn nó sẽ rẽ sang một hướng hoàn toàn mới. Có thể là vươn lên một tầm cao mới, có thể rơi xuống vực thẳm, cũng có thể tàn tàn đi ngang để rồi cả đời không ai biết bạn là ai.

 Hôm qua tôi ngồi café với một anh bạn đồng hương. Anh ấy sau hơn 12 năm đi làm, tích lũy được ít kinh nghiệm và vài tỷ vốn liếng đã quyết định nghỉ việc và mở công ty kinh doanh quà tặng doanh nghiệp. Anh bạn nói điểm mạnh của mình là tầm nhìn xa, có khả năng phân tích và đánh giá được các vấn đề rất tốt. Thế nhưng, sau gần 2 năm khởi nghiệp công ty anh lăn ra chết. Cái chết đến sau khi anh ấy trúng thầu cung cấp bộ khung, kệ inox cho một nhãn hàng dùng để trưng bày hàng mẫu ở siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Nhưng rất tiếc, khi làm xong lô hàng, mới giao hàng được 10% giá trị lô hàng thì nhãn hàng ngưng chương trình và không lấy hàng nữa. Anh ấy ôm một đống phế liệu và phải bán thanh lý dẫn đến âm vốn và phá sản. Tôi hỏi anh có biết nguyên nhân tại sao anh chết không? anh ấy vẫn còn ngơ ngác không biết lý do tại sao mình chết, chỉ hiểu đại loại là do bị âm vốn vào dự án đó nên chết. Nhưng bản thân tôi sau một hồi trao đổi thì thấy rất rõ bạn ấy chết vì 2 lý do: (1) Nhào vô một dự án quá lớn so với khả năng của mình nhưng lại không lường trước được các rủi ro, khi gặp sự cố thì không có phương án dự phòng. Kiểu như con trăn nuốt con bò quá to nên bị chết. Chưa kể kệ inox đó cũng không đúng nghĩa đó là sản phẩm quà tặng => Chết do làm dàn trải trong khi sức đề kháng còn quá yếu. Lý do chết thứ nhất nó đến từ chính điểm mạnh của anh ấy; (2) Anh ấy kinh doanh quà tặng doanh nghiệp nhưng không cụ thể đó là cái gì, mình là chuyên gia về cái gì. Quà tặng doanh nghiệp nó rất rộng, hàng trăm ngàn thứ thì làm sao mà khách hàng biết nó là cái gì mà mua hàng? Sổ da, bút khắc tên, hộp đựng namecard, kỷ niệm chương… cụ thể đó là cái gì thì không nói. Kinh doanh mà cái gì cũng có mà không có cái gì chết là đương nhiên.

Và anh bạn này hiện giờ đang ở trong tình trạng “LÀM THINH’’, tức là không làm gì cả và tôi biết chắc anh này phải mất một thời gian khá dài nữa mới lấy lại được thăng bằng, còn tương lai nghề nghiệp thì chưa biết về đâu.

Anh sếp cũ của tôi 13 năm trước là một ông giám đốc bán hàng có tiếng tăm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng (FMCG), hồi đó tôi là Saleman (nhân viên bán hàng), tôi rất ngưỡng mộ anh và ước gì mình được làm việc với anh ấy, được anh ấy hướng dẫn và chỉ bảo công việc thì có ngày mình sẽ cũng được như anh ấy. Sau vài chục năm gầy dựng tiếng tăm và tích lũy tiền bạc anh quyết định dã từ kiếp làm thuê để chuyển sang kiếp làm chủ. Đầu năm 2009 anh mở một công ty chuyên phân phối tổng hợp về FMCG. Lúc đó tôi chỉ ước sao được mình được đầu quân cho cty của anh ấy nhưng không có cách nào để tiếp cận để “bán thân’’. Bất ngờ vào ngày 16/04/2009 tôi nhận được cuộc gọi từ anh, tôi không thể quên cái ngày đó và cái số điện hoại của anh ấy đến giờ tôi vẫn còn nhớ mà không cần phải xem danh bạ. Anh nói công ty anh đang cần tuyển nhân viên bán hàng, em qua anh phỏng vấn nếu được thì đi làm.

Khi phỏng vấn anh nói công ty anh hiện tại doanh số cỡ khoảng 500tr/ tháng, quỹ lương cũng rất lớn hơn 500tr/ tháng vì đã có đầy đủ ban bệ từ Giám đốc bán hàng toàn quốc, Giám đốc vùng miền, ngành hàng… Cty có 5 tỷ vốn lưu động là tiền của anh, có thêm khoảng 5 tỷ nữa là tiền của các cổ đông góp vào. Kết thúc buổi phỏng vấn tôi trúng tuyển nhưng tôi nói cho tôi 03 ngày để suy nghĩ.

Có 02 vấn đề tôi suy nghĩ rất nhiều, đó là: (1) Doanh thu 500tr/ tháng nhưng quỹ lương lại lên tới 500tr/ tháng, trong khi vốn chỉ có 10 tỷ. Như vậy, nếu NCC cho không hàng để bán mà không cần tính giá vốn thì hiện tại công ty đang huề vốn. Nhưng tỷ suất lợi nhuận ngành FMCG rất thấp, phân phối chắc chắn còn thấp nữa. Như vậy công ty anh đang lỗ ròng hơn 500 tr/ tháng, vậy thì 10 tỷ công ty tồn tại được bao lâu!? (2) Lúc đó Thế Giới Giấy mới được cấp phép 8 ngày còn chưa hoạt động (vì đăng ký bắt đầu hoạt động từ ngày 2 tháng 5). Hay là mình đi đăng ký dẹp công ty đi nhỉ? Chưa hoạt động mà đăng ký phá sản có được không nhỉ? Mới mở công ty rồi chưa hoạt động mà lại dẹp tiệm thấy nhọ quá…  Sau 03 ngày phân tích và suy nghĩ rất nhiều tôi quyết định không đầu quân cho ông sếp cũ và tiếp tục hành trình chiến đấu với TGG. Thật không may, công ty anh sếp cũ đóng cửa sau gần 3 năm hoạt động mà theo tôi đoán nguyên nhân là quy mô hệ thống quá lớn so với quy mô doanh thu. Còn TGG đã 11 năm có lẻ và vẫn đang từng bước khẳng định vị thế của mình.

Anh bạn thân của tôi là người học giỏi từ nhỏ đến lớn, tôi thường nói anh là người “Trên thông thiên văn dưới tường địa lý’’. Lúc sự nghiệp đang đi lên như diều gặp gió thì anh nghỉ việc về làm ông chủ. Đến nay công ty anh đã 14 năm nhưng gần như chưa ai biết đến ngoài đối thủ cạnh tranh và những người đã mua hàng. Công ty anh vẫn đang trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Trong khi đó bạn bè, đồng nghiệp cùng lứa với anh giờ là những người thành đạt trong nghiệp làm thuê với tài sản tích lũy được tính bằng đơn vị chục, trăm tỷ.

Làm thuê hay làm chủ? Đến đây lại phải hỏi lại lần nữa cho chắc.

Nhiều người nghĩ rằng làm chủ là phải kinh doanh một sản phẩm/ dịch vụ nào đó. Hiểu theo cách này, từ một người bán vé số dạo, một bà bán xôi ngoài đường, một anh đánh giày dạo, đến chủ một doanh nghiệp tầm cỡ đều là những người làm chủ. Và nhiều người cũng cho rằng làm thuê, tức là đi làm theo sự phân công, sai khiến của người khác và được trả lương theo công việc. Không hẳn vậy, tôi nhớ là tôi đã từng đọc cuốn sách “Những người làm thuê số một Việt Nam’’ khoảng mười mấy năm trước, tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục những con người như vậy. Đặc điểm chung của những con người này là chưa bao giờ họ đặt cho mình câu hỏi “Mình nên làm chủ hay làm thuê” mà thường thì họ sẽ đặt câu hỏi “Mình phải làm sao để tốt nhất cho cv này?”. Với tâm thế đó họ đã là ông chủ rồi, họ làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ công việc của mình và cuộc sống sung sướng gấp vạn lần các ông chủ.

Làm chủ bạn được tự do làm những gì mình thích, mọi quyết định do bạn đưa ra và thực thi, chẳng cần phải xin phép hay hỏi ý kiến ai cả. Bạn có thể sơn sửa văn phòng làm việc theo ý mình, làm bồn hoa thật hoành tráng ngay trước sảnh, sắm vài dàn lan ở sân thượng công ty, tới tháng lương thưởng đầy đủ cho nhân viên… Mọi người sẽ khen bạn là ông chủ lãng mạn, yêu đời, sống có trách nhiệm và có tâm. Ôi, làm ông chủ thật tuyệt vời, mình nghỉ việc để về làm ông chủ thôi!

Làm thuê bạn sẽ phải ngó nghiêng mặt ông chủ vui hay buồn, nhiều khi bạn như đứa dở hơi để sai vặt vì có thể bạn sẽ có một đống sếp, ai cũng chỉ đạo cuối cùng chẳng biết nghe ai; bạn phải đối mặt với hàng trăm ngàn vấn đề cần phải giải quyết liên quan đến đồng nghiệp, khách hàng, đối tác... nhưng không sao cả. Đến tháng không phải lo lắng gì cả, vì lương lương thưởng vẫn đầy đủ, vì khó khăn đã có ông chủ lo. Nếu may mắn có bước vào một công ty có môi trường làm việc tốt, có điều kiện học hỏi, thăng tiến, phát triển, đồng nghiệp vui vẻ hòa đồng thì đó là một điều rất tuyệt vời. Ôi, cuộc đời làm thuê đâu có tệ, tại sao lại phải làm chủ?

Làm chủ thực ra là một tay làm thuê siêu đẳng cho chính bản thân mình với công suất có thời điểm lên tới hàng vài trăm % và thời gian làm việc có khi lên tới 18-20 tiếng mỗi ngày. Làm chủ không có được đặc quyền tới tháng tính ngày đếm lương mà phải quản lý tới từng đồng sao cho hiệu quả nhất; Làm chủ thì đầu óc, chân tay phải hoạt động như một cỗ máy thời gian được lập trình sẵn để làm mọi việc từ hành chính nhân sự đến bán hàng, marketing, tài chính, kho vận. Chính vì vậy những ông chủ là một  CEO (Chef Everything Office) đa năng nhất.

Làm thuê thì sao? Lương được trả theo vị trí công việc cộng thêm kỹ năng, kinh nghiệm và kết quả công việc mà bạn mang về cho doanh nghiệp. Khối lượng công việc cơ bản được gắn với bản mô tả công việc cho vị trí đó để thực hiện trong 8 tiếng ở công sở. Có người làm nhanh, có người làm chậm chủ yếu là do kỹ năng của bạn áp vào công việc đó, nếu có thì cũng chỉ lố thêm một vài giờ.

‘’Tóm lại, làm thuê hày làm chủ nó không quá quan trọng, quan trọng là bạn luôn giữ cho mình một tâm thế của người chiến thắng, luôn nỗ lực đến cùng, thể hiện trách nhiệm tối đa trong mọi công việc, luôn nỗ lực để vươn lên ở mọi hoàn cảnh thì câu hỏi LÀM CHỦ HAY LÀM THUÊ nó mặc nhiên được trả lời mà bạn chẳng cần phải suy nghĩ gì cả.

Làm chủ hay làm thuê, quan điểm của bạn thế nào?

Tg: Mai Quốc Bình TGG