Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tôi rất hân hạnh được có mặt trong buổi lễ tốt nghiệp ngày hôm nay của các bạn, những cựu sinh viên yêu quý của trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ. Trong ngày vui này, tôi muốn chia sẻ với các bạn 3 điều với tư cách là một người bạn. Chỉ có 3 điều thôi, không có gì là lớn lao.
Điều thứ nhất là về sự thất bại. 
Tôi tự cho mình là một người dám chấp nhận thất bại. Thất bại đầu đời của tôi là trong năm đầu Đại học. Tôi vào học Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 1995 và đặt mục tiêu phải lấy được học bổng để đi Úc học ngay trong năm đầu tiên. Để làm được việc đó, tôi phải đứng đầu trường về thành tích học tập. Kết quả học tập của tôi năm đó đứng đầu trường. Nhưng đáng tiếc là chương trình học bổng của Úc mà tôi nhắm tới năm đó kết thúc. Giấc mơ không thành, tôi đã khóc nhiều ngày, nhưng tôi không bỏ cuộc.
Khi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng tốt nghiệp đứng đầu khoá. Tôi được trường Đại học Quốc Gia Hà Nội giữ lại làm giảng viên. Thế nhưng mức lương khi đó chỉ có 400 nghìn Đồng mỗi tháng, đủ cho tôi uống café và ăn sáng vài ngày. Tôi nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, và trong suốt 6 tháng trời, tôi chỉ nhận được hết cái lắc đầu này tới cái lắc đầu khác. Lại một thất bại nữa.
Sự thất bại trong việc tìm việc làm tốt và lương cao khiến tôi nhận ra tôi cần phải làm tốt hơn nữa. Tôi đã dành một năm tự học và xin học bổng. Thời kỳ này áp lực lớn tới mức tóc trên đầu tôi rụng từng mảng. Tôi cao 1m74, và khi đó tôi chỉ nặng hơn 50 kg đôi chút. Nhưng nỗ lực của tôi cuối cùng không uổng. Tôi được nhận học bổng của viện Harvard Yenching tại trường Đại học Harvard và được nhận vào học tại Đại học Tổng hợp Texas tại Austin. Năm 24 tuổi, tôi bắt đầu qua Mỹ học tiến sĩ Kinh tế.
Gần 6 năm học tiến sĩ là một thời kỳ gian khổ, đặc biệt là trong giai đoạn làm luận án. Các thất bại liên tiếp trong nghiên cứu và áp lực phải thành công để tốt nghiệp là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu thời gian kéo dài quá lâu, học bổng của tôi sẽ hết, và tôi sẽ phải bỏ cuộc và về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Vì thế nhiều lúc quẫn trí tôi đã tính đến việc tự sát. 
Thế nhưng cuối cùng tôi vẫn vượt qua được. Khi tôi tốt nghiệp đầu năm 2007, tôi là một trong 3 nghiên cứu sinh được đánh giá cao nhất trong số khoảng gần 20 tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp năm đó của trường. Ngay từ trước khi ra trường, tôi đã có việc làm tại Mỹ với mức lương khởi đầu 6 con số, tức là hơn 100 nghìn USD/năm.
Năm 2010, tôi về Việt Nam và bắt đầu làm việc cho một Quỹ đầu tư lớn nhất nhì Việt Nam trên cương vị cố vấn kinh tế cao cấp. Nhiều người ngăn cản quyết định này. Nhiều người cho tôi là ngu ngốc. Và quả thật, tôi bị sa thải chỉ sau 3 tuần làm việc ở tập đoàn này. Lý do, các lãnh đạo của họ sợ những gì tôi nói và viết có thể ảnh hưởng đến tương lai chính trị của tập đoàn. Lại một thất bại nữa. Lần này nặng hơn vì tôi đã 33 tuổi.
Nhưng chính nhờ thất bại này, sự nghiệp của tôi rẽ sang một lối đi mới. Tôi tham gia cùng các bạn bè thân hữu của mình xây dựng công ty tài chính TNK Capital, giờ là một công ty tư vấn tài chính uy tín ở Việt Nam. Từ công ty này, chúng tôi lập ra Ismart Education, một công ty tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực giải pháp giáo dục số, và đầu tư vào Học viện Giáo dục Hoa Kỳ, là công ty sở hữu trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ. Đó cũng là lý do mà tôi đứng trước các bạn ngày hôm nay với tư cách Chủ tịch của Trường.
Những thất bại mà tôi gặp phải trong 20 năm qua có thể chưa phải là những thất bại lớn. Tôi có thể sẽ còn gặp thêm nhiều thất bại nữa trong những năm tới. Nhưng mỗi khi thất bại, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn và quyết tâm hơn. 
Ngày hôm nay các bạn ra trường, cũng giống như tôi ra trường hồi 15 năm trước. Dù học giỏi tới đâu, hành trang lập nghiệp của các bạn cũng giống như tôi ngày đó, vẫn còn nghèo nàn lắm. Các bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, và sẽ có nhiều thất bại. Có những thất bại sẽ làm các bạn bật khóc. Có những thất bại sẽ làm các bạn không thể khóc thành lời. Có những thất bại sẽ làm các bạn mất niềm tin và gục ngã. Có những thất bại thậm chí làm các bạn đau đến mức ước như mình chưa bao giờ được sinh ra. Trong những giờ phút ấy, hãy nhớ rằng ai cũng sẽ phải trải qua những thử thách tương tự. Cái gì không giết chết được chúng ta thì sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn. Tôi mong điều ấy ở các bạn. Và đó là chia sẻ đầu tiên.
Tien si tran vinh duTiến sĩ Trần Vinh Dự chia sẻ cùng các tân cử nhân tại buổi lễ tốt nghiệp 2014
Điều thứ hai là về sự hữu hạn của cuộc đời.
Khi tôi còn ở những năm đầu của tuổi 20, tôi không bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó mình trở nên già đi. Với tôi khi đó chỉ có tuổi trẻ. Thế nhưng đứng trước các bạn ngày hôm nay ở đây, tôi nhận ra 15 năm đã trôi qua như một giấc mơ. Chỉ 3 năm nữa tôi sẽ bước vào tuổi 40. Thêm một giấc mơ 15 năm nữa giống như giấc mơ vừa qua và tôi sẽ ngoài 50 tuổi. Điều đó cũng sẽ đến với các bạn. Rất nhanh thôi, 10 năm, 20 năm, rồi 30 năm sẽ trôi qua và một sáng thức dậy các bạn sẽ thấy tóc trên đầu mình có nhiều sợi bạc.
Điều đó không có gì là đáng buồn. Ngược lại, nó là một động lực lớn nếu các bạn biết tận dụng. Hiểu rằng mình sẽ già đi và biến mất khỏi trái đất này như là một lẽ tự nhiên cũng có nghĩa rằng bạn sẽ biết yêu quý từng ngày còn lại và biết dùng nó một cách có ích nhất.
Thế nào là có ích? Tôi không có ý nói đến việc bạn phải có những đóng góp lớn lao cho xã hội hoặc những hi sinh phi thường. Cái có ích mà tôi nói đến ở đây là các bạn chỉ sống có một lần cuộc sống này, vì thế hãy làm những gì các bạn thực sự yêu thích nhất. Tôi muốn mượn lời Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp năm 2005 của Đại học Standford. Jobs nói rằng “thời gian của các bạn là hữu hạn, vì thế đừng phí phạm thời gian để sống cuộc đời của người khác. Đừng bị xập bẫy các giáo điều để phải sống cuộc sống của mình theo cách nghĩ của người khác. Đừng để tiếng nói quan điểm của người khác nhấn chìm tiếng nói sâu thẳm trong lòng bạn. Và điều quan trọng nhất là hãy có can đảm để đi theo tiếng gọi của trái tim và trực giác của bạn. Chúng là thứ biết rõ rất bạn thực sự muốn trở thành một người như thế nào. Những thứ khác đều là thứ yếu.”
Khi các bạn thực sự làm việc gì mà các bạn yêu thích nhất, các bạn sẽ dễ vượt qua những thử thách hơn. Công việc chiếm một phần lớn cuộc đời của các bạn, vì thế, các bạn sẽ chỉ cảm thấy thực sự mãn nguyện khi được làm việc mà các bạn cho là thích hợp nhất với mình.
Tôi là một người ham viết lách từ nhỏ. Ngay khi còn là học sinh phổ thông cơ sở, tôi đã viết tiểu thuyết và làm thơ. Tiểu thuyết của tôi chưa bao giờ được đăng, và thơ của tôi cũng vậy. Có lẽ tiểu thuyết của tôi quá dở và thơ của tôi cũng cộc cằn. Tôi không làm thơ và viết văn nữa, nhưng niềm yêu thích viết lách thì ngày một lớn. Cuối cùng, tôi trở thành một nhà phân tích và bình luận về kinh tế và quan hệ quốc tế. Trong mười năm nay, tôi đã có gần 1 nghìn bài viết đăng tải trên nhiều báo và tạp chí trong và ngoài nước. Đó là sở thích của tôi. Nó làm tôi cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Nếu như nhiều tuần qua đi không thể viết những gì mình muốn viết, tôi cảm thấy thiếu hụt như thiếu hụt ô xi để thở, và tôi phải quay lại viết bằng được.
Trong số các bạn ngồi đây ngày hôm nay, hẳn sẽ có một số bạn đã thực sự biết mình muốn làm gì. Các bạn thật may mắn. Với phần lớn các bạn khác, có lẽ các bạn vẫn còn chưa biết mình muốn làm gì. Các bạn hãy tiếp tục tìm kiếm. Cũng giống như tất cả các vấn đề thuộc về trái tim, các bạn sẽ biết mình tìm ra nó khi gặp nó. Các bạn không được dừng lại trước khi tìm ra. Và khi đã tìm ra công việc mà mình thực sự ưa thích, các bạn hãy theo đuổi nó bằng toàn bộ năng lượng của mình. Vì thời gian của các bạn trên đời này chỉ là hữu hạn, các bạn sẽ già đi, và chắc chắn các bạn không muốn trở thành một người già chìm đắm trong hối tiếc về quá khứ bị bỏ lỡ.
Điều thứ ba là sự thành đạt và hạnh phúc. 
Không phải ai sinh ra cũng là thiên tài, cũng có cơ hội để trở thành một thiên tài. Không phải ai sinh ra cũng trong một gia đình giàu có, hoặc có cơ hội để trở thành giàu có. Tôi không phải là một thiên tài, và cho đến giờ tôi cũng chưa bao giờ là một người thực sự giàu có. Có thể trong số các bạn tốt nghiệp ngày hôm nay sẽ có một số ít bạn trở thành những người đặc biệt nổi tiếng hoặc giàu có về sau, nhưng chắc chắn phần lớn trong số các bạn sẽ là những người có cuộc sống bình thường.
May mắn là không cần phải là một thiên tài hoặc một người đặc biệt giàu có thì mới có hạnh phúc. Thậm chí trong nhiều trường hợp điều này còn ngược lại, có nghĩa là người đặc biệt nổi tiếng hoặc giàu có nhiều khi không có hạnh phúc.
Lý do là, hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của bạn đối với những gì bạn làm, những gì bạn có, và những gì xung quanh bạn. Hạnh phúc không phải là một khái niệm vật lý với những công thức khô cứng. Nó là thứ thuộc về con người, và vì thế, nó có có vẻ đẹp và sự bí ẩn mà chỉ có chính bạn mới giải mã cho mình được. Nếu biết cách giải mã, hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt nhất. Trong bước đường sắp tới, các bạn sẽ phải luôn bám đuổi trong một cuộc cạnh tranh gay gắt về danh lợi. Nhưng hãy đừng để nó cuốn các bạn đi vĩnh viễn. Hãy biết dừng lại, dành thời gian để cảm nhận và tự vui với những gì mình có.
Và lý do để tôi chia sẻ điều này là vì hôm nay là ngày của các bạn. Các bạn đã đặt thêm được một dấu mốc hết sức quan trọng trong cuộc đời mình. Những khó khăn cực nhọc trên ghế nhà trường đã qua, những khó khăn cực nhọc trên con đường mưu sinh và khẳng định bản thân đang đến. Nhưng ngay lúc này, chính lúc này đây, các bạn có quyền dừng lại trong một ngày, có quyền tự hào vì những gì mình đã làm được, có quyền vui chơi với các bạn đồng khoá và thầy cô thêm một ngày nữa như những sinh viên còn đang học, có quyền tổ chức tiệc tùng để ăn mừng thành tựu của mình. 
Không có ai sống thay cuộc sống của các bạn, và các bạn cũng không cần phải sống thay cuộc sống của ai. Vì thế, không ai có quyền đánh giá hay nghi ngờ những nỗ lực mà các bạn phải trải qua để đến được với thời khắc này. Chúng tôi, những người đàn anh, đàn chị, những người đã đi trước, vui mừng và nghiêng mình trước các bạn. Chúc tất cả các bạn thành công và hạnh phúc.
Nguồn: broward.edu.vn

1. Trường học có thể hô biến những người thắng và người bại, nhưng cuộc sống thì không.
2. Ở trường học, bạn được dạy bài học rồi sau đó mới làm bài kiểm tra. Ở trường đời, sau khi làm bài kiểm rồi bạn rút ra bài học.
3. Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời.
4. Giáo dục là một điều đáng kính trọng, nhưng nên nhớ rằng đôi khi những điều được dạy là những cái không đáng biết.
5. Đọc sách không bằng suy ngẫm. Học trường không hơn được trường đời.

Chuyện thằng Quân
Năm ngoái, lúc tìm đơn vị thi công cho Villa De Tony ở quận 9, có anh bạn giới thiệu Tony đến một công ty xây dựng của nước ngoài. Bữa đó, ra tiếp Tony là một cậu còn trẻ tên Quân, thấy ghi trên danh thiếp là trưởng phòng. Tony ngạc nhiên, vì ngành này mà lên chức trưởng phòng thường là phải lớn tuổi. Hỏi ra mới biết là nó ở trọ gần chung cư Tony. Nên Tony rủ qua nhậu vào cuối tuần với nhóm bạn bè của mình.
Nó kể em mới học xong lớp 9, nghỉ học ở nhà phụ bố làm cửa sắt trên thị trấn Bắc Hà. Sau đó học trung cấp nghề ở Lào Cai ngành xây dựng dân dụng, vừa học vừa làm, tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc. Sau đó vô Sài Gòn, em vừa đi phụ hồ, vừa tranh thủ học ngành xây dựng ở một cao đẳng dân lập trên Gò Vấp. Tình cờ em đọc một câu trong một cuốn sách, đại ý là đời người chỉ có một lần sống trên trái đất, nên đi đây đi đó ra thế giới bên ngoài cho biết. Thế là em lao vào học ngoại ngữ như điên, dù mấy lần bỏ cuộc, vì bị ngọng l, n, r, d, ch, tr,.. Ban ngày đứng dưới nắng nóng làm việc, tối đến chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng ý chí của một người con trẻ lại bùng lên, em nắm tay lại và đứng bật dậy, em lại lốc cốc đến trung tâm và về nhà tự học đến khuya. Rồi có lần em thấy công ty này quảng cáo này tuyển nhân viên, em nộp đơn và được nhận vào làm, ông Tây sếp nói mày học gì không quan trọng, quan trọng là mày có cái gì trong đầu. Đúng 6 tháng sau, em được lên làm trưởng phòng, chỉ huy cả mấy chục đứa, có cả kỹ sư tốt nghiệp từ các đại học lớn như Bách Khoa, Công Nghiệp, Kiến Trúc...
Nó nói em 5h sáng đã ngủ dậy, tập thể dục rồi đi làm sớm nhất công ty. Lên dọn dẹp giấy tờ của mình và của các bạn trong phòng, coi các file trên máy tính, cái nào không xài thì xóa. Dọn dẹp máy tính cũng như dọn dẹp ở nhà vậy. Rồi thậm chí phụ chị lao công lau chùi toilet, hút bụi, lau kính trên cao chỗ chị ấy với tay không tới. Trong lúc làm việc, em ngồi viết ra các việc phải làm, nên chiều khi đóng máy tính thì mọi việc đều đã giải quyết hoặc em đã nắm được tiến độ là đang tới đâu, để mai vô xử lý tiếp. Buổi tối, em nán ở lại 1 tiếng hướng dẫn các bạn mới vào hay nhóm sinh viên thực tập. Nó nói mình hướng dẫn các bạn, mình cũng ôn lại kiến thức và nhiều cái mới các bạn phản biện, mình sẽ tìm hiểu thêm. Nên lúc họp với sếp lớn bên nước ngoài qua, nhiều kỹ sư tốt nghiệp Bách Khoa, Xây Dựng….nhưng nghe tiếng Anh lõm bõm hoặc không cập nhật kiến thức mới, em phải dịch lại cho hiểu sát nghĩa. Trong các lần tranh luận, em đều có căn cứ và lập luận rõ ràng đưa ra để mọi người tâm phục khẩu phục, dù em chỉ có cái bằng cao đẳng nghề gì đó thôi chứ không phải là kỹ sư hàn lâm. Tụi kỹ sư kia đầu tiên cũng coi thường em, nhưng riết thấy em tử tế và hiểu biết nên đành im lặng.
Có bữa Tony sang nhà trọ của nó để rủ đi uống cà phê. Nhà trọ của nó nằm sâu trong hẻm, ở chung với 3 đứa nữa. Vô thấy nó đang hì hục lau quạt trần. Thấy tivi bàn ghế gì đều sạch như mới. Nó nói 3 đứa kia làm biếng lắm, nói dọn dẹp làm gì, vì đây là nhà trọ. Nhưng nhà trọ cũng là nhà, chỗ mình ở phải sạch sẽ tinh tươm, mình hưởng chứ ai hưởng. Nhưng nếu để mặc thì ai làm anh? Thôi mình làm cho xong. Tony nói đúng, thể loại làm biếng thì nhà trọ nó không lau đã đành, cho nó cái biệt thự nó cũng không lau luôn. Nó nói em ngồi quan sát miết, cứ có góc nào trống là em thiết kế một cái gì đó, có khi chỉ là một cái kệ để bình hoa cho đẹp. Tối nào nếu không gặp khách nó cũng tự đi chợ nấu ăn cho sạch sẽ. Sau đó nó đi tập thể dục chạy bộ ở trung tâm thể hình, xong về tắm rửa sảng khoái, ngồi học anh văn hay đọc sách đến khuya, chỉ đi chơi với bạn bè vào tối thứ 7 hay sáng chủ nhật, còn lại thời gian là đầu tư cho trí tuệ và sức khỏe. Laptop Ipad nó cũng có nhưng chẳng bao giờ đụng đến khi ở nhà trừ khi phải làm thêm các bản vẽ. Nhìn nó sống rất văn minh. Trên tường là kệ sách có nhiều sách chuyên môn lẫn sách văn học, nó nói em tranh thủ đọc vào buổi tối trước khi ngủ, đọc sách giấy sẽ đỡ mỏi mắt hơn và thú vị hơn. Tony mở coi thì bao nhiêu sách kinh điển như "Đỏ và Đen", "Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn", "Tiếng Chim Hót trong bụi mận gai", thậm chí "Miếng da lừa" của Balzac cũng có. Tony thấy thằng này còn trẻ mà đọc sách văn học như vậy, là đứa hay ho đẳng cấp đây, nên đồng ý cho đi theo rót rượu trong các cuộc nhậu với nhóm bạn.
Tony cũng hay gọi nó qua sửa giùm ống nước hay bắt lại điện đóm trong nhà. Nó nghe là tranh thủ mang đồ nghề qua làm liền, làm xong dọn dẹp hút bụi lau sạch như mới, cho tiền nhưng không lấy. Nên cả nhà Tony ai cũng mến. Nó thích ngồi nhậu với đám bạn Tony, vì thấy ai cũng thành đạt, có sự nghiệp riêng ổn định, bạn nào cũng có gia đình riêng bé nhỏ và thường xuyên gặp gỡ giúp đỡ nhau. Cuộc rượu cuộc trà nào cũng toàn đàm đạo chuyện văn thơ, không bao giờ bàn chuyện chính sự hay làm ăn gì cả, dù kẻ bán phân, người sản xuất nhôm nhựa, kẻ bán phấn đưa hương ( kinh doanh mỹ phẩm) chứ không phải là văn nghệ sĩ. Nên ngưỡng mộ lắm, nói các anh giúp em thiết kế cuộc đời đi. Mình nói dù em có thiết kế cuộc đời hay không thiết kế, anh tin là em sẽ hạnh phúc và thành công. Vì em có nhiệt tình, em có trí tuệ, em có sự chăm chỉ và quan trọng nhất, em được lòng mọi người. Và sự chân thành của em xuất phát từ tâm sáng, tụi anh lăn lộn thương trường mười mấy năm nên nhận biết dễ dàng lắm. Giữa đứa mồm mép và đứa thật lòng, tụi anh nói chuyện 3 nốt nhạc là phát hiện ra.
Mình cho nó 7 câu hỏi, kêu về suy nghĩ trả lời bữa sau mình thảo luận. Thứ nhất là the mission of life, tức sứ mạng của cuộc đời bạn là gì. Sứ mạng ở đây là mày muốn tương lai mày ra sao, một ông chủ một quán bánh bèo, một người lãnh đạo ở một tập đoàn, hay một giáo viên, một linh mục, một nhà hoạt động xã hội, hay đơn thuần chỉ là 1 người đàn ông có 1 gia đình bé nhỏ, hay thành cái ông gì đó mà mình mong ước. Nó về suy nghĩ 3 hôm. Cái bữa sau, nó đem qua cho Tony 1 con gà quay, dắt theo một cô bạn xinh xắn.
Cái anh em bày thịt gà rồi lấy bia ra uống. Cô bạn gái đi theo Quân tên là Loan, nhà giàu lắm, có mấy chục hecta trồng cà phê ở Di Linh. Cái Loan tốt nghiệp ngành bưu điện viễn thông nhưng làm ở công ty du lịch. Gia đình mua cho một cái nhà to đùng ở Phú Nhuận nhưng Loan không ở, nói em cho thuê một tháng cũng kiếm được 20 triệu. Còn em đi 1 cái phòng trọ gần chỗ làm, tháng 2 triệu thôi. Nó nói nhà to quá em ở 1 mình cũng sợ, lại lãng phí nên tính vậy gọn hơn. Tiền hàng tháng tích lũy được, lương thưởng cũng tằn tiện, để vài bữa nữa em đi du học tự túc chuyên ngành quản lý du lịch ở Thụy Sĩ. Em đam mê ngành du lịch anh à. Quân nói nếu Loan đi Thụy Sĩ thì Quân cũng sẽ tìm cách đi tu nghiệp ngành xây dựng bên Đức, có gì cuối tuần chạy qua núi An Pơ nấu cơm y chang như bây giờ nghen. Hai đứa cười tươi như hoa với kế hoạch du học của mình, thấy thiệt dễ thương.
Nhìn cái Loan, Tony ưng mắt lắm. Vì thấy con gái mà biết vun biết vén ( một số bạn gái cũng chỉ biết vén mà không biết vun), nhà giàu mà tiết kiệm thì là đứa rất hay ho, nên ra hiệu nói 2 đứa em là một đôi rất tuyệt, anh duyệt. Cái Loan nói gia đình em cũng giới thiệu em nhiều mối, con trai bây giờ phần nhiều lười biếng nhớt thây anh ơi. Đàn ông gì mà bóng điện hư không biết sửa, cái toilet hư cũng kêu thợ, suốt ngày chỉ biết cà phê nhậu nhẹt với facebook game online, chả biết làm gì. Em quen với anh Quân vì thấy ảnh chỉn chu, chiều chủ nhật em hay qua nhà trọ của ảnh rồi nấu cơm ăn, thấy rất ngon lắm. Hèn gì thấy 2 đứa làm đồ nhậu mà khéo tay, thịt gà chặt miếng nào miếng nấy đều nhau, có miếng da phủ ở trên chứ không tan nát như Tony chặt.
Bữa đó, có anh Phương anh Tú, chị Thảo cũng là bạn của gia đình Tony nữa. Mấy bạn này cũng gần nhà nên có nhậu là gọi qua. Tony ghét nhậu ngoài quán, vì ồn ào, xô bồ. Vô quán gọi toàn đặc sản chứ có ăn được đâu, cứ 3 phút là cầm ly lên cụng 1 lần. Ở nước ngoài, người ta vô cụng 1 lần, rồi thôi, ai uống thì tự đưa lên miệng uống, chứ không có cụng hoài như ở ta. Vừa gắp miếng ăn đưa vào miệng, chưa kịp nhai đã cụng. Rồi màn cuối là cùng nhau vô trong toilet, có chỗ ghi rõ là “ bồn ói”, nôn thốc nôn tháo ra hết mọi món ngon vật lạ. Hồi xưa Tony đi làm sale, ông sếp dặn mày đi nhậu với khách hàng, nửa chừng mày giả bộ bỏ vô toilet, móc họng ra ói hết, rồi ra tỉnh táo nhậu tiếp nha. Tony chẳng bao giờ nghe lời, uống được bi nhiêu thì uống. Ai nói mặc kệ. Chớ mắc mớ gì mà phải khổ sở và lãng phí vậy?
Uống bia uống rượu thì theo sở thích, theo tửu lượng chứ khích bác, nói này nói kia mần chi. Tony thấy ai mà ép ép kiểu đó, đứng dậy trả tiền rồi bỏ về luôn. Các bạn trẻ nghe lời Tony, không phải nghe theo mấy câu khích tướng đó rồi uống như điên như khùng. Và mấy thằng ép rượu cũng là mấy đứa nhảm nhí, mối quan hệ đó cũng chẳng cần phải đầu tư làm gì mà phải ngại ngùng cả nể, dẹp cho xong. Khích tướng để làm ra tiền, để giàu có sang trọng, để văn minh đẳng cấp, để tử tế giỏi giang thì còn được, còn ép nuốt cồn vào bụng, thì thôi, unfriend.
Văn hóa công sở ở đô thị Việt Nam bây giờ là thế, nhìn thấy chán. Tan giờ làm là đi nhậu. Buồn cũng nhậu. Vui cũng nhậu. Không buồn không vui cũng nhậu. Sao không đi tập gym, tập thể dục thể thao, chơi tennis, chơi cầu lông, đi bơi, đi hạc thêm ngoại ngữ, đi hạc nhảy, đi thăm bạn thăm bè, về nhà nấu ăn đọc sách dọn dẹp nhà cửa giúp đỡ người nhà? Riết thành thói quen, 5h chiều shut down máy là vọt đi. Vô nâng ly toàn nói mấy chuyện chính sự linh tinh, chém gió ào ào, say xỉn rồi phóng xe máy đảo qua đảo lại trên đường. Lương bổng có bi nhiêu đâu mà tối nào cũng ra quán, vừa tốn tiền, vừa mệt người, bữa sau dậy đâu có nổi. Bụng đứa nào mới hai mươi mấy tuổi mà đã phệ xuống, mặt mũi thì nhàu nát, bủng beo. Sức khỏe, trí tuệ gì cũng không có. Muốn nhậu nhẹt gì thì nên cuối tuần tổ chức ở nhà bạn, uống 2-3 chai cho nó hưng phấn, còn nhắm bữa nào muốn say túy lúy thì chơi uống rượu luôn, rồi ngủ lại đừng đi về nguy hiểm xe cộ.
Trở lại bữa nhậu hôm đó, mấy anh em vừa uống bia, ăn thịt gà, vừa bàn chuyện thơ chuyện văn hào hứng lắm. Một lúc Quân nó ngà ngà say, mới nói anh Tony à, em biết ơn anh lắm. Về câu hỏi anh cho em hôm trước, em về suy nghĩ kỹ rồi, sứ mạng của cuộc đời em là một bài hát. Để em hát anh nghe. Nói rồi nó cất giọng vang vang:
“Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua
Tôi đứng trên tầng gác thật cao, nhìn ra chân trời xa xa
Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm muôn vì sao sáng
Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu, nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca”
Rồi cái Loan cũng góp giọng
“Loan ơi, Quân còn đi xây nhiều nhà khắp nơi
Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng Quân thấy càng thương nhớ em
Dù xa nhau trọn ngày đêm, Quân càng yêu em càng hăng say. Xây cho nhà cao cao mãi”
Biết là bài “Những Ánh Sao Đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, vì hẻm thuộc lời nên Tony lật đật vô phòng ngủ lấy Ipad ra mở lời để cùng nhau ca. Mấy người bạn của Tony cũng lấy Iphone ra search lời bài hát, rồi biến thành tốp ca nam nữ. Đang hát, 2 người cạnh nhau sẽ nhìn nhau cười 1 cái hoặc lấy tay chỉ 1 chỗ nào đó rồi cùng nhìn, giống như trên sân khấu văn nghệ sinh viên ngày xưa vậy. Hát xong, thấy cái Loan gục nhẹ đầu vào vai Quân, nhìn đẹp đôi quá nên Tony mới nói, vài bữa tụi bây cưới nhau, tao đi đám cưới 1 cây vàng…(còn tiếp)

Du hạc sinh và vấn đề chuối hóa
Du hạc xong, trong đầu bất cứ du hạc sinh nào cũng xuất hiện câu hỏi ở hay về. Tất nhiên du hạc ở đây là 4-5 năm trở lên, quen hết đường đi nước bước, ngôn ngữ, văn hóa bản địa, chứ hẻm phải 12 tháng hay 24 tháng kiểu Tony, vừa chuẩn bị quen biết từng hàng cây góc phố ở Luân Đôn, Pa Ri, Niu Ót, Sít Ni, Meo Bềnh, Am Tẹc Đam ....thì chương trình đã xong. Các chương trình này thật ra là 1 cách xuất khẩu giáo dục của các nước, họ muốn lấy tiền và ta muốn có bằng, nên cứ đến hẹn lại lên, ví dụ 1 số nước họ có chương trình 12 tháng để xong 1 cái master, họ cấp visa đúng 12 tháng. Nên phải về. Hạc yếu cũng cho về. Cũng vì thế nên dù mình viết sai tè le, mấy thầy vẫn châm chước cho qua. Kiểu Liên Xô và Đông Âu ngày xưa, viết sai 1 chút chẳng sao, cho qua hết để các bạn lấy xong cái Phó Tiến Sĩ, về nước để tham gia quánh Mỹ.
Nhóm này thường đã đại hạc ở VN rồi, mới đi làm thạc sĩ ngoại, hay cử nhân liên thông 2 năm ở Việt Nam 2 năm ở bển. Kiếm cái Tóp phô 80 hay cái Ai Eo 5.5 trở lên là đi. Thật ra ở bên kia chứ cũng suốt ngày lên mạng đọc báo Việt Nam. Toàn quan tâm những gì diễn ra bên dải đất hình chữ S. Thậm chí 1 nhóm đâu cả chục bạn cùng sang, cùng thuê 1 nhà, cùng hạc 1 trường, 1 lớp. Vào giờ thảo luận tụm nhau ngồi 1 góc, bày đặt nói tiếng Anh 1 lúc ông thầy vừa xách đít đi là chuyển qua nói tiếng Việt cho phẻ. Ở nhà cũng thay nhau nấu bún bò Huế, mắm tôm mắm ruốc kho lên nghi ngút, cũng mở tivi VTV3 qua máy vi tính coi cười ha hả. Nhóm này về nước thường thành công vì văn hóa Việt Nam không quên mấy. Nên hòa nhập tốt. Vẫn lái xe máy chạy ầm ầm, vẫn quan niệm đèn vàng là dấu hiệu tăng tốc trước khi đèn đỏ. Nên xin việc ngon lành, đi đâu gặp, ai nấy đều nể với khả năng nói ngoại ngữ nhanh dù phát âm hơi giống giống tiếng nước ngoài. Và cũng hay nói, hồi tôi ở bển....( Ông Tổng biên tập Tony Tèo là 1 ví dụ)
Còn nhóm 4, 5 năm trở lên, thường thì họ sang từ lúc 18 tuổi, hạc cử nhân, có thể hạc thêm hạc hoài đến tiến sũy. Trải qua cuộc sống sinh viên, đâu được 3-4 năm là bắt đầu hòa nhập với xã hội bên kia. Sau chục năm thì gần như người bản xứ, chỉ có điều phát âm còn cứng, nghe kỹ vẫn nhận ra, chỉ có nhóm qua trước 15 tuổi thì nói bẻ miệng được y chang như người bản xứ thiệt. Nên nếu muốn con cái làm việc ở nước ngoài luôn thì cho qua từ lớp 10 là OK. Nhưng đi sớm cũng có bất lợi là nó hẻm có tình cảm nhiều với cha mẹ, anh em, không có văn hóa Việt như mấy đứa qua sau. Dù sao việc hạc 3 năm cấp 3 ở VN cũng hình thành tính cách Việt hơn. Nó vẫn khóc ngon lành khi nghe Cẩm Ly ca bài Ru Lại Câu Hò. Còn thế hệ đi nước ngoài từ nhỏ hay sinh ra ở đó, người ta gọi là thế hệ chuối, banana generation, bên trong màu trắng bên ngoài màu vàng, tức màu da thì vàng nhưng suy nghĩ hành động gì đều y chang người da trắng. Nhóm này nghe nhạc Tây, ăn hamburger hay fastfood, không thèm ăn ốc hay uống nước rau má, mỗi lần kêu tụi nó ăn thì tụi nó chỉ nói give it a try. Và suy nghĩ đơn giản, thẳng ruột ngựa kiểu Mỹ trắng, không có nói móc méo hay thâm thúy như người Tàu hay người Việt trong nước.
Có anh bạn tên Q, ra đi từ năm 18 tuổi, vừa hạc vừa làm gần 20 năm, không về nước lần nào, kiếm ăn cũng khá và đã là tiến sĩ kinh tế. Kinh nghiệm thương trường dạn dày. Gót giày gõ mòn hết ở mọi góc phố tài chính thế giới. Anh tự hào về bản lĩnh kinh doanh và vốn sống của mình lắm. Cơn sốt nào cũng trải qua. Bong bóng nào cũng dự đoán được. Bỗng dưng 1 ngày lòng thấy buồn, muốn đem cục tiền về nước đầu tư làm ăn, 1 phần cũng vì bên Mỹ giờ cũng khó mần. Gặp anh ở quán phở Lê chỗ Harvard Square, Tony nói thôi anh, về nghỉ ngơi ăn hột vịt lộn ăn ốc cho vui đi chứ làm cái gì, anh bị chuối hóa mất rồi, về làm ăn khó lắm. Ảnh trề môi, nói mày cứ coi thường anh, cái đầu đầy sạn như thế này, anh không ừa ai thì thôi chứ đứa nào lừa được anh.
Nửa đêm anh vừa xuống sân bay, bị ngay 1 thằng taxi nó chém đẹp. Nó chở từ Tân Sơn Nhất về khách sạn ở Q.Bình Thạnh mà đâu 3 tiếng đồng hồ, anh nói sao nó chở tao đi lòng vòng, chở tao đi qua Thủ Thiêm, rồi tới Thủ Đức, rồi tới Thủ Thừa, Thủ Dầu Một ....toàn Thủ là Thủ. Đầu tiên tao mải coi quê nhà đổi mới thấy thích thú, một hồi tao thấy sợ. Nhớ đâu có xa vậy, cái tao bắt đầu thủ ....võ. Lỡ tâm sự với nó là 20 năm anh chưa về quê và đang đem tiền về nước đầu tư, cũng thêm thắt chút đỉnh kiểu Việt Kiều quen miệng, sợ nói ít tiền người ta khinh. Sống ở xứ người lâu năm, bản năng tồn tại khiến nhiều người hình thành phản xạ nói thêm kiểu mình rất có trình độ và rất giàu có. Tony nói cũng may, chứ nó đưa anh ra bãi đất hoang rồi ...thủ tiêu, không thì kéo đồng bọn gái đẹp dàn cảnh mát xa ...thủ zâm là toi đời trai anh rầu. Cuối cùng anh cũng về được khách sạn ở Bình Thạnh với 2 triệu tiền cước. Anh nói, đúng là về VN, mới thật sự là hạc. Anh vốn thích hạc.
Rồi anh tham gia vào thị trường chứng khoán, quánh lên quánh xuống cắt lỗ chốt lời khí thế, đòn bẩy đòn biếc gì anh cũng áp dụng, các định luật quy tắc gì anh cũng lôi ra. Cuối cùng, anh thất bại cay đắng, nói sao chứng khoán ở xứ mình lạ quá, chưa có trong lịch sử chứng khoán thế giới nên anh phán đoán hẻm được, nhưng vui mừng vì có thêm bài hạc. Rồi anh đầu tư mua bất động sản, phân tích đạo hàm ghê lắm, giá cứ đáy là anh mua, vì đáy rồi sẽ lên theo đồ thị hình sin, ai ngờ ở thị trường của ta có thêm khái niệm "thủng đáy". Hay " phá vỡ đáy cũ, tạo lập đáy mới", rồi nó bất động như chính tên gọi của nó, anh được thêm bài hạc. Số tiền cuối cùng còn lại, anh hùn hạp làm ăn với ông anh họ, chén chú chén anh thề thề thốt thốt, rồi tan vỡ, cãi lộn như giặc, không nhìn mặt nhau, anh lại có thêm bài hạc. Sau 2 năm, anh thất thểu trở về nước Mỹ mến thương, với 0 đồng và 1 sấp các bài hạc. Cái mặt méo xẹo, dài như cái bơm và cái quần đùi lò xo tới háng.
May mà còn có cái che thân. Ai biểu 20 năm trời hẻm về nước chi cha nội!

1. Hòa Bình
Hoà bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh. Nếu mỗi người đều cảm thấy bình yên ở trong lòng thì hòa bình sẽ ngự trị khắp nơi trên thế giới.
Thanh bình không có nghĩa là vắng bóng sóng gió mà chính là ta vẫn giữ được lòng bình an giữa những biến động, hỗn loạn.
Bình an có được khi mọi tư tưởng, tình cảm và ước muốn của con người đều trong sáng.
2. Tôn trọng
Bẩm sinh con người là vốn quý giá. Một phần của lòng tự trọng là biết về các phẩm chất của mình.
Tôn trọng bản thân là hạt giống để sự tự tin lớn lên. Khi biết tôn trọng bản thân, ta dễ dàng tôn trọng người khác.
Nhận biết giá trị của bản thân và trân trọng giá trị của người khác chính là cách thức để ta nhận được sự tôn trọng.
3. Yêu thương
Tình yêu là nền tảng tạo dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ một cách chân thành và bền vững nhất.
Yêu thương có nghĩa là tôi có thể trở thành người tử tế, biết quan tâm và thông hiểu người khác.
Yêu thương là nhìn nhận mỗi người theo cách tích cực hơn.
4. Khoan dung
Khoan dung là sự cởi mở và nhận ra vẻ đẹp của những điều khác biệt
Khoan dung đối với những điều không thuận lợi trong cuộc sống là biết cho qua đi, trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và tiếp tục tiến lên.
Người biết trân trọng những giá trị tốt đẹp ở người khác và nhìn thấy những điều tích cực trong mọi tình huống là người có lòng khoan dung.
5. Trung thực
Trung thực làm cho cuộc sống trở nên toàn vẹn hơn vì bên trong và bên ngoài chúng ta là một hình ảnh phản chiếu.
Đôi khi lòng tham là gốc rễ của sự thiếu trung thực. Trung thực với bản thân và với mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có nghĩa là ta đang gieo niềm tin trong lòng người khác và xứng đáng nhận được sự tin yêu.
6. Khiêm tốn
Khiêm tốn cho phép bản thân ta trưởng thành với phẩm giá và lòng chính trực mà không cần đến những bằng chứng thể hiện bên ngoài.
Khiêm tốn giúp người ta trở nên tuyệt vời hơn trong trái tim người khác.
Việc gây ấn tượng, lấn át hoặc hạn chế tự do của người khác nhằm mục đích chứng tỏ bản thân mình sẽ chỉ làm giảm bớt trải nghiệm nội tâm về giá trị, phẩm cách và bình an trong tâm hồn.
7. Hợp tác
Tinh thần hợp tác tồn tại khi mọi người làm việc cùng nhau vì mục đích chung.
Người có tinh thần hợp tác là người có tâm hồn trong sáng, luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với mọi người cũng như công việc.
Khi hợp tác, ta cần phải biêt điều gì là cần thiết. Đôi khi ta cần đưa ra ý tưởng nhưng có lúc ta cần phải gác qua một bên ý tưởng của mình. Lúc này, ta giữ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, nhưng vào lúc khác, ta cần phải đi theo.
8. Hạnh phúc
Hạnh phúc sẽ mỉm cười khi lòng ta tràn ngập hy vọng và sống có mục đích.
Khi tâm hồn bình yên và giàu tình yêu thương, hạnh phúc sẽ tự nhân lên.
Khi mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc tràn ngập con tim.
9. Trách nhiệm
Nếu chúng ta muốn được hòa bình, chúng ta phải có trách nhiệm sống bình yên.
Người có trách nhiệm luôn sẵn lòng đóng góp công sức của mình. Trách nhiệm không phải là điều ràng buộc chóng ta mà nó tạo điều kiện để ta có được những gì ta mong muốn.
Người có trách nhiệm là người biết thế nào là công bằng và thấy rằng mỗi người đều nhận được phần của mình.
10. Giản dị
Giản dị là biết trân tọng những điều nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống.
Giản dị là sự trân trọng vẻ đẹp bên trong và nhận ra giá trị của tất cả mọi người, ngay cả những người được xem là xấu xa, tồi tệ.
Giản dị giúp chúng ta biết giảm thiẻu những chi tiêu không cần thiết. Nó giúp ta nhận ra rằng một khi các nhu cầu cơ bản của chúng ta được đáp ứng, đủ để ta có một cuộc sống thoải mái thì bất kỳ sự thái quá và thừa thãi nào cũng có thể dẫn tới tình trạng hư hỏng và lãng phí.
11. Tự do
Tự do có thể bị hiểu lầm là một điều gì đó không có giới hạn, tức là cho phép mình “làm những gì tôi muốn, bất cứ khi nào tôi cần và bất cứ người nào tôi thích”. Cách hiểu này mang tính chất đánh lừa và dễ dẫn người ta đến việc lạm dụng sự lựa chọn.
Chúng ta chỉ thật sự cảm thấy tự do khi các quyền được cân bằng với trách nhiệm, sự lựa chọn được cân bằng với lương tâm.
12. Đoàn kết
Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.
Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình và làm cho bầu không khí trở nên ấm áp.
Chỉ cần một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng cũng có thể khiến cho mối đoàn kết bị đổ vỡ. Việc ngắt lời, gây cản trở người khác, đưa ra những lời phê bình, chỉ trích liên tục và thiếu tính xây dựng… sẽ ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ...

IMG_8498
Việc cố gắng khám phá mục đích cuộc đời mình có thể gây nản lòng nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu. Tất cả sẽ bắt đầu khi bạn biết nhiều hơn về cuộc sống và việc bạn là ai. Bạn chính là người có thể bước ra ngoài thế giới và tạo ra sự thay đổi bằng cách tìm kiếm mục đích và đi trên con đường đúng đắn. Hiện tại bạn có tất cả mọi thứ bạn cần cho cuộc khám phá. Trong bài này, bạn sẽ khám phá ra được mục đích của mình bằng cách thực hiện các bước hành động giúp cho bạn đạt được mục đích. Hãy xem đây như một khóa học nhỏ bởi vì sau khi bạn đọc (hay viết) xong thì bạn sẽ biết được có những điều về chính mình mà cho tới bây giờ, bạn mới coi trọng chúng.
Làm những gì khiến bạn là duy nhất
Tính duy nhất của bạn có nghĩa là bạn sẽ không lẫn lộn với bất kỳ ai trong số còn lại của thế giới. Hãy tìm ra sức mạnh, niềm đam mê và giá trị của chính mình. Hãy bước ra khỏi những gì dường như là quy tắc và làm theo mách bảo của trái tim, mở lối đi riêng cho bạn.
Sử dụng hướng dẫn của riêng bạn
Hãy chạm vào những cảm giác của bạn: bạn cảm thấy thế nào khi bạn đang làm điều gì đó? Nó có thể nằm trong chính công việc của bạn, khi bạn đang làm một nhiệm vụ hay một sở thích. Khi nào bạn đánh mất khái niệm thời gian? Bạn đang làm điều gì? Giữ bên mình một cuốn sổ ghi chép hoặc dùng điện thoại ghi âm lại những khoảnh khắc này. Bởi vì cảm giác chính là chìa khóa để làm những gì bạn yêu thích (hoặc không thích). Hãy làm những điều bạn yêu thích nhiều hơn bằng cách ý thức được mình cảm thấy như thế nào khi làm điều gì đó.
Khi còn nhỏ, bạn đã mơ ước làm điều gì khi lớn lên?
(Trước khi người khác đã đè bẹp ý tưởng này) Hãy dành ra thời gian yên tĩnh bởi vì chúng ta sắp sửa đi ngược về cái thời mà trí tưởng tượng của bạn còn đầy ắp sự phong phú và dựng lên nhiều hình ảnh về chính mình làm nên những điều kỳ diệu. Đó có phải là những gì bạn nói với người khác là bạn muốn trở thành? Bạn thích làm điều gì? Bạn thích đi đâu?
Bạn thật sự thích làm điều gì?
Bạn chưa từng nghiêm túc hỏi bản thân câu hỏi này và trả lời thành thật phải không? Vậy thì làm ngay đi.
Hỏi chính mình rằng bạn sẽ làm gì nếu không có giới hạn nào cản trở.
Nếu tôi bảo bạn rằng không có điều gì là giới hạn, tất cả chỉ là những thứ bạn mang trên người và ngăn bạn tiến về phía trước. Đối với bài tập này, bạn vẽ ra hai cột trên một tờ giấy và mục tiêu của bạn nằm ở đầu tờ giấy. Cột thứ nhất bạn viết ra một danh sách những cách bạn SẼ hoàn thành mục tiêu, cột thứ hai là những gì cản trở bạn đạt được mục tiêu. NHƯNG bạn không cần phải viết bất cứ điều gì ở cột thứ 2 bởi vì mỗi giây phút bạn nghĩ đến điều gì đó kìm hãm bạn, chỉ cần la lên ‘KẾ TIẾP’. Và viết một cách khác bạn CÓ THỂ làm được. Và sau đó thì thực hiện.
Cái gì cho bạn cảm giác lớn nhất về giá trị, sự quan trọng và sự thỏa mãn?
Câu hỏi này đã rất rõ ràng nhưng thay vì bảo bạn ghi ra thì tôi chỉ bảo bạn nằm hay ngồi xuống chỗ nào đó thoải mái và hình dung ra bối cảnh hay một vài chỗ nào đó bạn đã cảm thấy mình có giá trị, quan trọng hoặc mãn nguyện. Hi vọng điều này sẽ soi sáng cho những gì bạn đang phải làm một cách thường xuyên hơn.Dream-big-380×253
Điều tuyệt vời mà bạn dám mơ ước là gì nếu như bạn đã không thất bại?
Nếu giấc mơ của bạn là tạo ra thay đổi cho thế giới vì một nhân loại tốt hơn thì điều gì khiến bạn nghĩ rằng mình không thể. Cố gắng tìm hiểu căn nguyên nỗi sợ của bạn để tìm cách loại bỏ chúng từng chút một.
Nếu bạn có đầy đủ tiền bạc thì bạn sẽ làm gì?
Hãy tạo một danh sách, kiểu như những điều bạn phải làm trong đời, và xem bạn có thể làm được những điều tuyệt vời gì. Bạn sẽ đi đâu? Bạn sẽ sống một cuộc đời như thế nào?
Có niềm tin nào đang kìm hãm bạn không?
Có điều gì bạn thực sự muốn làm nhưng lại có những niềm tin hạn chế nào đó kìm hãm bạn lại, bởi vì bạn không tin rằng mình đủ giỏi? Niềm tin của bạn dường như có thật, trong khi thực tế chúng chỉ là những điều bạn đã học cách chấp nhận ngay cả khi chúng không có thật. Có lẽ bạn có tài năng mà bạn không nghĩ là giỏi. Có lẽ bạn không có đủ thời gian. Có lẽ bạn không nghĩ có ai đó sẽ quan tâm. Cho dù là điều gì thì cũng đã đến lúc bạn nên lùi lại, nhìn từ một góc độ khác và trả lời những câu hỏi sau:
Thời điểm hành động
Lập ra một danh sách 10 mục tiêu bạn muốn đạt được trong vòng ba năm tới, viết ở thì hiện tại. Trong danh sách đó, chọn ra một mục tiêu có ảnh hưởng tích cực nhất đến cuộc đời bạn. Lập một danh sách gồm tất cả những thứ sẽ đưa bạn tiến tới mục tiêu. Hãy quyết tâm là bạn sẽ đo quá trình và thành công trong việc đạt được mục tiêu đó như thế nào. Hãy ghi và hành động ngay lập tức, ít nhất là một điều.
“Điều duy nhất chắn giữa một người và điều anh ta muốn có trong cuộc đời chỉ là ý chí thực hiện và niềm tin để tin rằng mọi việc đều có thể.” ~ Richard M. DeVos


IMG_8495
Trong cuộc sống ai cũng có những lúc đạt đến giới hạn, bạn cảm thấy không thể tiếp tục được nữa. Cuộc sống đã đánh gục bạn. Bạn trở nên nản chí, tuyệt vọng và dường như không có một lối thoát nào. Vậy bạn có muốn biết sự khác biệt giữa những người có thế xoay sở và biến sự khó khăn thành điều có lợi cho mình không? Tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn suy nghĩ. Nếu như tinh thần bạn mạnh mẽ thì bạn luôn có thể vui vẻ trong bất cứ tình huống nào. Và nếu bạn muốn trở thành một trong số họ thì dưới đây là 14 điều bạn có thể làm để thành công:
1. Họ kiểm soát cảm xúc.
Những người có ý chí mạnh mẽ sẽ không để cho cảm xúc chi phối mình. Điều này không có nghĩa là họ không có cảm xúc. Đương nhiên ai cũng có cảm xúc, nhưng họ biết cách không để cho chúng kiểm soát mình trong những tình huống nhất định. Họ biết cách để cho những suy nghĩ logic kiểm soát được những phần cảm xúc bên trong họ.
2. Họ nhìn nhận lại tình huống.
Thay vì coi những chướng ngại vật là sự rắc rối, hãy coi đây là cơ hội học hỏi. Những người có tinh thần mạnh mẽ sẽ không nhìn ra thảm kịch mà thay vào đó là thắng lợi. Họ nhận ra mọi việc vẫn luôn có thể tồi tệ hơn, rằng những người khác còn khổ hơn mình. Chính vì vậy, ngay lập tức (hoặc sau cùng) họ nhìn nhận lại tình huống theo hướng tích cực hơn.
3. Họ giữ bình tĩnh.
Nếu phải đối mặt với khủng hoảng thì họ cũng không mất quá nhiều thời gian để lo lắng. Chẳng hạn như nếu họ phát hiện ra mình sẽ sớm bị cho nghỉ việc thì cũng không trở nên quá tuyệt vọng hay bắt đầu khóc lóc, than thở về việc này. Họ chỉ đơn thuần hít thở, tập trung vào bản thân và nói rằng mọi việc sẽ khá hơn; và bắt đầu hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề (đăng ký tuyển dụng vào một vị trí mới chẳng hạn).
4. Họ chấp nhận những thứ mình không thể thay đổi.
Bạn phải thanh toán tiền thuế, tiền thế chấp nếu như bạn muốn giữ căn nhà của mình. Bạn phải học cách sống hoà thuận với chồng/vợ hay đồng nghiệp của mình. Đây đều là những điều bạn không thể thay đổi. Vì vậy việc bạn có thể làm chỉ đơn giản là chấp nhận những thứ mình không thể thay đổi. Đó chính là điều mà những người có tinh thần mạnh mẽ hay làm. Họ hiểu sự khác biệt giữa những điều họ có thể và không thể thay đổi. Và chấp nhận nó bởi nếu không sẽ chỉ như đổ thêm dầu vào lửa mà thôi.
5. Họ trân trọng những gì họ có.
Tôi quen những người có cuộc sống rất tuyệt vời nhưng họ luôn miệng than vãn về những điều mình không có. Những người có tinh thần mạnh mẽ sẽ không làm như vậy. Họ biết rằng mình là người may mắn. Họ nhìn vào những thứ mình đang sở hữu và thường xuyên tỏ ra biết ơn, trân trọng những điều này. Biết trân trọng là một trong những cảm xúc đem lại nhiều rung động nhất và sẽ đem lại nhiều điều tuyệt vời hơn cho bạn.
6. Họ không chú ý vào những thứ tiêu cực.
Thay vì nhìn nhận một chiếc cốc với hình ảnh vơi một nửa hay đầy một nửa, những người có tinh thần mạnh mẽ thấy hình ảnh chiếc cốc luôn đầy – một nửa đầy nước và một nửa đầy không khí. Họ chỉ tập trung tìm giải pháp. Ví dụ, nếu họ gặp phải vấn đề hôn nhân, họ sẽ tập trung vào những điểm đáng yêu của chồng/vợ mình chứ không phải những điều mình ghét ở nửa kia. Sau đó cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp.
7. Họ nhận trách nhiệm về những suy nghĩ và hành động của bản thân.
Nếu có điều gì không tốt xảy ra trong cuộc sống của mình, họ không đổ lỗi cho người khác. Họ biết rằng chính họ mới là người làm chủ những thành công cũng như những thất bại của bản thân. Họ không bao giờ tự coi mình là nạn nhân.
8. Họ quý trọng bản thân.
Rất nhiều người nghĩ rằng quý trọng bản thân cũng giống như tự phụ hay có cái tôi lớn. Hoàn toàn không phải vậy. Những người thực sự quý trọng bản thân sẽ không bao giờ khoe khoang mình tuyệt vời như thế nào bởi họ không cần phải làm vậy. Mọi người đều biết họ tuyệt vời thế nào bởi ai cũng có thể nhìn thấy sự cao cả ở họ. Và những người có tinh thần mạnh mẽ luôn biết quý trọng bản thân cũng như tự tin rằng mình có thể làm bất cứ điều gì.
9. Họ học hỏi từ quá khứ.
Rất nhiều người chọn cách vùi mình trong đống cát và phớt lờ quá khứ – đặc biệt khi đó là một quá khứ đau buồn. Nhưng họ biết rằng chính quá khứ đã tạo ra con người họ ngày hôm nay. Họ biết nhìn vào những thành công và thất bại đã qua, và thực hiện những điều này một cách tốt hơn trong tương lai. Như nhà văn Maya Angelou đã nói ‘Khi bạn biết nhiều hơn, bạn sẽ làm tốt hơn.’ Những người sáng suốt sẽ không nhớ về quá khứ với những từ như ‘lỗi lầm’ hay ‘thất bại’ thay vào đó là những ‘bài học kinh nghiệm.’
10. Họ thay đổi những gì mình có thể.
Như tôi đã nói ở mục 4, có những việc bạn không thể thay đổi. Nhưng hầu hết mọi thứ trong cuộc sống lại có thể thay đổi được. Vậy nếu như bạn không thích công việc hiện tại, hãy đi tìm một công việc khác. Nếu như mối quan hệ của bạn đang gặp trục trặc, hãy nói chuyện với nửa kia để cùng nhau giải quyết. Đừng dừng lại trước sự trì trệ. Hãy tiếp tục tiến lên bằng cách thực hiện những thay đổi tích cực.
11. Họ đánh giá bản thân.
Những người có ý chí mạnh mẽ liên tục đặt ra những câu hỏi để có thể hiểu chính bản thân mình. Đây là một kỹ năng mà ai cũng có thể làm được nhưng họ đã đạt đến mức tinh thông kỹ năng này, Họ thấu hiểu con người mình và những ảnh hưởng mà cách cư xử của họ đem đến cho cuộc sống và các mối quan hệ của mình. Bạn không thể thay đổi những thứ mình không nhận ra và họ biết rõ điều này.
12. Họ có tính tự kỷ luật.
Đương nhiên vẫn luôn có những thứ ta không thích làm. Nhưng trong khi rất nhiều người lảng tránh hay trì hoãn việc thực hiện nó thì những người có tinh thần mạnh mẽ biết cách huấn luyện bản thân thực hiện những điều cần làm. Họ không ngại ngần hành động ngay cả khi chúng không dễ chịu một chút nào, bởi đó là việc phải làm. Họ đón chào những thử thách và chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình.
13. Họ không ghen tị với người khác.
‘Con quỷ mắt xanh’ có thể là một điều vô cùng tồi tệ. Có rất nhiều người thường xuyên so sánh bản thân với người khác và nghĩ mình là người thấp kém. Những người có tinh thần mạnh mẽ không làm như vậy. Họ trân trọng những gì mình có và biết rằng mỗi người một khác. Mỗi người có con đường riêng cho mình và họ hoan nghênh sự thành công của tất cả, trong đó có chính bản thân họ.
14. Họ không ngừng tiếp tục.
Những người có ý chí mạnh mẽ không bao giờ từ bỏ. Họ không bao giờ coi bản thân là sự thất bại. Nếu mọi chuyện không giống như kế hoạch, họ sẽ lập ra một kế hoạch mới. Họ không dừng lại mà liên tục tiến lên phía trước để đạt đến tương lai tươi đẹp.
Nếu bạn nghĩ rằng mình không có một ý chí mạnh mẽ cũng đừng lo lắng. Bạn hoàn toàn có thể đạt được điều này. Tất cả những gì bạn cần là niềm mong muốn biến điều này thành hiện thực và đương nhiên cả sự luyện tập nữa. Mọi thứ hoàn toàn có thể. Hãy quyết định ngay bây giờ rằng bạn không chỉ có thể mà sẽ có một tinh thần mạnh mẽ.
Chúc bạn thành công!!!

Thầy hỏi: “Nếu các trò lên núi chặt cây, vừa vặn trước mắt có hai gốc cây, một gốc cây to, một gốc cây nhỏ, các em sẽ chặt gốc nào?” Câu hỏi vừa ra, tất cả học sinh đều nói: “Tất nhiên là chặt gốc cây to rồi.”
Thầy cười cười, nói: “Gốc cây to kia chỉ là một gốc bạch dương bình thường, mà gốc cây nhỏ kia lại là một cây thông, bây giờ các em sẽ chặt cây nào?”
Chúng tôi nghĩ, cây thông tương đối quý, nên trả lời: “Tất nhiên sẽ chặt cây thông, bạch dương không được bao nhiêu tiền!”
Thầy mang theo nụ cười không đổi nhìn chúng tôi, hỏi: “Nếu gốc cây dương là thẳng tắp, mà cây thông lại uốn éo xiêu vẹo, các em sẽ chặt cây nào?”
Chúng tôi cảm thấy có chút nghi hoặc, liền nói: “Nếu là như vậy, hay là vẫn chặt cây dương. Cây thông cong queo ngoằn ngoèo, làm gì cũng không làm được!”
Ánh mắt thầy lóe lên, chúng tôi đoán là thầy sẽ thêm điều kiện nữa, quả nhiên, thầy nói: “Cây dương tuy thẳng tắp, nhưng bởi đã lâu năm, nên phần giữa mục rỗng, lúc này, các em sẽ chặt gốc nào?”
Tuy không hiểu nổi ý định của thầy, chúng tôi vẫn từ điều kiện của thầy mà suy nghĩ, nói: “Thế thì lại chặt cây thông, cây dương ở giữa đã mục rỗng, càng không thể dùng!”
Sau đó thầy liền hỏi: “Thế nhưng dù cây thông ở giữa không mục rỗng, nhưng nó cong queo quá ghê gớm, bắt đầu chặt rất khó khăn, các em sẽ chặt gốc nào?”
Chúng tôi dứt khoát không suy nghĩ kết luận của thầy là gì nữa, liền nói: “Vậy chặt cây dương. Đều không thể dùng như nhau, đương nhiên chọn cây dễ chặt!”
Thầy không để chúng tôi thở, liền hỏi: “Thế nhưng trên cây dương có một tổ chim, mấy con chim non đang ở trong ổ, các em sẽ chặt gốc nào?”
Cuối cùng, có người hỏi: “Thầy ơi! Rốt cuộc thầy muốn nói gì cho chúng em vậy? Hỏi những thứ đó làm gì vậy thầy?”
Thầy không cười nữa và nói: “Các em vì sao không tự hỏi mình, rốt cuộc là chặt cây để làm gì? Tuy điều kiện của thầy thay đổi, nhưng yếu tố cuối cùng quyết định kết quả là động cơ ban đầu của các em. Nếu muốn lấy củi, các em liền chặt cây dương; muốn làm hàng mỹ nghệ, liền chặt cây thông. Các em tất nhiên sẽ không vô duyên vô cớ cầm theo búa lên núi chặt cây chứ?!”
Một người, chỉ khi trong nội tâm đã có mục tiêu từ trước, thì lúc làm việc mới không bị đủ loại điều kiện và hiện tượng bên ngoài mê hoặc. Mục tiêu của bạn đã rõ ràng chưa? Tư tưởng thông suốt, mới có thể kiên trì thực hiện được!
( Sưu tầm)