Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

>>Trang chủ » Ký Sự Tháng Ngày » Putin và Các Tỷ Phú Nga

Putin và Các Tỷ Phú Nga

Tỷ phú Nga ‘Hốt’ tài sản nhà nước, một bước lên tài phiệt
(GNA: Trông người lại ngẫm đến ta)
20141022171155-abramovich-1
Mạnh Hà – VEF – 23 Oct 2014
Nhiều tài phiệt Nga có chung con đường ngắn nhất để kiếm tiền tỷ một cách nhanh chóng, khá dễ dàng, đó là nhờ các phi vụ mua bán, thâu tóm tài sản nhà nước bán rẻ mà nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng chào thua.
Túi tiền “khủng” và sức mạnh của tài phiệt Nga
Đầu tháng 10/2014 vừa qua, cựu tỷ phú Mikhail Khodorkovsky một lần nữa thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên tờ WSJ, cựu trùm dầu mỏ cho biết ông sẽ thúc đẩy một hội nghị về hiến pháp hướng vào việc phân tán quyền lực của tổng thống Nga sang bên lập pháp và tư pháp.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, đây là lần thứ hai người từng giàu nhất nước Nga có phát biểu hướng mũi dùi trực diện tới Tổng thống Nga Putin. Hồi cuối tháng 9, cựu tỷ phú 52 tuổi này đã công khai ý định muốn dẫn dắt nước Nga, cho dù trước đó đã từng tuyên bố không dính dáng tới chính trị khi được ông Putin ân xá vào cuối năm 2013.
Những tuyên bố mang tính chính trị của Khodorkovsky rất được quan tâm, bởi chính tham vọng chính trị đã từng khiến nhà tài phiệt này lao đao với 10 năm ngồi tù và hiện vẫn sống lưu vong ở nước ngoài.
Trước khi bị bắt, Forbes đánh giá Khodorkovsky có khoảng 15 tỷ USD. Sau khi ra tù, cựu tài phiệt này đã mất phần lớn tài sản nhưng vẫn giàu có với cuộc sống sa hoa không kém so với trước.
Trái với Khodorkovsky, nhiều tỷ phú trong nước khác lại sẵn sàng hy sinh hoặc xa rời quyền lực chính trị để đảm bảo sức mạnh tài sản. Nửa cuối năm ngoái, hàng loạt nghị sĩ và quan chức nằm trong danh sách 200 người giàu nhất nước Nga đã đệ đơn từ chức, hy sinh quyền lực chính trị để bảo vệ tài sản của mình, tránh đạo luật chống tham nhũng do ông Putin đề ra. Tỷ phú nổi tiếng Roman Abramovich đầu năm ngoái cũng tự nguyện từ chức lãnh đạo khu tự trị Chukotka.
Các tỷ phú khác đang ra sức bảo vệ khối tài sản khổng lồ kiếm được trong hơn một thập kỷ trước đó. Ông trùm khai thác thép và kim loại giàu nhất nước Nga và đứng thứ 40 trên thế giới, Alisher Usmanov, chứng kiến tài sản gia tăng trở lại thêm gần 200 triệu USD, lên 17,7 tỷ USD sau khi đã mất 2,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.
Tỷ phú kiếm tiền từ ngành thép, đường sắt và giao vận Vladimir Lisin cũng đã mất khoảng 2,6 tỷ USD, xuống còn 12,3 tỷ USD. Andrey Melnichenko – ông trùm ngành tài chính Nga – vẫn duy trì được túi tiền gần 9 tỷ USD, sau khi đã mất khoảng 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.
Theo Forbes, nhiều tài phiệt Nga khác sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD như Roman Abramovich (9,5 tỷ USD), Mikhail Fridman (15,7 tỷ USD), Viktor Vekselberg (15,6 tỷ USD), Vladimir Potanin (14 tỷ USD), Leonid Mikhelson (13,9 tỷ USD), Gennady Timchenko (13,6 tỷ USD), Vagit Alekperov (12,2 tỷ USD), Mikhail Prokhorov (9,9 tỷ USD)…
Tính tới 22/10, tổng cộng Nga có 11 tỷ phú có tài sản trên 10 tỷ USD và có thêm 12 tỷ phú có tài sản trên 5 tỷ USD.
Giàu nhanh vì đâu?
Không giống như ở nhiều nước khác, quá trình làm giàu của phần lớn các nhà tài phiệt Nga có liên quan tới quá trình tư nhân hóa của nền kinh tế nước này dưới thời Boris Yeltsin.
Rất nhiều tỷ phú USD đã gây dựng khối tài sản khổng lồ của mình nhờ vào các thương vụ cổ phần hóa các DNNN với giá mua rẻ mạt.
Khodorkovsky xuất thân từ một gia đình bình dân nhưng đã phất lên nhanh chóng nhờ mở ngân hàng Menatep và từ đó có tiền để mua cổ phần DNNN với giá rất rẻ. Khodorkovsky đã mua công ty lớn nhất nước Nga Yukos với giá thanh lý vài trăm triệu USD trong khi giá thị trường trước đó lên tới nhiều tỷ USD. DN này sau đó đã trở thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ cho ông trùm dầu mỏ một thời.
Giữa tháng 9 vừa qua, Nga bắt giữ ông Vladimir Yevtushenkov, chủ tịch Sistema Group, một trong những tập đoàn lớn nhất nước này với cáo buộc liên quan đến việc tư nhân hóa công ty dầu lửa Bashneft.
Ngay lập tức, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc họp trấn an các nhà đầu tư với tuyên bố cho rằng: Sẽ không có việc rà soát toàn diện về các kết quả tư nhân hóa trong quá khứ, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Sự việc trên cho thấy một thực tế: Không ít các tài phiệt Nga giàu lên một cách nhanh chóng và lọt vào tốp những tỷ phú giàu nhất trên thế giới là nhờ vào việc ‘hốt’ tài sản nhà nước giá rẻ.
Các tỷ phú hàng đầu của Nga hầu hết đều liên quan tới các vụ mua bán DNNN, ở vào thời điểm nước Nga đang chuyển đổi, giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phần tại các DNNN.
Tỷ phú giàu nhất nước Nga Usmanov khởi nghiệp từ kinh doanh túi nilon nhưng thực sự phất sau khi trở thành cổ đông chính tại Metalloinvest – hãng sản xuất quặng kim loại lớn nhất Nga và thứ năm thế giới.
Tỷ phú Mikhail Fridman sở hữu phần lớn cổ phần trong hãng khai thác dầu mỏ TNK-BP; Leonid Mikhelson mua hơn 50% cổ phần trong công ty hóa dầu Sibur; Vladimir Lisin là cổ đông lớn tại hãng thép hàng đầu Nga Novolipetsk…
Quá trình làm giàu siêu tốc của nhiều tài phiệt khá rõ ràng. Đó là một phần của lịch sử khó thay đổi và lực lượng này đang có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế, tới xã hội nước Nga. Tuy nhiên, sự mất vốn, sự mất công bằng và một nền kinh tế kém đa dạng có lẽ là hậu quả khó khắc phục.
Mạnh Hà
Tạp chí Forbes định giá tài sản của TT Putin khoảng 70 tỉ USD
Theo “Một Thế Giới” – 25 Oct 2014
Trong bài viết “Prince Charles Or Vladimir Putin — Who’s Richer?(Thái tử Charles hoặc Vladimir Putin – Ai giàu hơn?)”, trang tin www.inquisitr.com dẫn lại nguồn từ tạp chí Forbes cho rằng tổng thống Nga 62 tuổi đang “sở hữu một tài sản cá nhân chóng mặt lên đến 70 tỉ USD”.
Trang tin này nhận định ông Putin đã thu lợi từ vị trí điều hành nước Nga của mình trong thời gian vừa qua và cho rằng “nếu đem tài sản của thái tử Charles so với tổng thống Putin thì chẳng khác nào một giọt nước so với đại dương”.
Thái tử Charles đang ở vị trí số 1 kế vị ngai vàng của Vương quốc Anh và vị vua tương lai của xứ sương mù này luôn được xem là một trong những người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, trang tin này dẫn bản báo cáo mới nhất cho biết tài sản riêng của thái tử Charles chỉ ước tính ở khoảng 370 triệu USD và so với những người giàu có nhất thế giới thì vị vua tương lai này được xếp vào dạng những người nghèo khổ.
Tài sản của ông Putin cho thấy việc kiểm soát một cường quốc hạt nhân số 2 thế giới đã đem lại cho ông Putin số tiền chỉ kém ông vua Microsoft Bill Gate có 10 tỉ USD mà thôi. Bill Gate, 59 tuổi, với tổng tài sản 80 tỉ USD hiện đang xếp thứ nhì danh sách người giàu nhất thế giới , sau ông trùm điện thoại Carlos Slim người Mexico.
Và nếu đúng tài sản của ông Putin nhiều như Forbes loan tải,  vị tổng thống Nga sẽ xếp hạng 3 trong danh sách này.
Tờ Forbes cho rằng trong khi tài sản của vị thái tử Anh 65 tuổi  chủ yếu đến từ các nguồn thừa kế bất động sản hoàng gia thì ông Putin đã kiếm được miếng bánh lớn trong từ việc sở hữu hơn 1/3 công ty dầu mỏ khổng lồ Surgutneftegas của Nga và một miếng bánh lớn nữa trong công ty gaz tự nhiên Gazprom.
L.H.L (nguồn: www.inquisitr.com)

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Chu Hảo











(TBKTSG) - Trong diễn từ nhận Giải Văn hóa Phan Châu Trinh cuối tháng 3 vừa qua, ông Thomas Vallely (người sáng lập Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM) đã đưa ra nhận xét khá độc đáo rằng “ngoại lệ Việt Nam” đã cản trở mọi cố gắng cải cách giáo dục đại học ở nước ta. Đi xa chút nữa, trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 10-4 ông còn khẳng định Việt Nam đã cơ bản thất bại trong quá trình công nghiệp hóa vì đã áp dụng “chủ nghĩa ngoại lệ”. Theo ông, “chủ nghĩa ngoại lệ” có thể hiểu một cách đơn giản là sự tự coi mình là trường hợp đặc biệt, tuân theo những nguyên tắc không giống ai. Tôi cho rằng Việt Nam ta có thể là trường hợp điển hình của “chủ nghĩa ngoại lệ” này.
Trên thế giới ngày nay, khi hoạch định chiến lược phát triển, bất kể quốc gia nào cũng phải hết sức coi trọng xu thế phát triển của thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại, những thông lệ được thế giới thừa nhận, đặc biệt là những công ước hay hiệp định quốc tế đã cam kết tham gia ở cấp độ nhà nước. Mặt khác, phải căn cứ vào thực tiễn của đất nước, bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, vị trí địa - chính trị, quan hệ quốc tế và tiềm năng hiện có của mình. Thực tiễn ấy tạo nên một vài đặc điểm của riêng từng nước, do đó không thể có mô hình phát triển nào là duy nhất đúng, là đúng trăm phần trăm cho mọi nước. Nhưng quá lạm dụng tính đặc thù để trở thành “chủ nghĩa ngoại lệ” là điều rất tai hại.
Ấy vậy mà trong Diễn đàn Kinh tế mùa xuân tại Quảng Ninh ngày 29-4 vừa qua nhiều ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý đã phải rung những hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về hiện trạng đậm nét “chủ nghĩa ngoại lệ” này trong thể chế kinh tế hiện hành.
Chẳng hạn, ông Võ Đại Lược khẳng định rằng không có một nền kinh tế thị trường nào trên thế giới này lại quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo. Rõ ràng đây là đặc sản chỉ có ở Việt Nam và đã được hiến định trong Hiến pháp hiện hành. Hiến pháp hiện hành cũng hiến định luôn cả việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Ấy thế mà chúng ta đang cầu cạnh người ta công nhận mình có nền kinh tế thị trường đầy đủ(?!). Và các nhà thương lượng TPP của chúng ta quả là những nhà ngoại giao xuất chúng: hình như đang ép được các đối tác nuốt trôi “biệt lệ” này.
Nhân dịp Diễn đàn Kinh tế mùa xuân người ta cũng nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trước đó nói rằng làm gì có cái thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đi tìm cơ chứ? Có lẽ ông nói đúng. Thứ nhất là bởi vì kinh tế thị trường và CNXH (như chúng ta đã từng được giáo huấn) là hai thực thể đối chọi nhau như nước với lửa, không thể dung hợp với nhau để cùng tồn tại. Thứ hai là bởi vì cụm từ “định hướng XHCN” được ghép vào nhiều khái niệm, chứ không phải chỉ có trong lĩnh vực kinh tế, đối với hầu hết những người có chút hiểu biết là không có nội hàm. Lý do đơn giản là bởi vì bản thân cụm từ CNXH được ghi trong Cương lĩnh của ĐCSVN và trong Hiến pháp 2013 cũng không được định nghĩa rõ ràng. Mô hình CNXH như chúng ta đã từng tâm niệm là mô hình Xô viết, được xây dựng trên các nguyên tắc bất di bất dịch như chúng ta đã biết. Ngày nay không ai biết mô hình CNXH mà chúng ta vươn tới được xây dựng trên các nguyên tắc nào? Những đặc trưng của CNXH ghi trong Cương lĩnh của ĐCSVN hầu hết là các mục tiêu muốn đạt được (như ở bất kỳ xã hội tiến bộ nào) dưới hình thức các khẩu hiệu chính trị. Chúng ta phải cám ơn ông Bùi Quang Vinh đã mạnh dạn nói thẳng ra một biểu hiện cốt lõi của “chủ nghĩa ngoại lệ” này trong thể chế kinh tế đang được vận hành.
Ý kiến của ông Trương Đình Tuyển về xã hội dân sự là một đột phá hết sức thú vị trên diễn đàn. Với tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật ông đã đề cập đến một vấn đề được coi là nhạy cảm chính trị mà cho đến thời điểm này vẫn mặc nhiên được coi là điều cấm kỵ. Như giới nghiên cứu luôn khẳng định: nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự là ba trụ cột của một thể chế chính trị dẫn đến phát triển bền vững. Ông cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện là phái viên của Thủ tướng Chính phủ làm cố vấn cho Đoàn đàm phán Hiệp định TPP, cho rằng nếu chấp nhận thể chế kinh tế thị trường mà không chấp nhận xã hội dân sự là điều vô lý. Tôi nghĩ rằng ông cũng coi đây là một “ngoại lệ” cần phải được gỡ bỏ trong quá trình hội nhập.
Vậy là để cải cách thể chế kinh tế trước hết cần phải tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến “chủ nghĩa ngoại lệ” như đã được phần nào phản ánh ở trên. Những nguyên tắc đã được Hiến định thì không thể sửa triệt để ngay một lúc, nhưng nếu không tìm ra được những khâu đột phá để “phá rào” như trước thời kỳ đổi mới thì những nguy cơ lớn cho nền kinh tế có thể xảy ra vào khoảng năm 2015-2016 như nhiều chuyên gia đã dự báo.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014


Alan Phan
tiễn biệt

28 Sep 2014
…Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng…(Thơ Thâm Tâm)

Tôi ra Hà Nội trưa 25/9/2014, một chuyến đi không nhiều mục đích, ngoài việc gặp lại các bạn trẻ Việt để “say goodbye”. Không biết bao giờ gặp lại, nhưng hai điều tôi sẽ không quên: cái “tâm hồn Hà Nội” đang vào thu và cái quyến rũ của sự lạc quan bất tận dù phải bao quanh bởi một môi trường xấu xí.

Dù đã thông báo, vị tỷ phú giàu thư hai ở Việt Nam hay cô siêu mẫu tăm tiếng của thị trường “ngách” đều không xuất hiện. Có lẽ họ đã tự “hook up” ở một điểm bí ẩn nào rồi. . Nhưng đó là cái may; vì tôi có cơ hội ăn tối với 40 doanh nhân trẻ, tràn đầy nhiệt huyết cùng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Thay vì đem ngọn lửa đến cho họ, tôi mới là người nhận được “lửa” cho những ngày tháng đang mỏi mệt vì nhàm chán.

Những ngày kế tiếp, tôi lại hân hạnh gặp thêm cả trăm bạn trẻ khác trong 2 cuộc hội thảo; cũng như mạn đàm với những doanh nhân, những quản lý công ty đang xông pha chiến địa. Họ giúp tôi một góc nhìn về thực trạng của những vấn đề đang đối diện. Chúng tôi quên hẳn đi những phân tích lý thuyết về “tái cơ cấu” “cải cách thể chế”(tôi sẽ điên nếu nghe thêm những chữ này một lần nữa), về “quyết tâm chính trị”, về “thoát Trung”, về “DNNN”, về “lịch sử của gương đạo đức” hay về “hồi phục kinh tế”. Giàn khoan duy nhất mà các bạn trẻ này thảo luận là giàn khoan của cá nhân, không đem đặt cọc sớm thì sẽ bị rỉ sét rất lẹ.

Nói chung, sức sống và tinh thần kinh doanh vẫn bộc phát manh mẽ qua lời nói và hành động. Tuổi trẻ Việt Nam không bao giờ sờn chí, tiếp tục bước đi để xây dựng cho mình và thế hệ sau một “thịnh vượng tử tế”, mặc cho sự cám dỗ của nghề làm quan, của văn hóa phong bì, của lối làm ăn cửa hậu…Họ vẫn lên kế hoạch cho những doanh nghiệp lấy chất lượng sản phẩm và dịch vụ làm mục tiêu và đào tạo thêm kỹ năng cũng như trải nghiệm cho hành trình khó khăn hàng ngày.

Có nhiều lý do để tôi rời bỏ Việt Nam đi tìm một môi trường kinh doanh khác…nhưng lý do thường  níu kéo tôi lại nơi đây là “ngọn lửa” của tuổi trẻ Việt. Họ làm tôi gợi nhớ đến hính ảnh của tôi, 30, 40 năm về trước…Tôi gặp một chị quản lý cao cấp của một tập đoàn tư nhân Việt lớn, đã từng làm cho Wall Street hơn chục năm tại Mỹ, Nhật, Thái Lan, và thông thạo 4 ngoại ngữ. Vừa nghỉ việc, nhưng không muốn quay về Mỹ, mà bám trụ ở Việt Nam tìm cơ hội mới. Một tinh thần yêu nước âm thầm mà không phải ốn ào cờ pháo về “tự hào là người Việt Nam”.

Cũng như tôi ngày xưa, mọi người trẻ đều mang trong mình cái đói khát…đói tự do và khát thành công.

Tôi không có quà chia tay nào, ngoài những lời nói mà có lẽ mọi BCA đều biết rõ:
1.     Biết

Biết mình, biết người, biết tìm thầy, biết định vị, biết lực chuyển, biết sản phẩm, biết thị trường, biết công nghệ, biết hiền tài, biết tài chánh, biết văn hóa giao tiếp. Không biết thì tìm và học; và liên tục hỏi. Nghi ngờ mọi kiến thức bất cứ từ đâu và tìm cho ra một sự thật “tương đối’ qua cả trăm nghiên khảo và góc nhìn. Trong đời, tôi chưa gặp một doanh nhân nào có chút thành công mà ngu xuẩn. Kiến thức là nền tảng của mọi ngành nghề kinh doanh, dù là kinh doanh cơ bắp.
 Có biết, chúng ta mới có thể lập ra một kế hoạch bài bản, mới tìm được người đỡ đầu hay tài trợ, mới xây dựng được mạng lưới thân hữu (networking) và mới quản lý được mọi rủi ro.
2.     Tăng giá trị
Nguyên lý đơn giản trong việc kiếm tiền lương thiện: tạo nên giá trị gia tăng. Ngay cả cá nhân, muốn mức lương cao hơn, phải tăng giá trị kỹ năng và trải nghiệm của mình. Khi tăng giá trị doanh nghiệp qua bất cứ  yếu tố nào, chúng ta tăng thị giá của doanh nghiệp và của chính mình. Tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trong tiếp thị, tăng tính khả dụng của công nghệ, tăng hiệu năng của đội ngũ, tăng sức mạnh của công cụ tài chánh…là những phương thức tăng giá trị phổ thông cho việc kinh doanh hàng ngày. Đây là cách kiếm tiền chắc chắn và bền vững trong bất cứ tình huống nào.

Hành trình tăng giá trị cũng gay go cam khổ. Kiên nhẫn và liên tục hành động thay vì chém gió là lựa chọn duy nhất. Chấp nhận thay đôi, điều chỉnh quản lý, cởi mở sáng tạo…là những hành xử phải tạo thành thói quen.

3.     Tin vào mình

Giữa cái nhiễu nhương của buổi giao thời mạt hạ, đừng tin vào những lời PR rỗng tuếch, những số liệu tự sướng, những khẩu hiệu bích chương rẻ tiền. Bao quanh bởi văn hóa giả dối, trơ trẻn và lừa gạt, chúng ta phải bám chặt vào các trụ đỡ của nhân cách, đạo đức và tâm linh. Niềm tin và chính nghĩa duy nhất là tin vào chính mình, đừng bị lừa gạt bởi những giáo chủ bịp bợm, những lý thuyết rác rưởi, những che đậy phi khoa học.

Tin vào nhận xét, phán đoán của chính mình sau khi nghiên khảo cẩn thận và lục lọi đầy đủ. Học nghệ thuật đúc kết của những thám tử hay nhất để tìm ra những động lực ngầm ở phía hậu cần. Đừng để lòng tham hay xúc cảm làm mờ mắt và tạm quên sự thật. Ngoài kiến thức, chúng ta còn một trực giác bén nhậy. Hãy để mọi sự lắng im để phân biệt bạn thù, để hiểu quyền lợi của mọi phía, kể cả mình. Đừng ngây thơ và hoang tưởng về những cái bánh vẽ đang ngập tràn xã hội.

&&&&&&&

Khi các bạn nằm lòng 3 nguyên lý trên, các bạn đã sẵn sàng để bơi ra biển lớn, trực diện với nhóm cá mập đang dấu diếm và thụ hưởng kho báu của nhân loại. Bạn có đầy đủ quyền năng và căn bản luân lý để chiếm hữu và giao lại cho đám đông yếu kém ngoài kia “gia tài của mẹ”. Dù nhiều khi, bạn chỉ cần tuyên dương cho chính mình, “yes, I can”.

Như một triết gia nào đã hào hứng,” bạn không có gì để mất…ngoài cái thắt lưng quần của bạn”.

Alan Phan


Alan Phan
quan 2
14 Sep 2014
Cách đây vài tuần, vài phóng viên hỏi tôi về việc ông David Dương, CEO của một công ty thu nhặt rác trúng gói thầu 2.7 tỷ đô la của thành phố Oakland, California. Tôi không biết gì về ông David Dương và về ngành quản lý rác nên từ chối trả lời.
Theo chủ quan, bất cứ một công ty Việt kiều nào sống được trong môi trường cạnh tranh của Mỹ đều có sự kính nể của tôi. Doanh nghiệp CWS của ông David Dương thành công quá hay đẹp thì sự thán phục của tôi là đương nhiên và tuyệt đối.
Tuy nhiên, tuần rồi khi ghé Saigon, tôi được một người bạn học cũ mời xuống vùng đồng bằng Cửu Long dã ngoại và thư giãn trên sông nước Tiền Giang. Một đứa cháu của ông đang làm Bí Thư một quận nhỏ là “chủ xị” (host) và theo phong tục, chuyện “nhậu” suốt ngày là một truyền thống của cả dân tộc Việt, chứ không riêng gì vùng này. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là trong ngày thứ sáu, cả bộ quản lý hành chánh của quận đều say xỉn thế này thì ai lo phục vụ các “ông bà chủ của đất nước”. Ồ, chuyện nhỏ mà bác. Ngày nào không nhậu thì đời mất đi mất phần. Nghe tụi nhỏ hát nè…em ơi, có bao nhiêu năm….
Rồi họ nhắc đến ông David Dương và con số 2 tỷ 7 khế ước. Tôi giải thích. Hợp đồng là cho 20 năm đồng nghĩa với 135 triệu đô mỗi năm. Để phục vụ nhu cầu rác cho số dân 400 ngàn người của Oakland, công ty CWS phải đầu tư vào hơn 100 xe rác mới, 250 nhân viên…và nhiều cơ sở phụ thuộc khác, có thể lên đến cả trăm triệu đô. Ai đã từng làm dịch vụ chăm sóc khách hàng ở Mỹ đều hiểu cái khó tính và thích kiện thưa của dân Mỹ. Tóm lại, để thu về 135 triệu đô mỗi năm, ông Dương sẽ bạc tóc rất nhanh vì như luật Murphy,” if anything could go wrong, it will…”.
Rồi nói đến chuyện tiền bạc. Ngoài việc chạy quanh các ngân hàng để lấy tài trợ cho dự án, ông Dương còn phải trách nhiệm hàng ngày cho hệ thống điều hành, lương và phúc lợi cho hơn vài trăm nhân viên (rất nhiêu khê với lao động Mỹ) và ngàn thứ việc ly ty khác. Tất cả đều cần tiền ứng trước. Bù lại, nếu mọi chuyện trôi chảy êm thắm (cần hiệu năng tối đa cộng vài phép lạ) và không bị một sự cố hay tai nạn gì (Murphy’s law), cổ đông của CWS có thể kiếm khoảng 4 triệu đô lợi nhuận mỗi năm (tôi dùng con số tốt nhất từ các công ty cho ngành nghề này là 3% theo S&P).
Nếu ông Dương làm chủ 50% tổng cổ phiếu thì thu nhập hàng năm từ khế ước này là 2 triệu đô. Sau khi trừ thuế, ông có thể đem về nhà hơn 1.5 triệu đô. Đây là con số đáng trân trọng vì thu nhập trung bình của dân Mỹ chỉ hơn 50 ngàn đô. Đây là công lao xứng đáng vì ông Dương đã phải vất vả xây dựng doanh nghiệp mình suốt 20 năm qua trước nhiều thử thách và nghịch cảnh.
Trên đường về lại Saigon hôm đó, người bạn cười với những chi tiết này. Ông nói thằng cháu bí thư của ông cũng có thu nhập khoảng đó mỗi năm, mà không “tóc bạc” như ông Dương. Ngoài việc nhậu với thủ hạ và đối tác “làm ăn” mỗi ngày, cháu ông chỉ cần có mặt với đầy đủ “phong bì’ trong các tiệc cưới, đám ma, đám giỗ, tiệc sinh nhật, tiệc thượng thọ …của gia đình các “xếp”. Nỗi lo duy nhất của anh ta là gan thận xuống cấp, máu nhiễm mỡ, đái đường…vì ăn nhậu.
Ông bạn làm tôi thêm “guilty” vì những lời khuyên các bạn trẻ Việt về việc khởi nghiệp và tìm cho mình một con đường độc lập. Đứa con ông bạn đi trên xe bình luận,” chú rất có lý, nhưng nghĩ cho cùng, gia nhập đàng Cộng Sản để làm quan…vẫn là một lựa chọn khôn ngoan hơn. Chú cứ đợi, trong 20 năm, cháu sẽ kiếm tiền gấp trăm lần ông David Dương và bảo đảm là sẽ không có sợi tóc bạc nào”.
Alan Phan
Các bài viết về nghề làm quan của Alan Phan:
Bài 1: Giá trị kinh tế của quan chức…
Alan Phan
Quan_an_choi
29 Dec 2011
Ai đã học MBA chắc nhớ câu chuyện khôi hài này. Một ông vào tiệm nuôi thú hỏi mua một con vẹt biết nói làm quà cho vợ (chắc ông nghĩ có nó thì vợ mình sẽ im bớt chăng? đàn ông lúc nào cũng ngu?). Cô bán hàng nói giá 1 ngàn đô cho con này. “Ồ, sao đắt thế” “Nó biết hát nữa cơ” Cô ra dấu và con vẹt ca ngay bài “năm anh em trên 1 chiếc xe tăng”. Ông khách khoái lắm, nhưng hỏi thêm “Còn con này?” “Nó đến 2 ngàn đô, vì ngoài hát, nó còn biết đi diễu hành, nhẩy múa và thuộc lòng 20 bài diễn văn quan trọng của XHCN” Ông khách chỉ vào con thứ ba. Cô bán hàng,” Bác trả nổi không? 4 ngàn đô đấy.” “Nó biết làm gì?” “ Không biết làm gì cả. Nhưng 2 con kia gọi nó là – Đồng chí lãnh đạo -”.
Đóng góp của nghề làm quan
Sau bài viết về máu làm quan của thế hệ 9X, tôi nhận khá nhiều phản hồi. Một bạn đọc ấm ức là nghề làm quan cũng là một đóng góp cao quý cho xã hội và nhiều ông quan cũng rất tốt và liêm chính. Ông bạn này hiểu lầm tôi rồi. Chăc chắn không có nghề nào xấu và tôi đã từng gặp nhiều người quân tử hành nghề đạo chích (và ngược lại). Vì đây là góc nhìn về kinh tế, nên tôi xin được bỏ qua chuyện đạo đức và chánh trị, mà chỉ xin phân tích khía cạnh giá trị đóng góp thực sự của các quan chức trong quy trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia. Đây mới thực sự là tài sản và thu nhập chính yếu làm “dân giàu nước mạnh”; không phải là các số liệu thống kê mơ hồ như GDP, CPI hay “chỉ số hạnh phúc”.
Trước hết, ở các nước theo kinh tế thị trường, phần lớn công chức được coi như trọng tài. Nhiệm vụ của họ là đặt ra luật lệ của sân chơi và theo dõi giám sát không cho cầu thủ nào phạm luật. Vì vậy, trong 22 vận dộng viên của trận bóng đá, chúng ta có 3 trọng tài. Trong vận hành nền kinh tế quốc gia, công chức Mỹ không được phép làm gì liên quan đến việc kinh doanh, vì mọi lạm dụng quyền lực sẽ gây bất công trên thị trường. Tóm lại, sự đóng góp của lãnh vực công trong quy trình sản xuất hay cung cấp dịch vụ gần như không có. Tuy nhiên,  mọi tiêu xài của chánh phủ qua tiền thuế hay nợ công đều được tính vào GDP tạo cảm giác là chánh phủ cũng góp phần tạo dựng tài sản quốc gia. Đây là một huyền thoại.
Ở các nước có những “định hướng” lạ lùng khác, đôi khi trọng tài lại nhiều hơn cầu thủ, gây rối rắm cho cuộc chơi. Câu nói “vừa đá bóng vừa thổi còi” là một hiện tượng dễ thương ở các xứ này. Vì có quyền lực, nên luật lệ sân chơi cũng thiên về các “trọng tài-cầu thủ” này, còn gọi là các nhóm lợi ích. Họ độc chiếm các vị trí cốt lõi và dĩ nhiên, luôn luôn thắng giải đấu, dù có chơi dở hay ngay cả khi không thèm chơi.
Nghề làm quan đang ở chu kỳ thịnh vượng
Trên thế giới, nghề làm quan là một nghề có tốc độ tăng trưởng tốt. Ngay cả nuớc Mỹ, một nước mà người dân thường khinh rẻ chính trị gia và quan chức, nghề này cũng đã phát triển mạnh mẽ. Khi tôi qua Mỹ học vào 1963, các chánh phủ liên bang, tiểu bang, làng xã…tiêu xài khoảng 18% của GDP. Hiện nay, con số đã gia tốc đến 40 phần trăm, tổng cộng 5 ngàn 800 tỷ đô la mỗi năm. Số công chức ngày xưa tổng cộng khoảng 8 triệu người nay đã lên đến 22 triệu. Trong khi cả nước Mỹ suy thoái kinh tế vì giá bất động sản vỡ tung, nhà cửa các quận ngoại ô quanh thủ đô Washington DC lại tăng giá chóng mặt vì số lượng quan chức dưới triều đình Obama gia tăng ngùn ngụt. Hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Washington DC mà còn phổ thông ở khắp nơi trên mọi thủ đô của thế giới. Roma, Paris, Moscow, Beijing, Tokyo…
Trong khi đó, theo thống kê chính thức, Việt Nam có tổng cộng khoảng 2 triệu công chức, chưa kể quân đội và các lực lượng an ninh (thêm 1 triệu người). Nếu tính đổ đồng, chánh phủ tiêu xài khoảng 34% của GDP, một con số khá lớn so với các quốc gia láng giềng như Singapore (19%) và Thái Lan (18%).
Các con số trên không bao gồm số công chức trong hàng ngũ nhân viên của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo một thống kê không chi tiết lắm của các chuyên gia chánh phủ, DNNN sử dụng 52% vốn của quốc gia, nhưng chỉ đóng góp 24% GDP. Nói kiểu nhà quê là năng suất họ bằng khoảng 50% nhân viên làm ở lĩnh vực tư, hay 2 người làm việc của 1 người, hay 1 người ăn lương lậu gấp đôi một người cùng làm một công việc.
Sản xuất cần lãnh đạo?
Do đó, nếu gộp chung mọi con số với nhau thì ở Việt Nam có 21 triệu nhân công và doanh nhân phải làm việc để đóng thuế và lãnh nợ cho 3 triệu quan chức ngồi “lãnh đạo”. Dĩ nhiên là chúng ta cần lãnh đạo để đất nước được thăng hoa và ổn định; nhưng theo kinh nghiệm của mấy ngàn năm lịch sử, càng nhiều lãnh đạo thì người dân càng nghèo. Một đứa trẻ lên 3 cũng hiểu rằng cả gia đình chỉ “sản xuất” được 5 bát cơm, mà tới 10 miệng ăn thì có đứa phải đói. Gặp cha mẹ tham lam, ăn luôn phần con cháu thì các em chỉ từ bị thương đến chết yểu.
Đức Phật nói “tham, sân, si” là cội rễ của mọi đau khổ của thế nhân. Tôi nghĩ căn tính “làm quan” là một tổng hợp của các cội rễ này, do đó, là một bệnh tâm thần khá nặng của con ngườiSự say mê danh vọng, hào quang, thành tích, sĩ diện, làm cha mẹ dân, để tiếng cho lịch sử, làm thánh sống (hay chết), ăn trên ngồi trước…đã gây nên bao đại họa cho bao triệu sinh linh trong quá khứ qua những bài học mà lịch sử không thể che dấu.
Thậm chí, cả trăm ngàn người dân của thành Troy và của quân Hy Lạp đã hy sinh về nước Chúa sớm vì chàng hoàng tử Trojan mê say bà vợ của vị vua láng giềng. Sau khi cả hai đã chạy theo tiếng sét ái tình, vị vua “vĩ đại” mất sĩ diện nên đem hơn 120 ngàn quân trên 1,100 chiến thuyền để tiêu diệt Troy.
Cho nên khi tôi nghe ngài Tập Cận Bình qua đây để lập Viện Khổng Tử đề xướng lại chủ nghĩa “quân, sư, phụ” (ủa, chuyện XHCN của Trung Quốc đi đến đâu rồi?) tôi nghe khiếp vía cho dân Tàu và các nô lệ. Dĩ nhiên, đạo Khổng phức tạp nhiều, nhưng ông Tập và các lãnh tụ chỉ muốn thần dân nhớ một điều: vua bảo dân chết thì dân phải chết để báo trung. Các phim TV của Tàu chiếu đi chiếu lại đề tài này. Một đệ tử của Tàu, cố lãnh tụ Kim Jong Il đã từng dọa đánh Hàn Quốc vì bọn này dám cứu sống một bà diễn viên mà ngài Kim mê say và sai thuộc hạ bắt cóc đem về Bắc Triều Tiên. Không biết cậu bé 28 tuổi con của ngài Kim hiện mê say món gì?
Một con ong nuôi 20 con ruồi
Nói chung, giá trị kinh tế của quan chức thì không nhiều; nhưng ảnh hưởng của nó trên phương diện xã hội thì vô cùng to lớn.
Trong 3 thập niên vừa qua, không hiểu sao dân số ong tại Bắc Mỹ bị giảm hơn phân nửa, gây thiệt hại nặng cho kỹ nghệ mật ong và môi trường sinh thái của hoa trái. Dr. John Hafernik tình cờ tìm ra nguyên nhân là một loại ruồi ký sinh trùng xâm nhập và đẻ trứng vào cổ các con ong. Một con ruồi li ti có thể sinh ra khoảng vài chục con và dùng thân thể ong làm thực phẩm để sinh sống, ngay cả khi con ong đã chết. Ruồi cũng chết theo nhưng chỉ sau khi phân hủy hoàn toàn thân xác ong.
Tôi nghĩ đến các xã hội với những thành phần ký sinh trùng đang bám chặt như bầy đĩa đói. Có hơi chua xót là những người tạo dựng tài sản thực sự cho quốc gia lại chết trước những kẻ ăn không ngồi rồi.
Alan Phan

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Theo VOA – 2 Oct 2014
boat people
Trương Nguyện Thành : Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN
Một nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hằng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn.
Câu chuyện của Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy tại trường đại học Utah, Hoa Kỳ, là niềm hãnh diện của người Việt trên trường quốc tế và là tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ Việt Nam noi theo.
Năm 11 tuổi, cậu bé Thành đã bắt đầu bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha mình bị liệt bán thân. Ngày ngày, sau giờ tan trường từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm, cậu bé rong ruổi với thùng thuốc lá trên vai đi bán dạo quanh bến xe lam chợ Gò Vấp. Năm 1976, khi Việt Nam mở chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu xoay sở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Ở tuổi 15, Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Việc học của cậu bé bị cản trở và chi phối rất nhiều bởi công cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày, nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã vun đúc trong lòng cậu bé từ rất sớm.
truong thanh
Tiến sĩ Thành chia sẻ:
“Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”
Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt, xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, người thầy đã soạn đưa cho cậu bé một số sách để tham khảo.
Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:
“Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”
19 tuổi, sau khi thi đậu vào đại học Bách Khoa, chàng thanh niên Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ.
Sau 1 năm ở trung học với những khó khăn bước đầu về ngôn ngữ, anh từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ năm thứ nhất đại học. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng trường hợp của Thành, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để bắt đầu công việc nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học, một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học. Số tiền kiếm được đủ trang trải các khoản chi phí hết sức tiết kiệm hằng ngày. Còn học phí của anh chủ yếu nhờ các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của chính phủ.
Sau 4 năm đại học, anh ra trường với bằng cử nhân hóa học cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin, và thống kê.
Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh dành được học bổng của Qũy Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng vì lúc tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường xuất bản chừng 4-5 bài nghiên cứu. Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ, với giải thưởng 500 ngàn đô la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, tức bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.
Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ?
Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho biết:
“Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng tại sao ngay tại Việt Nam không có những ngôi sao như vậy?
Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu vượt biên cũng giống trường hợp như tôi, đi một mình, được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Cậu ta cũng ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau. Tôi cố gắng hơn, tôi vào đại học. Còn cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây, kiếm tiền liền. Một năm sau, tôi về lại làng thăm ba mẹ nuôi và ghé thăm thằng bạn. Công việc nó làm chỉ đứng móc ruột gà Tây thôi, chờ con gà chạy qua, đưa tay vào móc ruột gà ra. Nó khoe với tôi nó có được chiếc xe hơi. Còn tôi lúc đó vẫn chưa có gì. Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh bạn vẫn còn móc ruột gà Tây. Anh đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports. Còn tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn.
Sau 5, 6 năm sau, tôi trở về, cậu bạn vẫn còn làm chỗ cũ nhưng cho biết phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh. Lúc đó, tôi sắp ra tiến sĩ. Đó là cái điều kiện thứ 3 mà tôi muốn nói: người có tiềm năng, có môi trường, mà không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó. Thật sự, tôi không có xe hơi, không có bạn gái, không có tình phí, ở nội trú, ăn mì gói. Cho nên, chi phí tôi rất ít. Tôi làm việc trong phòng nghiên cứu chỉ đủ sống. Tôi ra đại học trong túi chỉ có 200 đô la, nợ nhà nước khoảng 15 ngàn đô la (mỗi năm khoảng 3-4 ngàn tiền học phí cộng với tiền phụ thêm để sống), cùng một thùng sách và một giỏ quần áo cũ.”
Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Vừa tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu tại Việt Nam, Viện trưởng Trương Nguyện Thành nói về công việc của mình:
“Điều khiển một viện nghiên cứu từ xa rất khó. Cho nên, có một viện trưởng tại Việt Nam chuyên lo các vấn đề hằng ngày như làm việc với chính phủ, hợp đồng, hay mướn người. Còn tôi phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển.”
Ngoài ra, cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân Giáo sư Thành đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam
Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự:
“Thời còn đi cày mướn, lời nguyền của tôi là nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”
Giáo sư Thành nói ai cũng mơ ước thành công, nhưng chỉ có những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến:
“Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”
Con đường thành công của Giáo sư -Tiến sĩ Trương Nguyện Thành trải qua bao nhiêu năm gian nan, thử thách. Cậu bé bần cùng, lam lũ ở Việt Nam qua đến Mỹ cũng đã nếm trải bao nhiêu những thiếu thốn, khó nhọc để có được vị trí đáng nể như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường đã chọn.
Võ Tá Đức: Một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam
nguyen tu gia
Tiến sĩ Võ Tá Đức lúc ở trại tị nạn Bataan (Philippines) trước khi sang Mỹ định cư
Tiến sĩ Đức hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại võ khí nguyên tử và là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới.
Cậu bé đạp xích lô ở Việt Nam ngày nào giờ đây đã góp công nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Hoa Kỳ.
Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Ba cậu làm thợ nề, nhưng do bệnh tật nên bị mất sức lao động. Mẹ Đức tảo tần buôn bán lặt vặt chạy bữa qua ngày. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi góc phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.
Tiến sĩ Đức nhớ lại:
‘Sau biến cố năm 1975, lúc đó tôi còn rất nhỏ đang học trung học, nhưng vì nhà nghèo quá, nên cũng phải phụ giúp gia đình. Sáng đi học, trưa về ăn cơm xong liền xách xích lô chạy. Đạp xích lô tới chiều tối. Ăn cơm tối xong lại lên xe đi tiếp. Tôi chỉ học buổi sáng, đạp xích lô từ trưa tới sáng hôm sau luôn. Tối đến tôi đậu xích lô ở bến xe ngủ. Hễ nghe tiếng xe đò tới thì tôi tỉnh dậy, chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo đi học. Lúc đó tôi đâu có thời giờ học đâu, thỉnh thoảng khi rãnh, tôi ngồi trên xe xích lô lấy bài vở ra làm chút chút vậy thôi. Thời đó, tôi học rất dở vì không có giờ học.’
5 năm trời dầm mưa dãi nắng còng lưng trên chiếc xích lô đạp, việc học hành của Đức hoàn toàn sa sút, nên cậu đã không thi đại học. Tới năm 1981, ba Đức cố xoay sở tìm cách cho cậu theo một người bà con trong Nam đi vượt biên, và cũng từ đó, cuộc đời cậu bé đạp xích lô bước sang một ngã rẽ mới. Thời gian trong trại tị nạn chờ được một nước thứ ba cho đi định cư chính là giai đoạn bước ngoặt đối với Đức, khi chàng thanh niên lam lũ, cơ hàn quyết chí phải đổi đời, phải phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.
Tiến sĩ Đức cho biết:
“Vượt biên qua tới trại tị nạn, tôi cảm thấy như vậy là từ đây mình có cơ hội đi học, phát triển. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết định phải cố gắng học hành cho thành tài. Còn hồi trước ở Việt Nam, tôi không dám có ước mơ đó vì đi đạp xích lô cả ngày, học hành sao được mà có ước mơ học cho thành công?
Sau thời gian ở trại tị nạn, anh tới Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ Việt Nam bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.
Thông thường sinh viên ở Mỹ khi vào đại học phải trả học phí. Ngoài một số ít sinh viên xuất sắc nhận được học bổng, đa số phải vay từ các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ dành cho sinh viên. Thế nhưng, cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù. Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học trò nghèo học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa vật lý trường đại học Bắc Iowa.
Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Còn các khoản sinh hoạt phí khác anh trang trải từ thu nhập làm trợ giảng cho các vị giáo sư.