Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

TTCT - Hai gia đình ở sát nhau nhưng hoàn cảnh khác nhau. Gia đình ông A dành dụm được chừng 2 tỉ đồng, dự trù sang năm cho con đi du học ở nước ngoài.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ảnh hưởng của tỉ giá lên sự bất bình đẳng trong xã hội - Ảnh: L.N.Minh
Gia đình ông B nghèo hơn chỉ tiết kiệm được 20 triệu đồng, cũng dự trù sang năm dùng để cho con đi học đại học tư trong nước. Cả hai gửi tiền vào ngân hàng vì năm đó lãi suất đang rất cao, chừng 20%/năm. Năm sau, tiền ông A lên thành 2,4 tỉ đồng, tiền ông B lên thành 24 triệu đồng.
Cả năm đó tỉ giá hầu như không thay đổi nên ông A đổi được thành 100.000 đôla cho con đi du học mà vẫn dư ra một khoản lớn. Trường con ông B vì học phí tính bằng tiền đồng nên đã điều chỉnh theo lạm phát, học phí thay vì 20 triệu đồng nay đã tăng lên thành 30 triệu đồng, ông B méo mặt vì hụt một khoản không nhỏ.
Câu chuyện trên chỉ là giả định với những con số cố ý làm tròn cho dễ hình dung. Trong bối cảnh con số thống kê ở Việt Nam bị chê là thiếu tin cậy, tốt nhất là dùng cách “tính rợ” của dân gian. Tính nhẩm kiểu như trên cũng cho ta thấy: khi lạm phát cao mà tỉ giá không điều chỉnh theo tương ứng thì tỉ giá đó có lợi cho những ai có liên quan đến ngoại tệ và có hại cho những ai chỉ biết dùng tiền đồng.
Gia đình ông C chuyên ăn thịt bò ngoại nhập dù đắt hơn thịt bò trong nước. Năm trước ông bỏ ra 350.000 đồng mua một ký thịt bò Úc, trong khi gia đình ông D chỉ phải bỏ ra 300.000 đồng mua thịt bò dưới quê.
Qua một năm, đồng bạc mất giá, giá thịt bò trong nước lên thành 350.000 đồng, trong khi đó vì tỉ giá hầu như không thay đổi, dân nhập thịt bò Úc vẫn giữ nguyên giá bán 350.000 đồng. Nay coi như ông C lợi hơn ông D vì trả cùng giá như nhau mà được ăn thịt bò ngoại. Ông D cũng không dại, bèn chuyển sang mua thịt bò Úc luôn, thế là thị trường thịt bò trong nước ngày càng tiêu điều vì không cạnh tranh nổi.
Ví dụ thứ nhì cho thấy vì sao nhiều chuyên gia kinh tế nói chính sách tỉ giá đang làm sản xuất trong nước ngày càng kiệt quệ, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập. Cứ thử làm những phép tính tương tự sẽ thấy không một mặt hàng nào, từ đường, sữa đến cả cây tăm cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu cùng loại nếu năm nào lạm phát cũng cao mà tỉ giá vẫn được giữ hầu như cố định.
Nhìn cách khác, có thể nói lạm phát làm chi phí sản xuất ở Việt Nam tăng lên quá nhanh, làm lần lượt nhiều mặt hàng mất tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Bây giờ chúng ta nhìn vào bức tranh ngược lại để xem tình hình này tác động như thế nào với những người hoạt động xuất khẩu. Giả dụ năm này ông nông dân E bán gạo cho công ty xuất khẩu với giá 21.000 đồng/ký, tức chừng 1 USD/ký (lấy con số giả định cho dễ hình dung). Một năm sau đó, ông vẫn phải bán với cùng giá này vì giá thế giới không đổi, tỉ giá không đổi.
Trong năm đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng khoảng 25%, tức giá cả tăng thêm chừng một phần tư trong khi thu nhập ông E không đổi, biểu sao gia đình ông ngày không một nghèo thêm, bởi chỉ số giá tăng chừng đó mà chi phí cho y tế và giáo dục thường tăng vọt cao hơn nhiều lần.
Công nhân và nhân viên làm cho Nhà nước cũng nghèo như nông dân nhưng dù sao hằng năm lương còn được điều chỉnh theo sự trượt giá của đồng tiền. Còn nông dân, trừ phi bán sản phẩm cho thị trường nội địa, nếu cứ bám theo thị trường xuất khẩu sẽ chịu thiệt thòi, nhất là khi giá nông sản thế giới lại giảm.
Nói như thế không có nghĩa cổ xúy cho việc phá giá đồng tiền, dân ta mỗi khi nghe hai chữ phá giá lại càng lo ngại, lại tác động mạnh lên lạm phát, hóa ra lợi bất cập hại. Điều dễ làm nhất, mà cũng là chủ trương được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa sao cho linh hoạt, từng ngày, từng tuần chứ không phải tự nhiên làm một lần cho gây sốc.
Tỉ giá thật đang cho thấy tiền đồng đã và đang tăng giá so với đôla Mỹ, cần điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa để tỉ giá trở về đúng giá thật của nó. Vấn đề là nói linh hoạt nhưng dường như ai cũng quên, có lẽ vì để nguyên tỉ giá như thế có lợi cho người có tiền, người sử dụng nhiều hàng nhập, nhất là người nợ nước ngoài nhiều.
Thêm nữa, tỉ giá giữ nguyên trong khi lạm phát cao tạo ra một ảo tưởng là thu nhập đầu người tính bằng đôla Mỹ đang tăng nhanh, làm mọi người an tâm rằng tình hình phát triển kinh tế đang tốt đẹp.
Tình hình cứ như thế này, ông H sẽ mua được xe hơi nhập từ Nhật. Giá nay còn cao nhưng thu nhập ông H đang tăng dần theo sự mất giá của tiền đồng. Cứ đợi thêm một thời gian, lấy mớ tiền đồng mà thực chất giá trị sử dụng chưa bằng một phần so với những năm trước, đổi sang đôla (được bảo đảm tỉ giá “ổn định”), ông H sẽ có đủ tiền đô mua xe như ông A cho con đi du học mà có lẽ vẫn còn dư kha khá.
NGUYỄN VẠN PHÚ
Đánh thuế người nghèo, chia cho người giàu
Khi tỉ giá danh nghĩa của một đồng tiền so với một ngoại tệ không được điều chỉnh kịp với mức chênh lệch giữa lạm phát của nước đó và nước có ngoại tệ đang so sánh, lúc đó đồng tiền này được xem là đã lên giá thực so với ngoại tệ kia.
Ví dụ 1 đôla Mỹ ăn 21.000 đồng vào đầu năm, cuối năm vẫn giữ nguyên như thế, tưởng đâu tỉ giá được giữ ổn định (đấy là tỉ giá danh nghĩa), nhưng nếu năm đó lạm phát ở Việt Nam là 7% trong khi lạm phát ở Mỹ hầu như không đáng kể thì tỉ giá thực giữa tiền đồng và đôla Mỹ đã tăng chừng 7% (một cách ví von đã được đơn giản hóa).
Tờ Economist dùng giá của một ổ bánh mì kẹp thịt (Big Mac) tại nhiều nước khác nhau để diễn đạt một dạng tỉ giá thực của những nước này. Trong ví dụ trên, chiếc Big Mac ở Mỹ giả dụ vẫn giữ nguyên 5 đôla, trong khi ở Việt Nam, đầu năm là 40.000 đồng, cuối năm lên 50.000 đồng thì rõ ràng tỉ giá thực của tiền đồng so với đôla Mỹ đã tăng mạnh.
Một chuyên gia tài chính cho rằng việc để tỉ giá thực tăng lên chẳng khác gì đánh thuế người nghèo rồi chia cho người giàu. Theo chuyên gia này, đã có những nghiên cứu kinh tế về vấn đề ảnh hưởng của tỉ giá lên sự bất bình đẳng.
“Người nghèo thường không mua hàng ngoại nhập và có tỉ lệ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu (lương thực, y tế) cao hơn người giàu, nên khi tỉ giá thực tăng lên do lạm phát cao mà tỉ giá danh nghĩa không hay ít thay đổi thì họ bị ảnh hưởng nặng hơn nhiều người giàu” - chuyên gia này nói.
Sử dụng dữ liệu từ nhiều quốc gia, một số công trình nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ rất rõ giữa tỉ giá thực và bất bình đẳng - tỉ giá thực càng tăng mạnh thì thu nhập thực tế của người nghèo càng bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập của giới giàu có không bị ảnh hưởng mạnh như thế.
NGUYỄN VŨ
link : http://tuoitre.vn/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/585021/ti-gia-va-nguoi-ngheo.html

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Từ đầu tháng 11 đến nay, cơn lốc chào bán nhà đất dự án với giá rẻ dồn dập tiến công vào các con hẻm và đến từng hộ gia đình ở Tp.HCM. Tuy nhiên, càng vào dịp giáp Tết, người mua nhà đất càng gặp nhiều rủi ro hơn, rủi ro lớn nhất là mất sạch tiền.
Những ngày đầu tháng 12, mới ngủ dậy, rất nhiều gia đình ở Tp.HCM đã thấy tờ in 4 màu, có nhiều ảnh rất đẹp cài trước cửa, khác hẳn với những tờ rơi in xấu xí mời mua trả góp hàng điện máy, đồ dùng gia đình, chào mời cho vay tiêu dùng tin chấp, dạy học thêm...

Chào bán gây sốc về giá cả

Mở ra mới biết là tờ rơi giới thiệu và chào bán căn hộ, nền đất dự án nhà đất với giá rẻ cực sốc chưa từng có từ trước đến nay. Hiện nay, có thể nói nhà đất đang là loại hàng ế ẩm nhất trong tất cả các loại hàng có thời gian sử dụng lâu dài, giá cũng giảm thê thảm nhất, tới 50-60% trong 2 năm qua và chưa có chuyên gia nào dám khẳng định là giá đã xuống gần tới đáy vực.

Quá ế ẩm nên các chủ dự án đã thuê cả một đội quân hùng hậu chuyên môi giới chào bán hàng. Ngoài những kênh quảng cáo, bán hàng thông thường qua báo đài, qua sàn giao dịch, mở tiệc giới thiệu và mở bán dự án, đưa đón khách hàng đến thăm dự án... họ đã sử dụng thêm 3 phương tiện mới là phát tờ rơi đến tận hộ gia đình, nhắn tin hàng ngày đến hàng vạn điện thoại di động và treo băng rôn tràn ngập trên các cột điện ngoài đường và ở các chợ truyền thống. 

Cuối tháng 11/2013, nhiều dự án chào bán gây sốc mạnh về giá, căn hộ và nền đất có giá rẻ hơn nhiều một cái ôtô hạng trung bình. Dự án cao ốc 12 tầng, ngay ngã tư Bình Triệu, ven sông Sài Gòn, mặt tiền đường vành đai Tân Sơn Nhất-Bình Lợi, cách quận 1, Tp.HCM chỉ có 10 km, giao ngay sổ hồng cho khách hàng, nhận nhà ngay sau khi trả tiền, giá 659 triệu đồng/căn diện tích 40m2. 

Dự án tại khu vực sầm uất gần kề Phú Mỹ Hưng được giao bán với giá rất hấp dẫn, chỉ bằng một nửa cách đây 2 năm là Khu đô thị cảng Quốc tế, hạ tầng hoàn chỉnh 100%, sổ đỏ, đã có giấy phép xây dựng, thanh toán trong vòng 13 tháng, ngân hàng cho vay 70% thời hạn vay 15 năm, giá nền đất 68m2 chỉ có 4,5 triệu đồng/m2. 

Khu vực xa hơn trung tâm Tp.HCM có giá còn rẻ hơn rất nhiều. Dự án đất nền mặt tiền Quốc lộ 13 (cách 30m), gần sát Đại học Quốc tế tại Thủ Dầu Một Bình Dương, cách quận 1, Tp.HCM 30 km, sổ đỏ, đường nội bộ dự án rộng 25m và 36m, giá chỉ có 179 triệu đồng/nền.

Rủi ro không biết đâu mà lường

Đối với những giao dịch mua bán nhà chung cư, căn hộ dự án không nhận nhà ngay mà trả tiền theo tiến độ hoàn thành của dự án, thường gọi là góp vốn vào dự án hay giao dịch “mua bán nhà trên giấy”, tức là mua bán tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, chưa có nhà, căn hộ ở thời điểm xác lập hợp đồng. Do vậy, hình thức mua bán này có nhiều rủi nhất ro so với các phương thức khác do khách hàng luôn là người bị động và thời gian “chịu đựng” rủi ro kéo dài tới vài năm.

Rủi ro lớn nhất là khách hàng có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã nộp cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư lợi dụng hình thức huy động vốn, góp vốn vào dự án không có thật (lừa đảo) để chiếm đoạt tiền của khách hàng hoặc dự án chưa đủ điều kiện pháp lý cho phép được huy động vốn từ khách hàng. 

Rủi ro thứ hai, dự án là có thật nhưng chủ đầu tư không sử dụng nguồn tiền góp vốn của khách hàng vào triển khai dự án mà sử dụng vào mục đích khác, bị thất thoát mất khả năng thu hồi thì khách hàng cũng mất cơ hội được hoàn lại khoản tiền đã góp vào dự án. 

Trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn tiền huy động vốn của khách hàng không hiệu quả, hoặc đầu tư nhỏ giọt vào xây dựng dự án, khách hàng không được nhận bàn giao nhà đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn, tiền vốn đầu tư bị “nằm chết” tại chỗ, có thể kéo dài tới vài năm mà không có đồng lãi nào. 

Rủi ro thứ ba là khách hàng có thể không bao giờ nhận được bàn giao nhà khi chủ đầu tư dự án có thật vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, về quản lý dự án dẫn đến hậu quả bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thu hồi dự án. 

Khi bị thu hồi và giao dự án cho chủ đầu tư mới, nếu chủ đầu tư cũ không còn nguồn tiền thì khách hàng muốn được nhận nhà lại phải đóng góp tài chính cho chủ đầu tư mới và rủi ro là mất toàn bộ khoản tiền đã góp vốn ban đầu cho chủ đầu tư cũ.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa…  

I-Cả xã hội vừa bàng hoàng chứng kiến câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại: Con voi chui lọt lỗ kim.
Không bàng hoàng sao được, khi biết con voi đó là 600 bánh heroin có khối lượng 229 kg ma túy được giấu trong 12 bộ loa thùng, có giá thị trường khoảng 300 triệu USD, nghiễm nhiên và ngang nhiên chui qua các cửa kiểm soát của Hàng không Việt Nam. Chỉ khi bay tới Đài Loan, mới bị các nhà chức trách Đài Loan bắt tại trận khi hạ cánh xuống sân bay Đào Viên.

{keywords}
Dù có máy soi hiện đại vẫn để lọt ma túy. Ảnh: Anh Sinh
Một vụ buôn lậu ma túy khủng táo tợn cả về quy mô, số lượng, trị giá, táo tợn cả cách tính toán, vận chuyển theo tư duy lọc lõi, già đời - nơi nhạy cảm nhất là nơi an toàn nhất.
Một nỗi hổ thẹn của ngành hàng không VN trước con mắt người dân Việt và cả thế giới, có tầm cỡ… quốc tế. Bởi xưa nay, việc công dân giấu 1-2 gam heroin qua cửa khẩu hàng không VN là rất khó. Đã có những vụ án, thậm chí tử hình cả công dân nước ngoài vì phạm tội trong lĩnh vực này. Bởi xưa nay, người Việt đi theo đường hàng không VN bị kiểm soát chặt chẽ, đến mức ai cũng có cảm giác mình là tội phạm. Trong khi con voi tội phạm nằm chềnh ềnh lại được ưu ái tới mức khó tưởng tượng.
Nhưng khi vụ việc vỡ lở mới thấy ngành hàng không VN bị “knock out” đích đáng. Mới thấy bọn tội phạm quá tinh tường, ranh ma, nắm chắc tất cả những kẽ hở lớn mang tính “hệ thống”, từ chính sách đối với doanh nghiệp, thái độ thi hành công vụ của con người, đến kỹ thuật kiểm tra an ninh, và theo dõi, tận dụng để lên một kịch bản hoàn hảo, và ma giáo, hệt bộ phim hình sự nổi tiếng của các xứ sở Mỹ, Italia…
Có điều lúc này, cái sự đổ tại, lẩn tránh trách nhiệm, “đá” trách nhiệm, cụ thể ở đây là Cục Hải quan t/p HCM là… miễn chê. Và những câu trả lời của ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng cũng “miễn chê” nốt.
Lần lượt, các lỗi khách quan được phơi bầy: Con voi ma túy được phân trên luồng xanh- do hệ thống máy tính phân luồng miễn kiểm tra thực tế. Như vậy, tại “thằng máy tính” đầu tiên!
Vì sao máy tính phân vào luồng xanh? Tại doanh nghiệp tự kê khai trên giấy tờ. Doanh nghiệp ở đây- là thủ phạm- Công ty TNHH giao nhận vận tải Long Vân (t/p HCM), cũng thật khéo chính vào lúc này, toàn bộ lãnh đạo công ty đã….đi nước ngoài (?)
Hết tại “thằng máy tính” đến tại doanh nghiệp tự kê khai. Xưa nay, dân gian nói buôn gian bán lận, mấy ai nóibuôn ngay bán thật?
Nhưng ngay cả khi con voi ma túy đi vào luồng xanh, 12 cái loa mà nặng tới 500 kg, vẫn không một nhân viên hải quan nào thấy lạ, thì rất… lạ. Trong khi theo ông Bùi Thái Quang, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), rõ ràng có dấu hiệu bất thường, nghiệp vụ tốt, tinh tế là nhận ra ngay.

{keywords}
Số ma túy bị nhà chức trách Đài Loan bắt giữ (ảnh TQ thời báo)
Sự tinh khôn, tiếc thay không ở nghiệp vụ hải quan, mà ở câu trả lời của ông Trần Mã Thông khi ông này vẫn khẳng định chắc nịch, có điều không đúng chỗ và nói như cha ông khôn quá hóa dại”: Hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất đã làm đúng quy trình, hết trách nhiệm.
Như vậy, chỉ có nhà chức trách Đài Loan, làm …sai quy trình. Và giờ phải có trách nhiệm?
Việc đúng quy trình của hải quan ở sân bay TSN, lại có sự hỗ trợ tích cực của… chiếc máy soi hiện đại, trị giá 1,2 tỷ USD (25 tỷ đồng VN) thuộc an ninh sân bay, khi bất ngờ nó bị “đột quỵ”- theo cách nói của Lao động online (ngày 03/12). Ngẫu nhiên hay được xếp đặt? Đây là câu hỏi dành cho cơ quan điều tra, và cho chính an ninh sân bay?
Việc “đột quỵ” bất thường của chiếc máy soi 25 tỷ làm vỡ ra bao nhiêu bệnh tật khác.
Chiếc máy soi được Cty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất nhập khẩu về từ năm 2011. Đi kèm với chiếc máy soi giá “khủng”- 1,2 triệu USD, là việc phải thuê các chuyên gia nước ngoài sang bảo trì, sửa chữa, tốn tiền cho cán bộ ra nước ngoài để đào tạo nhằm về vận hành hệ thống quản lý phần mềm. Vậy nhưng nó đã ngã bệnh đúng lúc phải thi hành bổn phận.
Chiếc máy soi khủng bị bệnh hay con người "mắc bệnh", vẫn là câu hỏi bí ẩn cần được cơ quan chức năng giải mã. Và quan trọng không kém, cần giải mã cả vụ vì sao con voi ma túy nhập khẩu bằng con đường “chặt chẽ” nào mà lọt lỗ kim cả hai đầu. Đầu ra đã rõ, còn đầu vào? Vì sao?
Rồi đây, con voi ma túy sẽ được phẫu thuật để tìm ra bệnh tật của… con người. Nhưng những lời khẳng định về hết trách nhiệm của ông Trần Mã Thông lại được chính những quan chức trong ngành cho rằng chưa hết trách nhiệm.
Bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam: Ngành hải quan nói ưu tiên cho xuất khẩu, dùng hệ thống máy tính để phân loại theo luồng xanh, đỏ, vàng rồi không kiểm tra hàng hóa, đẩy toàn bộ trách nhiệm cho lực lượng an ninh sân bay là cần phải xem xét lại.
Ông Bùi Thái Quang, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan): Rõ ràng việc thu thập thông tin về doanh nghiệp, hải quan làm chưa tốt. Hải quan đã đánh giá chưa sâu nên bỏ sót, bỏ lọt…. Hải quan không đủ năng lực phát hiện sai phạm khi hệ thống của hải quan vẫn phân ma túy vào luồng xanh. Rõ ràng hải quan cũng có trách nhiệm ở đây.
Rõ ràng là ông Trần Mã Thông đã không “quán triệt” được lời dạy của người xưa về cái sự phát ngôn- nênuốn lưỡi bẩy lần trước khi nói.
IICon voi ma túy đáng sợ vì sức tàn phá kinh khủng của nó. Nhưng có một con vật bé tý cũng đáng sợ không kém. Đó là con chuột tham nhũng. Trái với hình hài bé tẹo, chuột tham nhũng thông thường phải có quyền lực- quyền lực nghề nghiệp và quyền lực chức vụ. Quyền lực càng to, tham nhũng càng có cơ hội lớn. Đó như là quy luật.
Ngay vụ con voi ma túy mới đây, trả lời phỏng vấn của báo giới, Trung tướng Nguyễn Quốc thước, nguyên Tư lệnh QK IV, ĐBQH khóa VIII, IX, X nói thẳng: Chẳng có lý do gì, các cơ quan chức năng Đài Loan có thể phát hiện ra số lượng ma túy khổng lồ như vậy mà hải quan Việt Nam lại dễ dàng “bó tay”. Có lẽ, trong vụ việc này không phải do nghiệp vụ của các nhân viên hải quan yếu kém mà có nghi vấn họ “móc ngoặc” với tội phạm để “làm ăn”.
Nghề nghiệp trong thời kim tiền này, bỗng trở thành “lửa thử phẩm chất” nhưng lại chẳng mấy khi gặp được… vàng? Điều này càng rõ, khi mới đây, nghiên cứu của Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2013 (VBF) công bố cho thấy 04 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là: Hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai, trong đó đứng nhất vẫn là hải quan. Số người được VBF khảo sát lựa chọn theo tỷ lệ là- hải quan 55,2%, thuế 46,2% và quản lý đất đai là 39,8%.
Ở tầm vĩ mô, người đứng đầu nước Việt, khi tiếp xúc tiếp xúc với các cử tri Q. 01, và 03 cho biết, TƯ đã tổ chức 08 đoàn đi kiểm tra và phát hiện trên 60 vụ tham nhũng tiếp tục điều tra xử lý và 08 vụ đang xử. Như vậy, có hơn 60 ổ tham nhũng đã được phát hiện và lâu dài sẽ được xử lý. Dù vậy, xét cho cùng, đó cũng vẫn chỉ là những ổ chuột bị lộ trong số những ổ chưa bị lộ mà thôi. Những ổ chuột góp phần tích cực đẩy nước Việt trong xếp hạng tham nhũng lên… khá cao.
Điều này có liên quan gì đến những đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank)- kinh tế VN vẫn đang trì trệ, tăng trưởng ở mức thấp không? Đặc biệt là những trở ngại ngắn hạn, do khu vực tư nhân giảm mạnh mức đầu tư, từ 15% GDP (giai đoạn 2007-2010) xuống khoảng 11,5% GDP năm 2013. Ở tầm dài hạn, do sự phân loại sở hữu nhà nước chưa rõ ràng, mục tiêu các DNNN chưa thực tế, nhất là cải cách khu vực ngân hàng mong manh, nợ xấu còn cao… Chỉ tiếc, vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu và chỉ ra được, tham nhũng đã “ăn mòn” nền kinh tế như thế nào?
Mặt khác, sự phát triển và hội nhập đòi hỏi kinh tế VN không thể nương tựa mãi vào… xâu cá ODA của quốc tế, mà phải quen dần tâm lý nhận cần câu. Đó chính là quan điểm rõ ràng của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tại cuộc họp báo về Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) khi ông cho rằng Việt Nam phải chuyển từ viện trợ không hoàn lại sang các khoản vay lãi suất thấp hơn, rồi chuyển sang các khoản vay thương mại bình thường.
Đó cũng là con đường tất yếu mà các nước mới thoát khỏi “bẫy trung bình” cần phải đi. Chưa kể, bám vào các ODA này, không loại trừ rất nhiều, rất nhiều các “bào thai” sinh nở ra loài vật bé tý mà sức gặm nhấm khủng khiếp.
Cũng tại phiên họp kết thúc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) trưa 5/12, người đứng đầu Chính phủ đã cam kết sẽ tập trung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu mạnh mẽ ngân hàng. Đặc biệt công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN, thực hiện hiệu quả việc phòng chống tham nhũng, xử lý những sai phạm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Những buồn vui trong kinh tế sẽ được hồi âm trong những tháng năm sắp tới. Nhưng thực tiễn, tại sao tâm lý người dân chưa tin vào các cuộc diệt trừ các ổ tham nhũng? Như ông Cao Giang, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Thanh Niên, người có 43 tuổi Đảng, nhận xét “Xử tham nhũng như trò đùa” (Kienthuc.net.vn, ngày 17/09), khi thống kê của Thanh tra CP, 08 tháng đầu năm đã có 36 người đứng đầu bị xử lý liên quan đến tham nhũng, trong đó chỉ có 04 người bị xử lý hình sự, còn lại là thuyên chuyển công tác, hạ chức vụ.

{keywords}
Ảnh minh họa: Dân trí
Còn người trong giới luật, như luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp UB Kiểm tra Trung ương, thì cho rằng 10 đại án tham nhũng xử sắp tới đây, vẫn là “cú đấm bịch bông”? (Kienthuc.net.vn, ngày 05/12): Bởi cứ đụng đến ông này lại phải xin ý kiến ông kia, thì làm sao mà làm nổi?
Xã hội ta từ lâu luôn để cao câu khẩu hiện về “pháp trị” nhưng thực tế cách quản lý xã hội vẫn còn mang đậm tinh thần “nhân trị”. Tinh thần “nhân trị” này thấm… êm ái mà sâu nặng vào ngay trong những chủ trương tưởng rất khoa học, khách quan. Đó là công khai, minh bạch tài sản của các đối tượng thuộc diện có cơ hội và nguy cơ tham nhũng cao. Chính Ts Cao sĩ Kiêm, chuyên gia kinh tế, khi trả lời phỏng vấn về Thông tư 08 “hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập” cũng phải nói thẳng, kê khai tài sản rồi để đấy thì không giải quyết được gì.
Bởi cái gốc của vấn đề chính là cung cách quản lý các khoản thu nhập nổi và chìm, đều không có cơ sở pháp lý, không có chế tài kiểm soát, không nắm được nguồn gốc tài sản. Trong khi, việc chống tham nhũng không phụ thuộc vào ý chí con người hô hào bằng các khẩu hiệu, càng không phụ thuộc vào đức tính tự giác của những kẻ tham lam, tham nhũng. Mà phải kiểm soát bằng một thể chế, cơ chế quản trị hành pháp, lập pháp, tư pháp minh bạch, rõ ràng.
Đó cũng là cái “cần câu” vĩ mô "câu" những con chuột tham nhũng khôn ranh. Nếu không trên cái hành trình chống tham nhũng gian khó, người Việt đi mãi, đi mãi, và bắt gặp ở cuối con đường chữ … botay.com?
Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa, chưa xây dựng được nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Chừng đó, người Việt còn tiếp tục đọc tiểu thuyết hiện đại “tham nhũng diễn nghĩa”…với những hồi, chương, lớp lang vừa đầy kịch tính, vừa đau đớn
Đó mới là bi kịch của nước Việt.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Chuyện đuôi rắn dẫn đường và bài học dùng người

Cau chuyen ran dan duong
Một hôm, đang trong lúc con rắn nằm cuộn tròn sửi nắng, thì đuôi rắn vùng dậy và nói với đầu rắn “Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi. Tôi sẽ không chịu để người khác chi phối nữa. Cậu hễ cứ muốn đi đâu thì tôi phải theo đó, chẳng thèm hỏi tôi đến 1 tiếng xem tôi có muốn không. Tôi sẽ không đi theo cậu nữa đâu!”
“Tự nhiên đã an bài thế rồi. Nếu như cậu đã có ý kiến vậy, thì bi giờ cậu muốn thế nào?” Đầu rắn hỏi.
“Tôi đã đi theo cậu rất lâu rồi, bi giờ đổi lại, để cho công bằng, cậu phải cho tôi dẫn đường, còn cậu đi theo tôi”.
“Nhưng cậu làm gì có mắt, có mũi? Làm sao cậu có thể dẫn đường được?”
“Điều đó cậu không cần lo. Cứ cho tôi thử 1 lần thôi, cậu sẽ thấy mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả”.
Có lẽ do chiếc đầu rắn đang buồn ngủ nên nó chẳng muốn tranh cãi với chiếc đuôi, hoặc cũng có thể nó hiếu kì, muốn biết sự việc như thế nào, nên đã đồng ý cho chiếc đuôi dẫn đường. Chiếc đuôi rắn đạt được nguyện vọng, nên rất vui, và bắt đầu công cuộc dẫn mình và đầu rắn lên đường.
Chiếc đuôi hùng hục kéo mình và đầu rắn lao về phía trước, nhưng thật đáng thương, cả đầu và mình rắn bị những cạnh đá sắc nhọn cào chảy máu hết khắp nơi. Và cuối cùng, do không thấy đường, nên chiếc đuôi đã kéo cả con rắn rơi xuống vách núi sâu. “Cứu với, đầu rắn ơi, tôi sẽ không làm như vậy nữa đâu!”. Nhưng đến giờ, chiếc đầu rắn chỉ còn biết lắc đầu trong sự bất lực.
Đến lúc này, chiếc đuôi và đầu rắn mới hiểu rằng, không phải ai cũng làm được công việc dẫn đường.
Lời bình:
Đuôi rắn muốn làm người lãnh đạo, trong khi chẳng có tố chất nào của người lãnh đạo cả, không có mắt, mũi, để phân biệt và xác định rõ hướng đi. Kết quả cuối cùng mà nó đem lại là tai họa cho cả con rắn. Trong việc này, lỗi một phần lớn cũng nằm ở phía đầu rắn, vì không đánh giá được năng lực của đuôi rắn.
Trong môi trường kinh doanh, việc đánh giá được năng lực nhân viên là tối quan trọng. Nhà lãnh đạo cần phải đánh giá được đúng các tố chất và năng lực tiềm ẩn, cũng như hạn chế của nhân viên, dựa trên việc đánh giá kết quả các công việc đã thực hiện. Đánh giá công việc không chỉ dừng lại ở việc thưởng phạt, đãi ngộ, mà còn liên quan trực tiếp tới việc phát triển con người.
(Theo Bản tin Tinh Hoa)

Câu chuyện con ếch

Câu chuyện con ếch
Có một câu chuyện cũ về con ếch bị luộc.
Nếu bạn đặt một con ếch thông minh và khỏe mạnh vào trong chảo nước nóng, nó sẽ làm gì? Nhảy ra! Ngay lập tức con ếch quyết định: “Khiếp quá – mình đi thôi!”.
Nhưng nếu bạn bỏ con ếch đó vào chảo nước lạnh, đặt chảo nước đó lên bếp và đun sôi từ từ. Điều gì sẽ xảy ra? Con ếch thư giãn và còn tỏ vẻ thích thú khi nước ấm lên dần. Chẳng bao lâu con ếch sẽ xụi dần cho đến khi không leo ra khỏi chảo được nữa.
Câu chuyện này nói lên điều gì? Khi sự thay đổi không diễn ra tức thì, con ếch sẽ không chú ý cho đến khi quá trễ!
CÂU HỎI – Nếu đột nhiên sáng mai thức dậy, bạn thừa 20kg, bạn có lo không? Dĩ nhiên là có! Bạn sẽ gọi điện đến bệnh viện: “Hãy giúp tôi với! Tôi bị béo phì!” Nhưng khi sự việc diễn ra dần dần, tháng này tăng 1kg, tháng tới tăng 1kg, chúng ta sẽ không nhận ra cho đến một ngày thình lình lại thấy mình mập 20kg.
Khi bạn châm thủng ngân sách 10 đôla một ngày, chuyện nhỏ. Nhưng nếu ngày nào cũng tiêu quá mức cho phép như thế cuối cùng bạn sẽ bị cháy túi. Những người cháy túi, tăng cân, thi trượt thường xem đây là một tai họa lớn, mọi việc họ cứ lờ đi cho đến một ngày “bumm” và họ tự hỏi rằng: “Chuyện gì đã xảy ra thế này?”
Nhiều việc nhỏ sẽ thành chuyện lớn – nước chảy đá mòn. Câu chuyện con ếch khuyên chúng ta nên nhìn ra các khuynh hướng. Mỗi ngày, chúng ta phải tự hỏi: “Mình đang hướng đến đâu? Mình có khỏe hơn, săn chắc hơn, hạnh phúc hơn và thịnh vượng hơn năm ngoái không?” Nếu không, chúng ta cần thay đổi việc mình đang làm.
Mọi sự vật luôn chuyển động. Hoặc bạn đạt được hoặc bạn để vuột mất.
ANDREW MATTHEWS