Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013


Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp đến, đây có thể là một cái Tết buồn cho rất nhiều đại gia, nhưng điều đó vẫn chưa chấm dứt. Đó là cái giá phải trả cho phe nhóm, lợi ích nhóm, cái giá phải trả cho nạn tham nhũng đã nên đến cực điểm, xã hội xuống cấp.
Tết Ất Mùi 2015 sẽ còn là một cái Tết đánh dấu một vết đen trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam và đó cũng là bước ngặt cho một sự lột xác, một hạt mầm mới nảy sinh, nó sẽ cho sức sống mới, là điểm khởi đầu mới.
Nói theo toán học, đó là điểm cực tiểu, đó mới là đáy của giai đoạn suy thoái kinh tế này.
Nguyên nhân dẫn đến cơ sự như vậy cũng không gì khác là sự ngu dốt của phe nhóm lợi ích, phe nhóm tham nhũng.
Thường thì người tài giỏi thực sự lại hay có tâm, có đức. Những người này được sử dụng rất ít, chỉ những kẻ ngu dốt, bất tài thì lại vô tâm, thất đức, độc ác, và như vậy sự đi xuống một chiều cũng là điều dễ hiểu, bởi cùng với những tật xấu đó, cộng thêm với tính bảo thủ và luôn muốn nghe những lời nịch hót, vì vậy những con người này sẽ không biết đâu là lời nói thật đâu là giả của những người đã tham mưu, tư vấn cho nhóm người này, vì họ luôn muốn nghe những lời nói hay, không muốn ai chê mình vì vậy họ dễ mắc vào bẫy nguy hiểm mà họ không bao giờ biết.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị 5 hòn đá tảng đè nặng lên đầu nền kinh tế và làm cho nó không thể ngóc nên được, cùng với sự suy yếu của nền kinh tế thì thời điểm cuối năm 2014 sẽ là thời điểm mà sức chịu đựng không thể được nữa, nó sẽ dẫn đến một sự lột xác, đó là thời điểm các xác chết chính thức biến mất và khởi đầu cho những mầm non mới.
Tôi xin đưa ra những nhận định để mọi người cùng tham khảo:
1. Nợ xấu ngân hàng (hòn đá tảng lớn nhất) sẽ tiếp tục gây trầm trọng thêm cho sức khỏe yếu ớt của nền kinh tế. Hiện nay VAMC đang tập trung vào mua nợ xấu, nhưng cơ chế để hình thành thị trường mua – bán nợ xấu chưa có, vì vậy Ngân hàng Nhà nước và VAMC đang lừa dối người dân (chủ yếu là người gửi tiền) là Ngân hàng Nhà nước và VAMC đang xử lý nợ xấu (đang mua nợ xấu), và lấy lý do như vậy tiền lại được bơm từ Ngân hàng Nhà nước cho các Ngân hàng thương mại, như vậy tiền sẽ được thả tự do (không được quản lý, quản trị rủi ro đầy đủ, hoặc thậm chí ngân hàng thương mại cũng không có quyền, nếu cố cưỡng lại sẽ bị ngân hàng Nhà nước ép phải thả tiền ra (việc họp G14 là để ép các ngân hàng thương mại phải nới lỏng điều kiện cho vay, như vậy rủi ro là vô cùng lớn), hiện tượng nợ xấu chồng nợ xấu là điều hiển nhiên. Ngân hàng Nhà nước đang vì cái cớ danh dự hão huyền (mong muốn đạt được mốc tăng trưởng tín dụng 12%/năm 2013) mà phải đổi lấy sự phá sản của hàng loạt ngân hàng thương mại (tất nhiên là sẽ không phá sản ngay tức khắc, nhưng nếu các ngân hàng thương mại bị ép và tiếp tục quản trị rủi ro như hiện nay, nó sẽ là liều thuốc độc tiêm thêm vào cơ thể con bệnh đang ốm yếu, liều thuốc đó sẽ làm con bệnh có thể 01 năm nữa mới chết, hoặc 2 năm nữa mới chết, lúc đó những cán bộ cao cấp của Ngân hàng nhà nước hay VAMC cũng đã hạ cánh an toàn. Chỉ có nền kinh tế là chịu thêm suy thoái do gáng nặng nợ xấu chồng chất thêm. Cuối cùng vẫn là người dân và doanh nghiệp chịu hết.
2. Nợ Công đến 95% (đó là số tương đối), còn số tuyệt đối đến nay (sau hàng nghìn bài viết, hàng nghìn phát biểu của các người lãnh đạo cao nhất trong các bộ ngành (Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng NN hay Ủy ban Giám sát tài chính QG… chưa ai đưa ra được con số tuyệt đối là bao nhiêu tỷ USD? Có thể do cách tính Nợ công của Việt Nam là một mình một kiểu trên thế giới, vì vậy không ai có con số chính xác, theo tôi dự đoán số tuyệt đối là khoảng 115 tỷ USD. Bởi vì GDP của Việt Nam tính theo giá thực tế thì giá USD cũng là thực tế, không phải tính theo giá so sánh năm 2010. Vì vậy GDP của VN theo giá thực tế sẽ vào khoảng 130 tỷ USD, cách tính quy đổi ngang giá vào khoảng gần 300 tỷ USD.
Chỉ tính tiền lãi vay với lãi xuất 4%/năm thì mỗi năm Việt Nam cũng phải trả từ 4 – 5 tỷ USD tiền lãi (chưa tính tiền gốc), có thể một số khoản vay có thời hạn trả nợ dài nên chưa đến thời điểm trả, nhưng một số khoản vay cũng sắp đến thời điểm phải trả gốc. Vậy là người dân VN sẽ còng lưng làm để trả nợ.
Cũng phải nói rất hài hước là kiểu “gia đình Việt Nam” nói về nợ của doanh nghiệp Nhà nước rằng Nhà nước không chịu trách nhiệm về khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh. Nói như vậy khác nào một Ông bố nói với cô giáo chủ nhiệm lớp tiểu học rằng: “tôi không chịu trách nhiệm nộp tiền học phí cho thằng con lớp 2 của tôi”. Vậy Doanh nghiệp Nhà nước là gì? Tại sao lại gọi là Doanh nghiệp Nhà nước? mà không gọi là Doanh nghiệp tư nhân, hay Công ty cổ phần… Ai bổ nhiệm Ông Chủ tịch Hội đồng thành viên và các Ủy viên của DN nhà nước đó? Ai đẻ ra nó? Ai cấp vốn cho nó? Ai cấp đất đai, nhà xưởng cho nó? Ai xây dựng chơ chế hoạt động, điều lệ (luật Doanh nghiệp)? ai đẻ ra cơ chế đó?… Không ông Bố vô trách nhiệm Nhà nước thì ai vào đây? Vậy Ông lại bảo Ông không chịu trách nhiệm về khoản vay của DN Nhà nước thì ai chịu, chắc là Ông Trời chịu, nhưng có một điều hiển nhiên là người dân nộp thuế sẽ chịu. Ông Nhà nước không phải một Ông nào đó vô hình, mà nó là những con người cụ thể, với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm thì chắc chắn là phải có một người đứng đầu của một cơ quan quản lý Doanh nghiệp Nhà nước đó phải chịu trách nhiệm về việc đó (nếu là Chính phủ thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm, nếu là Bộ chủ quản thì Doanh nghiệp thuộc Bộ nào quản lý thì Bộ trưởng Bộ đó phải chịu trách nhiệm), đừng nói là Ông Bộ trưởng trước làm, tôi mới kế vị tôi không chịu trách nhiệm, bởi vì Ông đã nhận bàn giao từ Ông Bộ trưởng khóa trước thì Ông đang chức phải chịu trách nhiệm, nếu không thì Ông đừng có mà nhận bàn giao, phải quy trách nhiệm trước khi cho Ông Bộ trưởng khóa trước nghỉ hưu, thậm trí truy ngược lại.
Cấu nói là Nợ của Doanh nghiệp Nhà nước không được chính phủ bảo lãnh thì không tính là nợ công là vô trách nhiệm, như vậy còn mặt mũi nào nhìn bạn bè quốc tế, họ sẽ không bao giờ cho Doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam vay tiền nữa, như vậy Ông Nhà nước lại dùng mệnh lệnh để ra lệnh cho các ngân hàng thương mại cổ phẩn (51%) vốn Nhà nước phải cho các DN Nhà nước vay tiền, rồi lại phủi tay không chịu trách nhiệm, nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần cũng có 51% vốn của Nhà nước (do Nhà nước in tiền ra), nhưng số tiền đó cũng đã trở thành nợ xấu từ lâu rồi, bây giờ chỉ còn lại 49% vốn của cổ đông, nhưng cổ đông cũng hết rồi (vì các DN sân sau của ông chủ Ngân hàng), vậy cuối cùng là vốn huy động của người dân gửi tiền (vậy thử hỏi xem có nguy hiểm với đồng tiền của người dân gửi trong ngân hàng không? Trong khi bảo hiểm tiền gửi của VN không có hoặc có thể ở mức 20 triệu đồng (ai gửi 20 tỷ lúc ngân hàng phá sản lấy 20 triệu về mua quan tài).
Trở lại với cách tính nợ công, VN chỉ công nhận Chính phủ vay nước ngoài và các khoản vay của DN Nhà nước của nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh là tính vào nợ công, còn các khoản khác như: Nợ đọng xây dựng cơ bản 42.000 tỷ (con số mới nhất), trước đó là 90.000 tỷ, nhưng có thể 48.000 tỷ đã được đẩy trách nhiệm cho chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, vì con số trước đó là 90.000 tỷ là chính xác, nhưng hiện nay chỉ có 42.000 tỷ là do Chính phủ chấp nhận đầu tư, các dự án do Chính phủ giao thì Chính phủ chịu, còn lại 48.000 tỷ do UBND các tỉnh, thành phố tự quyết thì tự phải lo để trả, Chính phủ Trung ương lại vô trách nhiệm với Chính phủ địa phương. Chưa kể nợ tiền vay của các DN Nhà nước mà Chính phủ không bảo lãnh vì vậy Nhà nước vô trách nhiệm như đã nói ở trên…
3. Tình hình lãng phí trong đầu tư Công là một hòn đá tảng không nhỏ đè nặng nền kinh tế, vừa qua Quốc hội đã nhất trí cho phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (đi vay) và Nâng trần bội chi ngân sách NN từ 4,8 nên 5,3% GDP, tức là Chính phủ muốn có nhiều tiền để tiếp tục tăng đầu tư công chiếm 31% GDP. Nhưng Trái phiếu Chính phủ vẫn phải trả lãi, và lãi suất do phát hành trái phiếu là rất cao, thậm chí cao gấp 2 lần lãi tiền vay của các tổ chức tín dụng Quốc tế, vậy ai sẽ chịu trả lãi tiền vay do phát hành trái phiếu Chính phủ, vẫn là tiền từ các ngân hàng thương mại cổ phần, cuối cùng vẫn là người dân phải chịu, vì có vay là có trả.
Tình hình lãnh phí hiện nay không đầu tư dàn trải kiểu mỗi người dân một chút hưởng lợi từ những công trình bé tí tẹo nữa, mà đầu tư của Chính phủ đã nhắm đến những công trình hàng nghìn tỷ, thậm chí 1,4 tỷ USD mới khởi công ngày hôm qua (24.11) và như vậy tiền hoa hồng cũng thu được thành món, thành miếng to lớn hơn, không phải nhặt nhạnh vài tỷ tiền hoa hồng nữa, mà nhận luôn vài triệu đến vài chục triệu USD.
4. Vấn đề nhóm lợi ích bị chết kỹ trong BĐS, trong đó có dính đến quan tham, vì vậy hiện nay đang dùng chính sách trì hoãn Nợ xấu, với mong muốn sau 5 năm (mua nợ xấu) và đẩy nợ ra khỏi bảng cân đối tài sản (sổ sách) của các ngân hàng thương mại thì đến 5 năm sau, nếu không xử lý được cũng hy vọng BĐS tăng giá và sẽ bán được với giá cao và xử lý thành công. Nhưng thử hỏi, nền kinh tế vận hành theo kiểu này, không chết nhanh mới là chuyện lạ! Phải biết rằng nếu nền kinh tế bị số ít các DN độc quyền (theo phe nhóm, nhóm lợi ích) việc cạnh tranh không có, việc quản lý, quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN đó lại càng xa xút vì cơ chế xin cho (nhóm lợi ích), vì vậy nền kinh tế càng yếu kém, càng thiếu sức cạnh tranh, trong khi cam kết khi gia nhập WTO, TTP… là phải thực hiện đúng, lúc đó sức cạnh tranh không có thì nền kinh tế VN là nền kinh tế làm thuê cho nước ngoài, không có quyền lựa chọn, thua ngay trên sân nhà…
Với nền kinh tế yếu kém như vậy, tiền cũng không được dàn đều cho người dân, tức là tầng lớp trung lưu sẽ ít hơn, hoặc bị giảm thu nhập, mà thu nhập cao, siêu cao sẽ dồn về một số rất ít các ông chủ (nhóm lợi ích), khi nhóm tầng lớp trung lưu ít đi, tức là sức mua giảm, hàng tồn kho lại tăng, và BĐS tiếp tục đóng băng lâu dài và bền bỉ, có thể đóng băng đến 2020. Như vậy nền kinh tế lại tiếp tục suy thoái sâu hơn vì vấn đề hiệu quả đầu tư công vẫn là một bài toán vô cùng nan giải.
5. Việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn dậm chân tại chỗ, đó là một sự tụt hậu đã nhìn thấy ngày càng rõ hơn cho đất nước. Khi nền kinh tế dựa trên đầu tư công mà không dựa vào nền tảng là sản xuất hàng hóa thì mục tiêu của ĐH Đảng XI là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại sẽ không bao giờ có từ đó. Cũng biết rằng mục tiêu đó không đạt được vì vậy Đảng mới đề ra mục tiêu dùng cụm từ “cơ bản” vậy thế nào là cơ bản? cơ bản có khá hơn hiện nay không? Hay sau này không đạt được rồi lại nói là thế này là cơ bản rồi còn gì!
Tóm lại là đất nước sẽ chìm vì nạn tham nhũng, hiện nay tham nhũng đã bắt tay nhau thành lợi ích nhóm và nguy hiểm vô cùng, nó sẽ hủy hoại đất nước nhanh hơn, có thể sau 3 năm nữa chúng ta sẽ nhìn thấy cảnh của những năm 1980 – 1981.

Link : http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/ci-gi-kinh-vit-nam.html#comment-65147

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Học để làm gì?
Tác giả: T/S Giáp Văn Dương (Tuổi Trẻ 12/11/2013)

Nếu muốn cải cách giáo dục thật sự, trước hết cần làm rõ mục đích của việc học bằng cách trả lời câu hỏi: Học để làm gì?
Con người là một động vật kỳ lạ khi phải dành đến hàng chục năm để đi học mới có thể lo cho cuộc sống của mình ở mức trung bình. Điều này hoàn toàn khác với các động vật khác khi hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần như ngay khi mới ra đời.
Suốt đời đi thi
Việc học không chỉ ngày nay mới có mà có truyền thống lâu đời từ rất xa xưa. Với VN, việc học trở thành một hoạt động chính quy của xã hội xuất hiện ít nhất đã gần 1.000 năm, nếu lấy mốc là khi Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng.
Vậy với người xưa: Học để làm gì?
Nhìn vào cách thức tổ chức học tập và thi cử có thể thấy rằng ngày xưa học là để làm quan. Mục đích chính của việc học là để ra ứng thí, nếu đỗ đạt thành ông nghè ông cử sẽ được bổ nhiệm làm quan. Nếu thi rớt chờ khóa sau thi lại. Chính vì thế mới có người suốt đời đi thi, hoặc cả bố cả con đều thi cùng một khóa.
Vì sao vậy? Vì đó là cách thức tiến thân và khẳng định mình nhanh nhất và duy nhất trong xã hội phong kiến với thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” được phân định rõ ràng. Đó là một đầu tư lớn, một khát vọng đổi đời cháy bỏng, nhiều khi vượt qua cả các nhu cầu sinh lý thông thường. Vì thế mới có chuyện “chàng chưa thi đỗ thì chưa động phòng”, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “võng anh đi trước võng nàng theo sau”…
Chính mục đích học để làm quan này đã chi phối toàn bộ nội dung học tập, thi cử và phương pháp học tập đi kèm. Đơn cử có thể thấy do học để làm quan nên nội dung học chỉ để đi thi. Ngay cả với những người “sôi kinh nấu sử” trong suốt hàng chục năm thì nội dung cũng không vượt quá khỏi bộ Tứ thư, Ngũ kinh và một số kỹ năng thơ phú điển hình. Lý do thật đơn giản: đề thi chỉ xoay quanh các tài liệu và kỹ năng này.
Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy trọng tâm xuyên suốt của việc học thời đó là học ứng xử, tất nhiên là giữa người với người, sao cho phù hợp với trật tự xã hội phong kiến. Chính vì thế mới có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây hiển nhiên là về phép tắc ứng xử, nhưng còn văn? Văn ở đây, tức phần nội dung, cũng phần nhiều là nội dung của ứng xử trong các tình huống cụ thể.
Khẩu hiệu này hiện vẫn còn phổ biến trong các trường học. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt trong ứng xử giữa người và người, lại càng làm cho khẩu hiệu này có thêm lý do tồn tại.
Không biết học để làm gì
Tháng 6 đến 8-2013, tôi có dịp khảo sát bằng cách hỏi trực tiếp các em học sinh từ cấp trung học cơ sở (khoảng 80 em) đến sinh viên đại học (khoảng 100 em), và một số phụ huynh nhân dịp con em họ thi đại học (100 phụ huynh), với câu hỏi “Học để làm gì?”, thì câu trả lời rơi vào các nhóm như sau:
* Không biết học để làm gì. Học vì bố mẹ bảo học. Học vì tất cả mọi người đều như vậy. Học vì không biết làm gì khác. Đây là trường hợp phổ biến với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, chiếm trên 80%, và một phần lớn trong sinh viên, khoảng 50%.
* Học để có công ăn việc làm. Học để kiếm tiền. Đây là câu trả lời phổ biến của sinh viên đại học, chiếm 40-50%, và một phần nhỏ của học sinh phổ thông trung học, khoảng 20-25%.
* Học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. Đây là câu trả lời của phần lớn phụ huynh trong kỳ thi đại học vừa rồi, chiếm 80-90%.
* Học để mở mang hiểu biết. Đây là câu trả lời chung trong các nhóm khác nhau, chiếm 5-10%, tùy theo nhóm.
* Học để tự hoàn thiện mình. Đây là câu trả lời của một vài trường hợp cá biệt, tỉ lệ 2-4%, tùy theo nhóm.
Như vậy có thể thấy phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, có địa vị trong xã hội.
Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, có công ăn việc làm chiếm khoảng một nửa, còn lại là không có bất cứ mục tiêu nào.
Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến hơn 95% cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.
Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý: vì một đầu tư lớn như vậy về thời gian và tiền bạc mà mục đích lại không rõ ràng. Đấy là với phạm vi của cá nhân và gia đình. Với hệ thống giáo dục liên hệ đến hàng chục triệu người, thì tính hướng đích của hệ thống cũng rất mờ nhạt. Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: để làm gì?
Làm chủ cuộc đời
Học để làm gì thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, Ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một báo cáo có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).
Như vậy, UNESCO đã xây dựng bốn trụ cột cho việc học, và lấy đó làm định hướng cho giáo dục của thiên niên kỷ mới. Cái học để ứng xử của người xưa nay chỉ còn là một phần trong quan niệm của UNESCO: học để chung sống với người khác. Còn quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong phụ huynh và sinh viên đại học hiện nay thì cũng chỉ nằm ở một góc khác: học để làm.
Hai trụ cột khác rất quan trọng: học để biết và để xác lập bản thân mình thì hiện ra rất mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, cái học để biết đã biến dạng thành học để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên. Điều này dẫn đến một thực tế rất bi hài, nhưng lại là gam màu chủ đạo trong giáo dục hiện thời: học không biết để làm gì, hoặc học để thi nhưng thi rồi cũng không biết để làm gì. Tất cả quay cuồng trong một cơn học và dạy không mục đích, không khai sáng.
Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” của UNESCO là một câu trả lời hay, nhưng không phải duy nhất. Trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau (VN, Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore), tôi rút ra một điều rằng: học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, và thông qua đó giúp họ làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình mới là mục đích của việc học. Khi đã phát triển tốt nhất năng lực của bản thân mình, tìm thấy được ý nghĩa của đời sống mình thì tự động họ sẽ đóng góp cho xã hội như một hệ quả.

link : http://tuoitre.vn/Giao-duc/579663/ho%CC%A3c-de%CC%89-la%CC%80m-gi%CC%80.html

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013


Tuan Viet Nam – “Việt Nam nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì” – GS Nguyễn Văn Tuấn.
LTS:  Ngày 20/11 sắp đến gần cũng là lúc câu chuyện về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được nhiều diễn đàn mổ xẻ. Trong cuộc trò chuyện mới đây với Tuần Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc liên tục nhắc tới cụm từ “tự do học thuật” như một tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt giáo dục Đại học.
Không có “tự do theo định hướng”
Dưới góc nhìn của mình, ông giải thích thế nào về việc chất lượng các trường Đại học của ta hiện nay chỉ “làng nhàng”?
- Một môi trường cởi mở với những ý tưởng mới và năng động, có sự tương tác chính là một môi trường kích thích sáng tạo cao nhất. Trong đó, người làm nghiên cứu hay giảng dạy được đảm bảo quyền tự do chọn lựa và theo đuổi chủ đề của mình mà không bị can thiệp.
Đó là yếu tố mà giới khoa bảng quen gọi là tự do học thuật.
Ngày nay, dù đây đó vẫn còn tranh cãi về phạm vi, nhưng tự do học thuật được xem là giá trị cốt lõi của các trường Đại học tiên tiến, là một trong những thước đo về tiến bộ của một xã hội.
Với hệ quy chiếu nói trên, thì có thể phần nào hiểu được lý do vì sao chất lượng ở các trường ĐH ở ta nói chung vẫn còn thấp.
Chúng ta biết rằng hiện nay chỉ có khoảng 14% trong số 61.672 giảng viên đại học có bằng tiến sĩ, và con số giáo sư/phó giáo sư cũng chỉ chiếm khoảng 5%.
Dĩ nhiên, không phải cứ có nhiều giảng viên bằng tiến sĩ hay có nhiều giáo sư là nghiễm nhiên có “chất lượng” cao, nhưng xu hướng chung trên thế giới thì tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng về chất lượng giáo dục.
Hệ thống hành chính ở phần lớn các trường đáng lẽ phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam, nó vẫn nặng nề, bao cấp, máy móc nên không hỗ trợ được là bao.
Vì những rào cản nói trên, nên hệ thống các trường ĐH ở ta khó phát triển là vì các đại học vẫn chưa được tự chủ và chưa có tự do học thuật. Đó là một điều đáng buồn và đáng suy nghĩ. Trong khi các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, v.v… đều có ít nhất một đại học trong danh sách đại học hàng đầu trong khu vực hay trên thế giới.
Việt Nam thì chưa có một trường đại học nào có thể “sánh vai” với các đại học hàng đầu trong vùng. Chúng ta có thể biện minh rằng là do chiến tranh và cô lập, và có ít thời gian để phát triển. Nhưng tôi e rằng những biện minh đó khó thuyết phục, bởi vì có nhiều đại học trong vùng chỉ cần 20 hay 30 năm là đã trở thành đẳng cấp quốc tế.
Nói theo văn hào Dostoievsky, tất cả tuỳ thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta tự định đoạt số mệnh của mình chứ không nên đổ thừa cho ai.
Trong Đề án đổi mới của Bộ GD&ĐT có đề cập đến chuyện: đảm bảo tự do học thuật nhưng phải theo đường lối XHCN. Ông suy nghĩ gì?
- Tôi nghĩ có lẽ có sự hiểu lầm hay hiểu khác về tự do học thuật ở đây.
Theo tôi hiểu, khái niệm tự do học thuật (academic freedom) chẳng phải là mới, vì nó đã xuất hiện từ thập niên 1950 bên Mĩ. Thời đó, chủ nghĩa McCarthy và những người theo chủ nghĩa này gieo rắc và khủng bố các giáo sư đại học, những người đề cập đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm tự do học thuật ra đời để bảo vệ các giáo sư có quyền suy nghĩ, lí giải, và phát biểu những vấn đề và ý tưởng mà không sợ bị trừng phạt bởi các thế lực chính trị và đại học.
Nói cụ thể hơn, tinh thần tự do học thuật áp dụng cho giảng viên và sinh viên. Đối với giảng viên, tự do học thuật có nghĩa là giảng viên có quyền nghiên cứu bất cứ chủ đề nào mà họ quan tâm, có quyền trình bày những kết quả đó cho sinh viên và đồng nghiệp mà không chịu sự đàn áp hay kiểm duyệt của bất kỳ thế lực nào.
Đối với sinh viên, tự do học thuật có nghĩa là tự do học các chủ đề mà họ quan tâm và có quyền đi đến kết luận, có quyền phát biểu ý kiến cá nhân của họ liên quan đến chủ đề học. Không có kiểu tự do “theo định hướng”.
Việt Nam không nhất thiết phải học theo ai
Có ý kiến cho rằng, Singapore cũng có một thể chế độc đoán, nhưng họ đang thành công với mô hình đại học của mình. Và trong chuyện xây dựng tinh thần đại học, ta có thể học được cái hay từ cách làm của họ? Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi nghĩ không nhất thiết VN phải học Singapore hay mô hình đại học Singapore. Đứng về mặt tự do học thuật, các đại học Singapore chưa thể là một mô hình để chúng ta phải học theo. Mới đây, một giáo sư về báo chí của một đại học Singapore bị cắt hợp đồng chỉ vì bà chỉ trích tự do báo chí ở Singapore. Ở Trung Quốc, vì thiếu tinh thần tự do học thuật, nên các đại học danh tiếng như Stanford và Columbia không thiết lập chi nhánh ở quốc gia này.
Theo tôi thấy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm thành công của những trường đại học mới thành lập và đã nhanh chóng trở thành những đại học hàng đầu thế giới như Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (Pohang University of Science and Technology) của Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Singapore, Học viện Công nghệ Monterrey (Monterrey Institute of Technology) của Mexico, v.v.
Đó là những đại học chỉ trong thời gian 20-30 năm đã vươn lên và trở thành đại học đẳng cấp thế giới. Cái mẫu số chung của những đại học vừa kể trên là họ tuyển dụng nhiều giáo sư tài giỏi và tuyển mộ sinh viên có học lực tốt;  họ có ngân sách dồi dào; và quan trọng là có lãnh đạo tốt, với tầm nhìn chiến lược.
Nhưng theo tôi thấy Việt Nam sẽ rất khó học áp dụng bài học thành công của họ, vì thể chế tổ chức trong các đại học Việt Nam còn cứng nhắc.
Người ta tuyển lãnh đạo đại học và giáo sư đại học qua quảng cáo khắp thế giới, nhưng ở Việt Nam thì theo cơ chế “qui hoạch” thì rất khó thu hút được người tài.
Người tài không thích ai định hướng cho mình, và họ đòi hỏi tự do trong suy nghĩ và ngôn luận. Do đó, Việt Nam nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì.
Tự do học thuật phải được tôn trọng
Các trường Đại học là nơi sản sinh và tích dồn tri thức, để làm giàu trực tiếp và gián tiếp cho một quốc gia. Nhưng vai trò này của các trường đại học ở VN rất mờ nhạt. Nên thay đổi từ đâu thưa ông?
- Tôi nghĩ nói cho công bằng thì các đại học Việt Nam cũng đã có đóng góp cho nền kinh tế và khoa học Việt Nam, nhưng có lẽ gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp. Các đại học VN đã đào tạo những chuyên gia cho nền kinh tế, các nhà khoa học, và đó là một đóng góp rất đáng kể.
Nhưng đóng góp trực tiếp của các đại học Việt Nam cho nền kinh tế thì vẫn còn lu mờ. Bằng sáng chế từ các đại học Việt Nam hầu như không đáng kể. Các giáo sư đại học cũng chưa có nhiều sáng chế gì đáng chú ý. Các đại học Việt Nam dĩ nhiên chưa thể ở vị trí thu hút sinh viên nước ngoài để tạo ra hàng tỉ USD cho ngân sách quốc gia như các đại học phương Tây.
Nhưng tôi nghĩ các đại học Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa trong việc đóng góp cho nền kinh tế. Làm như thế nào thì lại là một câu hỏi lớn đã chiếm thời gian và tiêu hao công sức của rất nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ đến một chiến lược liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp kĩ nghệ và đại học. Cần có những cơ chế để cho những người trong doanh nghiệp kĩ nghệ (có nghiên cứu) tham gia vào việc đào tạo sinh viên, và họ cũng được ghi nhận qua các chức danh học thuật.
Đối với các ngành nghiên cứu khoa học xã hội tôi nghĩ thách thức còn lớn hơn các ngành khoa học và kĩ thuật. Có nhiều chủ đề mà giới khoa học xã hội quan tâm nhưng có khi được xem là “tế nhị” hay “nhạy cảm” nên đành phải gác lại. Đây cũng là một vấn đề về tự do học thuật.
Theo ông, nên “gỡ” nút thắt nào đầu tiên?
- Thú thật, tôi vẫn nghĩ đến tự chủ và tự do học thuật. Đại học cần phải có quyền tự chủ trong việc quyết định bổ nhiệm giảng viên, giáo sư, quyết định chế độ lương bổng, quyền tuyển sinh, và chủ động trong việc soạn thảo chương trình giảng dạy.
Tự do học thuật cần phải được tôn trọng. Một khía cạnh khác của tự do học thuật chính là tự chủ, hiểu theo nghĩa đại học có quyền bổ nhiệm giáo sư, hoạch định chương trình giảng dạy, và theo đuổi nghiên cứu vì lợi ích khoa học và nghệ thuật chứ không vì lợi ích của các nhóm lợi ích và chính trị trong xã hội. Tôi nghĩ không có tự do học thuật thì khoa học xã hội Việt Nam rất khó phát triển.
Theo ông, làm thế nào để xây dựng được một tinh thần đại học đúng nghĩa?
-  Tôi nghĩ đến mô hình đại học dựa trên tinh thần khai sáng của Immanuel Kant và lí tưởng liberal của Friedrich Schleiermacher. Đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất. Không có tự do học thuật, đại học khó mà hoàn tất sứ mệnh phản biện xã hội của mình, và khó có thể đóng góp tích cực cho Nhà nước và xã hội.
Xin cảm ơn ông
Lê Vũ Quý Linh (thực hiện)
*
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn:
Giảng viên cao cấp tại ĐH New South Wales, Úc.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc.
Nghiên cứu viên cao cấp Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc (NHMRC).
1987-1997: Thạc sĩ ĐH Macquarie (Úc); Tiến sĩ thống kê, chuyên về dịch tễ học ĐH Sydney (Úc); Tiến sĩ y khoa ĐH New South Wales (Úc), Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại ĐH Basle, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz  (Thụy Sĩ) và Bệnh viện St Thomas (Anh).

link :http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/144859/-viet-nam-khong-nhat-thiet-phai-hoc-theo-ai-.html

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Kinh tế VN mùa thu 2013

Kinh tế VN mùa thu 2013: những mảng sáng tối
Tác giả: T/S Phạm Đỗ Chí

Chưa năm nào có nhiều hội thảo và tranh luận sôi nổi về hiện trạng nền kinh tế như năm nay. Các giới chức và chuyên gia trong chính phủ thì cho là kinh tế Việt Nam đã ổn định khá và đang phục hồi. Vài đại biểu và chuyên gia Quốc Hội thì nhìn thấy “màu xám”, còn vài chuyên gia ngoài chính phủ hay nhiều nhóm dân cư lại vẫn thấy “màu tối”, theo báo chí. Chuyện gì đang xảy ra?
Một nhận định của nhiều người trong kỳ hội thảo mùa thu về Kinh tế[1] mới đây là nền kinh tế đang rất xấu với nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và triển vọng trung hạn 2013-15 cũng không mấy sáng sủa vì việc tái cấu trúc kinh tế chưa được triển khai hiệu quả bằng hành động. Riêng trong phát biểu mở đầu, TS Trần Đình Thiên gọi kinh tế VN vẫn đang mò đáy, chứ chưa thoát đáy như vài nhà kinh tế khác lạc quan hơn đã nhận định mới đây.
Thêm một chuyên gia độc lập nhận xét là tình trạng sản xuất trong nền kinh tế VN gần như tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay đóng cửa từ 2011, tăng trưởng GDP có thể trì trệ hơn và nạn thất nghiệp gia tăng mạnh hơn các con số chính thức, gây ra các tệ nạn xã hội báo động. Trong khi chính sách tín dụng trong cả nước cũng hoàn toàn nghẽn mạch—một phần vì doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ và vì ngân hàng không muốn cho vay (với thanh khoản yếu do nợ xấu gây ra).
Nói chung, hoạch định chính sách kinh tế có thể khó khăn hơn nếu không được dựa trên dữ kiện rõ ràng hay chính xác (economic planning without facts), như nhà kinh tế nổi tiếng Kornai đã từng cảnh cáo cho nền kinh tế Hung ga ri thời còn bao cấp.
Bài trình bầy của nhóm nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Fulbright ở Saigon qua Giám đốc Nguyễn Xuân Thành[2], phân tích trong 4 động cơ liên quan đến tăng trưởng thì 3 “động cơ nội” trục trặc, chỉ có một động cơ “ngoại” là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chạy tốt, và nhận định quan trọng là 3 động cơ nội trục trặc là do bị ảnh hưởng của thể chế kinh tế (khu vực quốc doanh làm chủ đạo), động cơ ngoại chạy tốt do không bị ảnh hưởng hoăc bị ảnh hưởng rất ít của thể chế trong nước. Tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP là 13% năm 2000, đến năm 2012 tỷ lệ này tăng khoảng 7 điểm phần trăm lên xấp xỉ 20%; lượng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài (chi trả sở hữu – thu từ sở hữu) của năm 2012 tăng khoảng 25 lần so với năm 2000 và nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ này cũng tăng xấp xỉ 9 lần.
Điều này làm nổi bật một điều là do đóng góp đáng kể của FDI vào tăng trưởng GDP, thu nhập quốc gia gộp (GNI—gross national income) không tăng nhanh theo cùng mức với GDP, và thu nhập lẫn tiêu thụ nội địa đều yếu dẫn đến mức tổng cầu yếu đã được ghi nhận từ ba năm qua. Từ những lập luân trên phải chăng càng tăng trưởng GDP theo kiểu này thì luồng tiền và của cải của đất nước càng sụt giảm, trong khi FDI càng thu lợi nhờ nhân công và thuê đất rẻ lại tránh được thuế (xem dưới đây)?
Mặt khác, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất trong nước phần lớn là do thể chế thì các nhà họach định chính sách có thể cải thiện thể chế để phục hồi cơ cấu sản xuất và cả nền kinh tế. Việc cải thiện thể chế không chỉ đơn giản là cải cách hành chính hay chống tham nhũng như một số giới kêu gọi, hay là giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chính là thiết lập thật sự sân chơi bằng phẳng, minh bạch đối với khu vưc tư nhân và nông nghiệp. Đây chính là nền tảng thiết yếu của chính sách tái cơ cấu kinh tế đang muốn thực hiện bởi chính phủ. Vì nến tảng chưa được thiết lập, việc áp dụng mới bị bế tắc!
Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu tư duy của các nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế! Việc đạt được thành tích tăng trưởng cao ngắn hạn mỗi năm thực sự không quan trọng bằng việc phục hồi 3 động cơ “nội”, theo cách phân tích nói trên của nhóm Fulbright.
Từ nghiên cứu quan trọng của nhóm này, chúng ta cũng có thể suy nghĩ thêm về những mảng sáng tối, và những lý do đàng sau, của bức tranh kinh tế Việt nam khá phức tạp năm nay với các diễn đạt khác biệt từ những góc nhìn khác nhau.
Cả nền kinh tế nói chung vẫn trong tình trạng tương đối trì trệ của 2 năm trước với mức GDP thực tế chỉ tăng quanh 5% (con số chính thức được coi là lạc quan!). Nhưng phần lớn tăng trưởng được ghi nhận là do nhóm sản xuất FDI . Và đó cũng là lý do cho điểm sáng hiếm hoi của xuất khẩu vẫn tăng khá năm nay. Nhưng với các kỹ thuật chuyển giá để khai lỗ của nhóm doanh nghiệp FDI, đóng góp vào thuế doanh nghiệp của khu vực này gần như rất ít, trong khi các doanh nghiệp tư  nhân ngoài FDI và nhà nước thua lỗ nên không thể đóng thuế: thêm một lý do cho thất thu thuế năm nay, ngoài chuyện trì trệ sản xuất.
Ngoài ra do tình trạng suy yếu của sản xuất nói chung, mức nhập siêu 10-12 tỷ USD của các năm trước 2011 đang trở thành xuất siêu, giúp cho cán cân vãng lai và thanh toán tổng thể được thặng dư, và là lý do căn bản làm bớt được áp lực tỷ giá.
Áp lực lên tỷ giá cũng bớt đi do chuyên độc quyền vàng miếng SJC làm bớt nhu cầu nhập lậu vàng.Trong khi NHNN có thể hân hoan với kết quả này, câu hỏi bất cập khác xuất hiện là khối vàng trên 60 tấn do NHNN độc quyền bán ra đã đi đâu? Khoảng 30 tấn được giải thích là cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng trong năm, nhưng còn hơn 30 tấn vàng kia đi đâu? Báo chí xuất hiện thêm loạt bài nói là “tham nhũng ưa chuộng vàng miếng”, làm dấy lên mối lo ngại trước đây về các kênh tẩu thoát của vàng không được mong muốn, một câu hỏi nhức nhối khó trả lời và cần thời gian.
Chuyện bán ra khối vàng quan trọng cùng với việc phát hành 170.000 tỳ đồng trái phiếu chính phủ cũng được coi là hai biện pháp giúp rút bớt khối tiền đồng lưu hành để tránh áp lực lạm phát do việc NHNN mua vào thành công khối dự trữ ngoại hối tăng đến mức kỷ lục 28 tỷ USD, so với sự thất bại năm 2007 do thiếu biện pháp này để trung hòa khối tiền đồng tung ra để mua khoảng 10 tỷ USD do FDI và đầu tư gián tiếp FII mang đến. Câu hỏi đặt ra là tiền lớn đều chui vào vàng và chi tiêu chính phủ, còn đâu “room” cho đầu tư của tư nhân khi bị khu vực chi tiêu chính phủ chèn ép?
Sau hết, sản xuất trì trệ nói chung trên đây cũng gây trở ngại cho mức tổng cầu và hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Do đó, tín dụng  mới tăng hơn 6% cuối tháng 10 và cả năm khó đạt mục tiêu tăng 12%, và là nguyên nhân chính giúp giảm áp lực lạm phát.
Về nhu cầu chính sách tương lai trong ngắn hạn, có 2 luồng ý kiến: thứ nhất là kích cầu từ đầu tư công qua nới rộng mức độ bội chi ngân sách và thứ hai là “kiên trì” ổn định kinh tế vĩ mô. Việc “kích cầu”, qua đầu tư công thiếu hiệu quả, có thể nhất thời làm tăng GDP nhưng không bền vững và chỉ nhằm mục đích “thành tích” ngắn hạn, và một vòng xoáy lạm phát – suy trầm bị e ngại sẽ lại tiếp diễn trong năm 2014 như đã xảy ra các năm trước đây. Hơn nữa trong lúc các tỉnh thành lớn đều hụt thu nội địa thì việc nâng trần bội chi ngân sách quốc gia (lên 5,3% cho năm nay và năm tới) để dáp ứng việc giải quyết tăng GDP ngắn hạn là một việc không nên làm trong lúc này.
Điều gây bức xúc nhất vẫn là chính sách trung hạn: tiếp tục in trái phiếu khoảng 150.000-200.000 tỷ mỗi năm như lối ra cho chính sách tài khóa theo dự kiến hiện tại quả là không ổn cho bức tranh lạm phát và tổng thể. Và không giải quyết được nghẽn mạch tín dụng bằng việc tiếp tục vô thời hạn các biện pháp hành chính hiện nay trong chính sách tiền tệ, thay vì các biện pháp thị trường, do chính NHNN đã khổ công xây dựng trong nhiều năm trước đây mà kinh tế đất nước cũng đã rất quen thuộc– mới là chuyện quan trọng: liệu có thể để các doanh nghiệp tiếp tục dẫy chết và guồng máy sản xuất suy đốn thêm?
Nhìn chung, búc tranh kinh tế 2013 có những điểm sáng như xuất khẩu tăng, tỷ giá ổn định, lạm phát giảm dần, được một số nhà kinh tế quen thuộc trong nước ngợi khen, nhưng nghĩ kỹ đều phản ánh những tia sáng le lói khó bền vững, vì chỉ đi ra từ sự kiệt quệ của nền kinh tế tư nhân với hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa hay lỗ nặng hàng tháng. Cạn nguồn thuế, ngân sách không thể kéo dài chuyện in tiền qua phát hành trái phiếu của chính phủ hay của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh. Đây không thể là tình trạng kéo dài thêm được lâu nữa.
Trong phần tóm tắt kết luận hội thảo, một nhân vật hữu trách quan trọng khẳng định là nền kinh tế không hề tê liệt để trả lời thẳng vào nhận xét chuyên gia trên đây, nhưng lại cũng hoàn toàn im lặng về các đề xuất thay đổi thể chế như nêu trên. Thay vào đó, vị này nhấn mạnh về yếu tố phục hồi tăng trưởng cho năm tới, và nêu nhận xét là các chuyên gia đã rõ ràng và đồng thuận trong phần nhận định hiện trạng, nhưng chưa đưa ra được các giải pháp chính sách phục hồi kinh tế cụ thể. Và hình như đó là bế tắc của khóa hội thảo mùa thu, cũng như của nền kinh tế suốt bốn mùa!
Trước bế tắc đó, phải chăng cần nghĩ đến giải pháp “cuối cùng” như chuyên gia Võ Đại Lược vừa đề nghị với Ủy ban Kinh tế Trung ương là mời IMF trở lại để trợ giúp cả kỹ thuật lẫn tài chính? Kỹ thuật vì họ có cái nhìn khách quan vượt trên được các nhóm lợi ích và có thể giúp tái lập bức tranh tổng thể với số liệu chính xác. Tài chính vì nhu cầu vốn để xóa món nợ xấu ngân hàng cũng như giảm khối nợ công quốc gia khổng lồ (ước tính vượt 100% GDP, gồm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh) có thể lên đến 40-50 tỷ USD, con số ít ai dám nghĩ đến, nhưng là số dựa vào kinh nghiệm trợ giúp của IMF cho Thái lan và Nam dương.


[1] Do Ủy ban Kinh tế Quốc Hội tổ chức ở Huế vào hai ngày 26-27/9/2013.
[2] Tóm tắt của TS Bùi Trinh trong một bài viết ngắn chưa xuất bản.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

11 Nov 2013
Một người ăn mày đến trước một trang viên, gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn mày này rất tội nghiệp, cánh tay bị cụt, tay áo trống trải đung đưa, người nào trông thấy cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuy nhiên, vị chủ nhân này lại không hề khách khí, chỉ ra đống gạch trước cửa nói với người ăn mày: “Ngươi giúp ta chuyển đống gạch      này ra nhà sau đi”.

Người ăn mày giận dữ nói: “Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi vậy, cần chi phải trêu ghẹo người khác?”

Vị chủ nhân không chút nổi giận, cúi người xuống bắt đầu dọn gạch. Bà ta cố ý chỉ dùng một tay để chuyển, sau đó bà nói: “Ngươi thấy đấy, không phải chỉ dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ?”

Người ăn mày lặng người đi, hắn ta nhìn vị nữ chủ nhân với ánh mắt kỳ dị, trái cổ nhô nhọn giống như một quả trám chuyển động lên xuống 2 lượt. Cuối cùng, hắn cúi người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, trên mặt dính đầy bụi, mấy chòm tóc rối bị mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.

Nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng như tuyết. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ một lượt rất kỹ; chiếc khăn lông trắng đã biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ lại đưa cho hắn 20 đô-la, người ăn mày cảm kích nói:  “Cảm ơn bà”  - “Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình”.

Người ăn mày nói: “Tôi sẽ không quên bà, để cho tôi giữ làm kỷ niệm vậy”.

Nói xong, hắn cúi người chào thật thấp và sau đó lên đường.


Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói: “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la”.

Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô-la hay do điều gì khác.


Người con của người phụ nữ không hiểu, liền hỏi mẹ:  “Lần trước mẹ kêu ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà?”.

Người mẹ nói với con rằng:  “Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày mà nói, thì lại không giống nhau”.

Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi mấy lượt.


Nhiều năm sau, có một người rất chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang như những người thành công với sự tự tin và tự trọng, chỉ có điều là người này chỉ có một cánh tay trái. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân nay đã có phần già đi:  “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty”.

Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói:  “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi”.

Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tay mời người phụ nữ cùng cả nhà bà dọn đến thành phố để sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói:  “Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được” - “Tại sao?” - “Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có hai tay”.

Người chủ tịch tuy đau lòng nhưng vẫn kiên trì:  “Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân, thế nào là Cách.  Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi”.

Người phụ nữ nói: “Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả !”./.