Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

TTCT - Hai gia đình ở sát nhau nhưng hoàn cảnh khác nhau. Gia đình ông A dành dụm được chừng 2 tỉ đồng, dự trù sang năm cho con đi du học ở nước ngoài.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ảnh hưởng của tỉ giá lên sự bất bình đẳng trong xã hội - Ảnh: L.N.Minh
Gia đình ông B nghèo hơn chỉ tiết kiệm được 20 triệu đồng, cũng dự trù sang năm dùng để cho con đi học đại học tư trong nước. Cả hai gửi tiền vào ngân hàng vì năm đó lãi suất đang rất cao, chừng 20%/năm. Năm sau, tiền ông A lên thành 2,4 tỉ đồng, tiền ông B lên thành 24 triệu đồng.
Cả năm đó tỉ giá hầu như không thay đổi nên ông A đổi được thành 100.000 đôla cho con đi du học mà vẫn dư ra một khoản lớn. Trường con ông B vì học phí tính bằng tiền đồng nên đã điều chỉnh theo lạm phát, học phí thay vì 20 triệu đồng nay đã tăng lên thành 30 triệu đồng, ông B méo mặt vì hụt một khoản không nhỏ.
Câu chuyện trên chỉ là giả định với những con số cố ý làm tròn cho dễ hình dung. Trong bối cảnh con số thống kê ở Việt Nam bị chê là thiếu tin cậy, tốt nhất là dùng cách “tính rợ” của dân gian. Tính nhẩm kiểu như trên cũng cho ta thấy: khi lạm phát cao mà tỉ giá không điều chỉnh theo tương ứng thì tỉ giá đó có lợi cho những ai có liên quan đến ngoại tệ và có hại cho những ai chỉ biết dùng tiền đồng.
Gia đình ông C chuyên ăn thịt bò ngoại nhập dù đắt hơn thịt bò trong nước. Năm trước ông bỏ ra 350.000 đồng mua một ký thịt bò Úc, trong khi gia đình ông D chỉ phải bỏ ra 300.000 đồng mua thịt bò dưới quê.
Qua một năm, đồng bạc mất giá, giá thịt bò trong nước lên thành 350.000 đồng, trong khi đó vì tỉ giá hầu như không thay đổi, dân nhập thịt bò Úc vẫn giữ nguyên giá bán 350.000 đồng. Nay coi như ông C lợi hơn ông D vì trả cùng giá như nhau mà được ăn thịt bò ngoại. Ông D cũng không dại, bèn chuyển sang mua thịt bò Úc luôn, thế là thị trường thịt bò trong nước ngày càng tiêu điều vì không cạnh tranh nổi.
Ví dụ thứ nhì cho thấy vì sao nhiều chuyên gia kinh tế nói chính sách tỉ giá đang làm sản xuất trong nước ngày càng kiệt quệ, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập. Cứ thử làm những phép tính tương tự sẽ thấy không một mặt hàng nào, từ đường, sữa đến cả cây tăm cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu cùng loại nếu năm nào lạm phát cũng cao mà tỉ giá vẫn được giữ hầu như cố định.
Nhìn cách khác, có thể nói lạm phát làm chi phí sản xuất ở Việt Nam tăng lên quá nhanh, làm lần lượt nhiều mặt hàng mất tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Bây giờ chúng ta nhìn vào bức tranh ngược lại để xem tình hình này tác động như thế nào với những người hoạt động xuất khẩu. Giả dụ năm này ông nông dân E bán gạo cho công ty xuất khẩu với giá 21.000 đồng/ký, tức chừng 1 USD/ký (lấy con số giả định cho dễ hình dung). Một năm sau đó, ông vẫn phải bán với cùng giá này vì giá thế giới không đổi, tỉ giá không đổi.
Trong năm đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng khoảng 25%, tức giá cả tăng thêm chừng một phần tư trong khi thu nhập ông E không đổi, biểu sao gia đình ông ngày không một nghèo thêm, bởi chỉ số giá tăng chừng đó mà chi phí cho y tế và giáo dục thường tăng vọt cao hơn nhiều lần.
Công nhân và nhân viên làm cho Nhà nước cũng nghèo như nông dân nhưng dù sao hằng năm lương còn được điều chỉnh theo sự trượt giá của đồng tiền. Còn nông dân, trừ phi bán sản phẩm cho thị trường nội địa, nếu cứ bám theo thị trường xuất khẩu sẽ chịu thiệt thòi, nhất là khi giá nông sản thế giới lại giảm.
Nói như thế không có nghĩa cổ xúy cho việc phá giá đồng tiền, dân ta mỗi khi nghe hai chữ phá giá lại càng lo ngại, lại tác động mạnh lên lạm phát, hóa ra lợi bất cập hại. Điều dễ làm nhất, mà cũng là chủ trương được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa sao cho linh hoạt, từng ngày, từng tuần chứ không phải tự nhiên làm một lần cho gây sốc.
Tỉ giá thật đang cho thấy tiền đồng đã và đang tăng giá so với đôla Mỹ, cần điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa để tỉ giá trở về đúng giá thật của nó. Vấn đề là nói linh hoạt nhưng dường như ai cũng quên, có lẽ vì để nguyên tỉ giá như thế có lợi cho người có tiền, người sử dụng nhiều hàng nhập, nhất là người nợ nước ngoài nhiều.
Thêm nữa, tỉ giá giữ nguyên trong khi lạm phát cao tạo ra một ảo tưởng là thu nhập đầu người tính bằng đôla Mỹ đang tăng nhanh, làm mọi người an tâm rằng tình hình phát triển kinh tế đang tốt đẹp.
Tình hình cứ như thế này, ông H sẽ mua được xe hơi nhập từ Nhật. Giá nay còn cao nhưng thu nhập ông H đang tăng dần theo sự mất giá của tiền đồng. Cứ đợi thêm một thời gian, lấy mớ tiền đồng mà thực chất giá trị sử dụng chưa bằng một phần so với những năm trước, đổi sang đôla (được bảo đảm tỉ giá “ổn định”), ông H sẽ có đủ tiền đô mua xe như ông A cho con đi du học mà có lẽ vẫn còn dư kha khá.
NGUYỄN VẠN PHÚ
Đánh thuế người nghèo, chia cho người giàu
Khi tỉ giá danh nghĩa của một đồng tiền so với một ngoại tệ không được điều chỉnh kịp với mức chênh lệch giữa lạm phát của nước đó và nước có ngoại tệ đang so sánh, lúc đó đồng tiền này được xem là đã lên giá thực so với ngoại tệ kia.
Ví dụ 1 đôla Mỹ ăn 21.000 đồng vào đầu năm, cuối năm vẫn giữ nguyên như thế, tưởng đâu tỉ giá được giữ ổn định (đấy là tỉ giá danh nghĩa), nhưng nếu năm đó lạm phát ở Việt Nam là 7% trong khi lạm phát ở Mỹ hầu như không đáng kể thì tỉ giá thực giữa tiền đồng và đôla Mỹ đã tăng chừng 7% (một cách ví von đã được đơn giản hóa).
Tờ Economist dùng giá của một ổ bánh mì kẹp thịt (Big Mac) tại nhiều nước khác nhau để diễn đạt một dạng tỉ giá thực của những nước này. Trong ví dụ trên, chiếc Big Mac ở Mỹ giả dụ vẫn giữ nguyên 5 đôla, trong khi ở Việt Nam, đầu năm là 40.000 đồng, cuối năm lên 50.000 đồng thì rõ ràng tỉ giá thực của tiền đồng so với đôla Mỹ đã tăng mạnh.
Một chuyên gia tài chính cho rằng việc để tỉ giá thực tăng lên chẳng khác gì đánh thuế người nghèo rồi chia cho người giàu. Theo chuyên gia này, đã có những nghiên cứu kinh tế về vấn đề ảnh hưởng của tỉ giá lên sự bất bình đẳng.
“Người nghèo thường không mua hàng ngoại nhập và có tỉ lệ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu (lương thực, y tế) cao hơn người giàu, nên khi tỉ giá thực tăng lên do lạm phát cao mà tỉ giá danh nghĩa không hay ít thay đổi thì họ bị ảnh hưởng nặng hơn nhiều người giàu” - chuyên gia này nói.
Sử dụng dữ liệu từ nhiều quốc gia, một số công trình nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ rất rõ giữa tỉ giá thực và bất bình đẳng - tỉ giá thực càng tăng mạnh thì thu nhập thực tế của người nghèo càng bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập của giới giàu có không bị ảnh hưởng mạnh như thế.
NGUYỄN VŨ
link : http://tuoitre.vn/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/585021/ti-gia-va-nguoi-ngheo.html

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Từ đầu tháng 11 đến nay, cơn lốc chào bán nhà đất dự án với giá rẻ dồn dập tiến công vào các con hẻm và đến từng hộ gia đình ở Tp.HCM. Tuy nhiên, càng vào dịp giáp Tết, người mua nhà đất càng gặp nhiều rủi ro hơn, rủi ro lớn nhất là mất sạch tiền.
Những ngày đầu tháng 12, mới ngủ dậy, rất nhiều gia đình ở Tp.HCM đã thấy tờ in 4 màu, có nhiều ảnh rất đẹp cài trước cửa, khác hẳn với những tờ rơi in xấu xí mời mua trả góp hàng điện máy, đồ dùng gia đình, chào mời cho vay tiêu dùng tin chấp, dạy học thêm...

Chào bán gây sốc về giá cả

Mở ra mới biết là tờ rơi giới thiệu và chào bán căn hộ, nền đất dự án nhà đất với giá rẻ cực sốc chưa từng có từ trước đến nay. Hiện nay, có thể nói nhà đất đang là loại hàng ế ẩm nhất trong tất cả các loại hàng có thời gian sử dụng lâu dài, giá cũng giảm thê thảm nhất, tới 50-60% trong 2 năm qua và chưa có chuyên gia nào dám khẳng định là giá đã xuống gần tới đáy vực.

Quá ế ẩm nên các chủ dự án đã thuê cả một đội quân hùng hậu chuyên môi giới chào bán hàng. Ngoài những kênh quảng cáo, bán hàng thông thường qua báo đài, qua sàn giao dịch, mở tiệc giới thiệu và mở bán dự án, đưa đón khách hàng đến thăm dự án... họ đã sử dụng thêm 3 phương tiện mới là phát tờ rơi đến tận hộ gia đình, nhắn tin hàng ngày đến hàng vạn điện thoại di động và treo băng rôn tràn ngập trên các cột điện ngoài đường và ở các chợ truyền thống. 

Cuối tháng 11/2013, nhiều dự án chào bán gây sốc mạnh về giá, căn hộ và nền đất có giá rẻ hơn nhiều một cái ôtô hạng trung bình. Dự án cao ốc 12 tầng, ngay ngã tư Bình Triệu, ven sông Sài Gòn, mặt tiền đường vành đai Tân Sơn Nhất-Bình Lợi, cách quận 1, Tp.HCM chỉ có 10 km, giao ngay sổ hồng cho khách hàng, nhận nhà ngay sau khi trả tiền, giá 659 triệu đồng/căn diện tích 40m2. 

Dự án tại khu vực sầm uất gần kề Phú Mỹ Hưng được giao bán với giá rất hấp dẫn, chỉ bằng một nửa cách đây 2 năm là Khu đô thị cảng Quốc tế, hạ tầng hoàn chỉnh 100%, sổ đỏ, đã có giấy phép xây dựng, thanh toán trong vòng 13 tháng, ngân hàng cho vay 70% thời hạn vay 15 năm, giá nền đất 68m2 chỉ có 4,5 triệu đồng/m2. 

Khu vực xa hơn trung tâm Tp.HCM có giá còn rẻ hơn rất nhiều. Dự án đất nền mặt tiền Quốc lộ 13 (cách 30m), gần sát Đại học Quốc tế tại Thủ Dầu Một Bình Dương, cách quận 1, Tp.HCM 30 km, sổ đỏ, đường nội bộ dự án rộng 25m và 36m, giá chỉ có 179 triệu đồng/nền.

Rủi ro không biết đâu mà lường

Đối với những giao dịch mua bán nhà chung cư, căn hộ dự án không nhận nhà ngay mà trả tiền theo tiến độ hoàn thành của dự án, thường gọi là góp vốn vào dự án hay giao dịch “mua bán nhà trên giấy”, tức là mua bán tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, chưa có nhà, căn hộ ở thời điểm xác lập hợp đồng. Do vậy, hình thức mua bán này có nhiều rủi nhất ro so với các phương thức khác do khách hàng luôn là người bị động và thời gian “chịu đựng” rủi ro kéo dài tới vài năm.

Rủi ro lớn nhất là khách hàng có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã nộp cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư lợi dụng hình thức huy động vốn, góp vốn vào dự án không có thật (lừa đảo) để chiếm đoạt tiền của khách hàng hoặc dự án chưa đủ điều kiện pháp lý cho phép được huy động vốn từ khách hàng. 

Rủi ro thứ hai, dự án là có thật nhưng chủ đầu tư không sử dụng nguồn tiền góp vốn của khách hàng vào triển khai dự án mà sử dụng vào mục đích khác, bị thất thoát mất khả năng thu hồi thì khách hàng cũng mất cơ hội được hoàn lại khoản tiền đã góp vào dự án. 

Trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn tiền huy động vốn của khách hàng không hiệu quả, hoặc đầu tư nhỏ giọt vào xây dựng dự án, khách hàng không được nhận bàn giao nhà đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn, tiền vốn đầu tư bị “nằm chết” tại chỗ, có thể kéo dài tới vài năm mà không có đồng lãi nào. 

Rủi ro thứ ba là khách hàng có thể không bao giờ nhận được bàn giao nhà khi chủ đầu tư dự án có thật vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, về quản lý dự án dẫn đến hậu quả bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thu hồi dự án. 

Khi bị thu hồi và giao dự án cho chủ đầu tư mới, nếu chủ đầu tư cũ không còn nguồn tiền thì khách hàng muốn được nhận nhà lại phải đóng góp tài chính cho chủ đầu tư mới và rủi ro là mất toàn bộ khoản tiền đã góp vốn ban đầu cho chủ đầu tư cũ.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa…  

I-Cả xã hội vừa bàng hoàng chứng kiến câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại: Con voi chui lọt lỗ kim.
Không bàng hoàng sao được, khi biết con voi đó là 600 bánh heroin có khối lượng 229 kg ma túy được giấu trong 12 bộ loa thùng, có giá thị trường khoảng 300 triệu USD, nghiễm nhiên và ngang nhiên chui qua các cửa kiểm soát của Hàng không Việt Nam. Chỉ khi bay tới Đài Loan, mới bị các nhà chức trách Đài Loan bắt tại trận khi hạ cánh xuống sân bay Đào Viên.

{keywords}
Dù có máy soi hiện đại vẫn để lọt ma túy. Ảnh: Anh Sinh
Một vụ buôn lậu ma túy khủng táo tợn cả về quy mô, số lượng, trị giá, táo tợn cả cách tính toán, vận chuyển theo tư duy lọc lõi, già đời - nơi nhạy cảm nhất là nơi an toàn nhất.
Một nỗi hổ thẹn của ngành hàng không VN trước con mắt người dân Việt và cả thế giới, có tầm cỡ… quốc tế. Bởi xưa nay, việc công dân giấu 1-2 gam heroin qua cửa khẩu hàng không VN là rất khó. Đã có những vụ án, thậm chí tử hình cả công dân nước ngoài vì phạm tội trong lĩnh vực này. Bởi xưa nay, người Việt đi theo đường hàng không VN bị kiểm soát chặt chẽ, đến mức ai cũng có cảm giác mình là tội phạm. Trong khi con voi tội phạm nằm chềnh ềnh lại được ưu ái tới mức khó tưởng tượng.
Nhưng khi vụ việc vỡ lở mới thấy ngành hàng không VN bị “knock out” đích đáng. Mới thấy bọn tội phạm quá tinh tường, ranh ma, nắm chắc tất cả những kẽ hở lớn mang tính “hệ thống”, từ chính sách đối với doanh nghiệp, thái độ thi hành công vụ của con người, đến kỹ thuật kiểm tra an ninh, và theo dõi, tận dụng để lên một kịch bản hoàn hảo, và ma giáo, hệt bộ phim hình sự nổi tiếng của các xứ sở Mỹ, Italia…
Có điều lúc này, cái sự đổ tại, lẩn tránh trách nhiệm, “đá” trách nhiệm, cụ thể ở đây là Cục Hải quan t/p HCM là… miễn chê. Và những câu trả lời của ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng cũng “miễn chê” nốt.
Lần lượt, các lỗi khách quan được phơi bầy: Con voi ma túy được phân trên luồng xanh- do hệ thống máy tính phân luồng miễn kiểm tra thực tế. Như vậy, tại “thằng máy tính” đầu tiên!
Vì sao máy tính phân vào luồng xanh? Tại doanh nghiệp tự kê khai trên giấy tờ. Doanh nghiệp ở đây- là thủ phạm- Công ty TNHH giao nhận vận tải Long Vân (t/p HCM), cũng thật khéo chính vào lúc này, toàn bộ lãnh đạo công ty đã….đi nước ngoài (?)
Hết tại “thằng máy tính” đến tại doanh nghiệp tự kê khai. Xưa nay, dân gian nói buôn gian bán lận, mấy ai nóibuôn ngay bán thật?
Nhưng ngay cả khi con voi ma túy đi vào luồng xanh, 12 cái loa mà nặng tới 500 kg, vẫn không một nhân viên hải quan nào thấy lạ, thì rất… lạ. Trong khi theo ông Bùi Thái Quang, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), rõ ràng có dấu hiệu bất thường, nghiệp vụ tốt, tinh tế là nhận ra ngay.

{keywords}
Số ma túy bị nhà chức trách Đài Loan bắt giữ (ảnh TQ thời báo)
Sự tinh khôn, tiếc thay không ở nghiệp vụ hải quan, mà ở câu trả lời của ông Trần Mã Thông khi ông này vẫn khẳng định chắc nịch, có điều không đúng chỗ và nói như cha ông khôn quá hóa dại”: Hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất đã làm đúng quy trình, hết trách nhiệm.
Như vậy, chỉ có nhà chức trách Đài Loan, làm …sai quy trình. Và giờ phải có trách nhiệm?
Việc đúng quy trình của hải quan ở sân bay TSN, lại có sự hỗ trợ tích cực của… chiếc máy soi hiện đại, trị giá 1,2 tỷ USD (25 tỷ đồng VN) thuộc an ninh sân bay, khi bất ngờ nó bị “đột quỵ”- theo cách nói của Lao động online (ngày 03/12). Ngẫu nhiên hay được xếp đặt? Đây là câu hỏi dành cho cơ quan điều tra, và cho chính an ninh sân bay?
Việc “đột quỵ” bất thường của chiếc máy soi 25 tỷ làm vỡ ra bao nhiêu bệnh tật khác.
Chiếc máy soi được Cty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất nhập khẩu về từ năm 2011. Đi kèm với chiếc máy soi giá “khủng”- 1,2 triệu USD, là việc phải thuê các chuyên gia nước ngoài sang bảo trì, sửa chữa, tốn tiền cho cán bộ ra nước ngoài để đào tạo nhằm về vận hành hệ thống quản lý phần mềm. Vậy nhưng nó đã ngã bệnh đúng lúc phải thi hành bổn phận.
Chiếc máy soi khủng bị bệnh hay con người "mắc bệnh", vẫn là câu hỏi bí ẩn cần được cơ quan chức năng giải mã. Và quan trọng không kém, cần giải mã cả vụ vì sao con voi ma túy nhập khẩu bằng con đường “chặt chẽ” nào mà lọt lỗ kim cả hai đầu. Đầu ra đã rõ, còn đầu vào? Vì sao?
Rồi đây, con voi ma túy sẽ được phẫu thuật để tìm ra bệnh tật của… con người. Nhưng những lời khẳng định về hết trách nhiệm của ông Trần Mã Thông lại được chính những quan chức trong ngành cho rằng chưa hết trách nhiệm.
Bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam: Ngành hải quan nói ưu tiên cho xuất khẩu, dùng hệ thống máy tính để phân loại theo luồng xanh, đỏ, vàng rồi không kiểm tra hàng hóa, đẩy toàn bộ trách nhiệm cho lực lượng an ninh sân bay là cần phải xem xét lại.
Ông Bùi Thái Quang, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan): Rõ ràng việc thu thập thông tin về doanh nghiệp, hải quan làm chưa tốt. Hải quan đã đánh giá chưa sâu nên bỏ sót, bỏ lọt…. Hải quan không đủ năng lực phát hiện sai phạm khi hệ thống của hải quan vẫn phân ma túy vào luồng xanh. Rõ ràng hải quan cũng có trách nhiệm ở đây.
Rõ ràng là ông Trần Mã Thông đã không “quán triệt” được lời dạy của người xưa về cái sự phát ngôn- nênuốn lưỡi bẩy lần trước khi nói.
IICon voi ma túy đáng sợ vì sức tàn phá kinh khủng của nó. Nhưng có một con vật bé tý cũng đáng sợ không kém. Đó là con chuột tham nhũng. Trái với hình hài bé tẹo, chuột tham nhũng thông thường phải có quyền lực- quyền lực nghề nghiệp và quyền lực chức vụ. Quyền lực càng to, tham nhũng càng có cơ hội lớn. Đó như là quy luật.
Ngay vụ con voi ma túy mới đây, trả lời phỏng vấn của báo giới, Trung tướng Nguyễn Quốc thước, nguyên Tư lệnh QK IV, ĐBQH khóa VIII, IX, X nói thẳng: Chẳng có lý do gì, các cơ quan chức năng Đài Loan có thể phát hiện ra số lượng ma túy khổng lồ như vậy mà hải quan Việt Nam lại dễ dàng “bó tay”. Có lẽ, trong vụ việc này không phải do nghiệp vụ của các nhân viên hải quan yếu kém mà có nghi vấn họ “móc ngoặc” với tội phạm để “làm ăn”.
Nghề nghiệp trong thời kim tiền này, bỗng trở thành “lửa thử phẩm chất” nhưng lại chẳng mấy khi gặp được… vàng? Điều này càng rõ, khi mới đây, nghiên cứu của Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2013 (VBF) công bố cho thấy 04 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là: Hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai, trong đó đứng nhất vẫn là hải quan. Số người được VBF khảo sát lựa chọn theo tỷ lệ là- hải quan 55,2%, thuế 46,2% và quản lý đất đai là 39,8%.
Ở tầm vĩ mô, người đứng đầu nước Việt, khi tiếp xúc tiếp xúc với các cử tri Q. 01, và 03 cho biết, TƯ đã tổ chức 08 đoàn đi kiểm tra và phát hiện trên 60 vụ tham nhũng tiếp tục điều tra xử lý và 08 vụ đang xử. Như vậy, có hơn 60 ổ tham nhũng đã được phát hiện và lâu dài sẽ được xử lý. Dù vậy, xét cho cùng, đó cũng vẫn chỉ là những ổ chuột bị lộ trong số những ổ chưa bị lộ mà thôi. Những ổ chuột góp phần tích cực đẩy nước Việt trong xếp hạng tham nhũng lên… khá cao.
Điều này có liên quan gì đến những đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank)- kinh tế VN vẫn đang trì trệ, tăng trưởng ở mức thấp không? Đặc biệt là những trở ngại ngắn hạn, do khu vực tư nhân giảm mạnh mức đầu tư, từ 15% GDP (giai đoạn 2007-2010) xuống khoảng 11,5% GDP năm 2013. Ở tầm dài hạn, do sự phân loại sở hữu nhà nước chưa rõ ràng, mục tiêu các DNNN chưa thực tế, nhất là cải cách khu vực ngân hàng mong manh, nợ xấu còn cao… Chỉ tiếc, vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu và chỉ ra được, tham nhũng đã “ăn mòn” nền kinh tế như thế nào?
Mặt khác, sự phát triển và hội nhập đòi hỏi kinh tế VN không thể nương tựa mãi vào… xâu cá ODA của quốc tế, mà phải quen dần tâm lý nhận cần câu. Đó chính là quan điểm rõ ràng của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tại cuộc họp báo về Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) khi ông cho rằng Việt Nam phải chuyển từ viện trợ không hoàn lại sang các khoản vay lãi suất thấp hơn, rồi chuyển sang các khoản vay thương mại bình thường.
Đó cũng là con đường tất yếu mà các nước mới thoát khỏi “bẫy trung bình” cần phải đi. Chưa kể, bám vào các ODA này, không loại trừ rất nhiều, rất nhiều các “bào thai” sinh nở ra loài vật bé tý mà sức gặm nhấm khủng khiếp.
Cũng tại phiên họp kết thúc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) trưa 5/12, người đứng đầu Chính phủ đã cam kết sẽ tập trung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu mạnh mẽ ngân hàng. Đặc biệt công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN, thực hiện hiệu quả việc phòng chống tham nhũng, xử lý những sai phạm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Những buồn vui trong kinh tế sẽ được hồi âm trong những tháng năm sắp tới. Nhưng thực tiễn, tại sao tâm lý người dân chưa tin vào các cuộc diệt trừ các ổ tham nhũng? Như ông Cao Giang, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Thanh Niên, người có 43 tuổi Đảng, nhận xét “Xử tham nhũng như trò đùa” (Kienthuc.net.vn, ngày 17/09), khi thống kê của Thanh tra CP, 08 tháng đầu năm đã có 36 người đứng đầu bị xử lý liên quan đến tham nhũng, trong đó chỉ có 04 người bị xử lý hình sự, còn lại là thuyên chuyển công tác, hạ chức vụ.

{keywords}
Ảnh minh họa: Dân trí
Còn người trong giới luật, như luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp UB Kiểm tra Trung ương, thì cho rằng 10 đại án tham nhũng xử sắp tới đây, vẫn là “cú đấm bịch bông”? (Kienthuc.net.vn, ngày 05/12): Bởi cứ đụng đến ông này lại phải xin ý kiến ông kia, thì làm sao mà làm nổi?
Xã hội ta từ lâu luôn để cao câu khẩu hiện về “pháp trị” nhưng thực tế cách quản lý xã hội vẫn còn mang đậm tinh thần “nhân trị”. Tinh thần “nhân trị” này thấm… êm ái mà sâu nặng vào ngay trong những chủ trương tưởng rất khoa học, khách quan. Đó là công khai, minh bạch tài sản của các đối tượng thuộc diện có cơ hội và nguy cơ tham nhũng cao. Chính Ts Cao sĩ Kiêm, chuyên gia kinh tế, khi trả lời phỏng vấn về Thông tư 08 “hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập” cũng phải nói thẳng, kê khai tài sản rồi để đấy thì không giải quyết được gì.
Bởi cái gốc của vấn đề chính là cung cách quản lý các khoản thu nhập nổi và chìm, đều không có cơ sở pháp lý, không có chế tài kiểm soát, không nắm được nguồn gốc tài sản. Trong khi, việc chống tham nhũng không phụ thuộc vào ý chí con người hô hào bằng các khẩu hiệu, càng không phụ thuộc vào đức tính tự giác của những kẻ tham lam, tham nhũng. Mà phải kiểm soát bằng một thể chế, cơ chế quản trị hành pháp, lập pháp, tư pháp minh bạch, rõ ràng.
Đó cũng là cái “cần câu” vĩ mô "câu" những con chuột tham nhũng khôn ranh. Nếu không trên cái hành trình chống tham nhũng gian khó, người Việt đi mãi, đi mãi, và bắt gặp ở cuối con đường chữ … botay.com?
Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa, chưa xây dựng được nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Chừng đó, người Việt còn tiếp tục đọc tiểu thuyết hiện đại “tham nhũng diễn nghĩa”…với những hồi, chương, lớp lang vừa đầy kịch tính, vừa đau đớn
Đó mới là bi kịch của nước Việt.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Chuyện đuôi rắn dẫn đường và bài học dùng người

Cau chuyen ran dan duong
Một hôm, đang trong lúc con rắn nằm cuộn tròn sửi nắng, thì đuôi rắn vùng dậy và nói với đầu rắn “Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi. Tôi sẽ không chịu để người khác chi phối nữa. Cậu hễ cứ muốn đi đâu thì tôi phải theo đó, chẳng thèm hỏi tôi đến 1 tiếng xem tôi có muốn không. Tôi sẽ không đi theo cậu nữa đâu!”
“Tự nhiên đã an bài thế rồi. Nếu như cậu đã có ý kiến vậy, thì bi giờ cậu muốn thế nào?” Đầu rắn hỏi.
“Tôi đã đi theo cậu rất lâu rồi, bi giờ đổi lại, để cho công bằng, cậu phải cho tôi dẫn đường, còn cậu đi theo tôi”.
“Nhưng cậu làm gì có mắt, có mũi? Làm sao cậu có thể dẫn đường được?”
“Điều đó cậu không cần lo. Cứ cho tôi thử 1 lần thôi, cậu sẽ thấy mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả”.
Có lẽ do chiếc đầu rắn đang buồn ngủ nên nó chẳng muốn tranh cãi với chiếc đuôi, hoặc cũng có thể nó hiếu kì, muốn biết sự việc như thế nào, nên đã đồng ý cho chiếc đuôi dẫn đường. Chiếc đuôi rắn đạt được nguyện vọng, nên rất vui, và bắt đầu công cuộc dẫn mình và đầu rắn lên đường.
Chiếc đuôi hùng hục kéo mình và đầu rắn lao về phía trước, nhưng thật đáng thương, cả đầu và mình rắn bị những cạnh đá sắc nhọn cào chảy máu hết khắp nơi. Và cuối cùng, do không thấy đường, nên chiếc đuôi đã kéo cả con rắn rơi xuống vách núi sâu. “Cứu với, đầu rắn ơi, tôi sẽ không làm như vậy nữa đâu!”. Nhưng đến giờ, chiếc đầu rắn chỉ còn biết lắc đầu trong sự bất lực.
Đến lúc này, chiếc đuôi và đầu rắn mới hiểu rằng, không phải ai cũng làm được công việc dẫn đường.
Lời bình:
Đuôi rắn muốn làm người lãnh đạo, trong khi chẳng có tố chất nào của người lãnh đạo cả, không có mắt, mũi, để phân biệt và xác định rõ hướng đi. Kết quả cuối cùng mà nó đem lại là tai họa cho cả con rắn. Trong việc này, lỗi một phần lớn cũng nằm ở phía đầu rắn, vì không đánh giá được năng lực của đuôi rắn.
Trong môi trường kinh doanh, việc đánh giá được năng lực nhân viên là tối quan trọng. Nhà lãnh đạo cần phải đánh giá được đúng các tố chất và năng lực tiềm ẩn, cũng như hạn chế của nhân viên, dựa trên việc đánh giá kết quả các công việc đã thực hiện. Đánh giá công việc không chỉ dừng lại ở việc thưởng phạt, đãi ngộ, mà còn liên quan trực tiếp tới việc phát triển con người.
(Theo Bản tin Tinh Hoa)

Câu chuyện con ếch

Câu chuyện con ếch
Có một câu chuyện cũ về con ếch bị luộc.
Nếu bạn đặt một con ếch thông minh và khỏe mạnh vào trong chảo nước nóng, nó sẽ làm gì? Nhảy ra! Ngay lập tức con ếch quyết định: “Khiếp quá – mình đi thôi!”.
Nhưng nếu bạn bỏ con ếch đó vào chảo nước lạnh, đặt chảo nước đó lên bếp và đun sôi từ từ. Điều gì sẽ xảy ra? Con ếch thư giãn và còn tỏ vẻ thích thú khi nước ấm lên dần. Chẳng bao lâu con ếch sẽ xụi dần cho đến khi không leo ra khỏi chảo được nữa.
Câu chuyện này nói lên điều gì? Khi sự thay đổi không diễn ra tức thì, con ếch sẽ không chú ý cho đến khi quá trễ!
CÂU HỎI – Nếu đột nhiên sáng mai thức dậy, bạn thừa 20kg, bạn có lo không? Dĩ nhiên là có! Bạn sẽ gọi điện đến bệnh viện: “Hãy giúp tôi với! Tôi bị béo phì!” Nhưng khi sự việc diễn ra dần dần, tháng này tăng 1kg, tháng tới tăng 1kg, chúng ta sẽ không nhận ra cho đến một ngày thình lình lại thấy mình mập 20kg.
Khi bạn châm thủng ngân sách 10 đôla một ngày, chuyện nhỏ. Nhưng nếu ngày nào cũng tiêu quá mức cho phép như thế cuối cùng bạn sẽ bị cháy túi. Những người cháy túi, tăng cân, thi trượt thường xem đây là một tai họa lớn, mọi việc họ cứ lờ đi cho đến một ngày “bumm” và họ tự hỏi rằng: “Chuyện gì đã xảy ra thế này?”
Nhiều việc nhỏ sẽ thành chuyện lớn – nước chảy đá mòn. Câu chuyện con ếch khuyên chúng ta nên nhìn ra các khuynh hướng. Mỗi ngày, chúng ta phải tự hỏi: “Mình đang hướng đến đâu? Mình có khỏe hơn, săn chắc hơn, hạnh phúc hơn và thịnh vượng hơn năm ngoái không?” Nếu không, chúng ta cần thay đổi việc mình đang làm.
Mọi sự vật luôn chuyển động. Hoặc bạn đạt được hoặc bạn để vuột mất.
ANDREW MATTHEWS

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013


Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp đến, đây có thể là một cái Tết buồn cho rất nhiều đại gia, nhưng điều đó vẫn chưa chấm dứt. Đó là cái giá phải trả cho phe nhóm, lợi ích nhóm, cái giá phải trả cho nạn tham nhũng đã nên đến cực điểm, xã hội xuống cấp.
Tết Ất Mùi 2015 sẽ còn là một cái Tết đánh dấu một vết đen trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam và đó cũng là bước ngặt cho một sự lột xác, một hạt mầm mới nảy sinh, nó sẽ cho sức sống mới, là điểm khởi đầu mới.
Nói theo toán học, đó là điểm cực tiểu, đó mới là đáy của giai đoạn suy thoái kinh tế này.
Nguyên nhân dẫn đến cơ sự như vậy cũng không gì khác là sự ngu dốt của phe nhóm lợi ích, phe nhóm tham nhũng.
Thường thì người tài giỏi thực sự lại hay có tâm, có đức. Những người này được sử dụng rất ít, chỉ những kẻ ngu dốt, bất tài thì lại vô tâm, thất đức, độc ác, và như vậy sự đi xuống một chiều cũng là điều dễ hiểu, bởi cùng với những tật xấu đó, cộng thêm với tính bảo thủ và luôn muốn nghe những lời nịch hót, vì vậy những con người này sẽ không biết đâu là lời nói thật đâu là giả của những người đã tham mưu, tư vấn cho nhóm người này, vì họ luôn muốn nghe những lời nói hay, không muốn ai chê mình vì vậy họ dễ mắc vào bẫy nguy hiểm mà họ không bao giờ biết.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị 5 hòn đá tảng đè nặng lên đầu nền kinh tế và làm cho nó không thể ngóc nên được, cùng với sự suy yếu của nền kinh tế thì thời điểm cuối năm 2014 sẽ là thời điểm mà sức chịu đựng không thể được nữa, nó sẽ dẫn đến một sự lột xác, đó là thời điểm các xác chết chính thức biến mất và khởi đầu cho những mầm non mới.
Tôi xin đưa ra những nhận định để mọi người cùng tham khảo:
1. Nợ xấu ngân hàng (hòn đá tảng lớn nhất) sẽ tiếp tục gây trầm trọng thêm cho sức khỏe yếu ớt của nền kinh tế. Hiện nay VAMC đang tập trung vào mua nợ xấu, nhưng cơ chế để hình thành thị trường mua – bán nợ xấu chưa có, vì vậy Ngân hàng Nhà nước và VAMC đang lừa dối người dân (chủ yếu là người gửi tiền) là Ngân hàng Nhà nước và VAMC đang xử lý nợ xấu (đang mua nợ xấu), và lấy lý do như vậy tiền lại được bơm từ Ngân hàng Nhà nước cho các Ngân hàng thương mại, như vậy tiền sẽ được thả tự do (không được quản lý, quản trị rủi ro đầy đủ, hoặc thậm chí ngân hàng thương mại cũng không có quyền, nếu cố cưỡng lại sẽ bị ngân hàng Nhà nước ép phải thả tiền ra (việc họp G14 là để ép các ngân hàng thương mại phải nới lỏng điều kiện cho vay, như vậy rủi ro là vô cùng lớn), hiện tượng nợ xấu chồng nợ xấu là điều hiển nhiên. Ngân hàng Nhà nước đang vì cái cớ danh dự hão huyền (mong muốn đạt được mốc tăng trưởng tín dụng 12%/năm 2013) mà phải đổi lấy sự phá sản của hàng loạt ngân hàng thương mại (tất nhiên là sẽ không phá sản ngay tức khắc, nhưng nếu các ngân hàng thương mại bị ép và tiếp tục quản trị rủi ro như hiện nay, nó sẽ là liều thuốc độc tiêm thêm vào cơ thể con bệnh đang ốm yếu, liều thuốc đó sẽ làm con bệnh có thể 01 năm nữa mới chết, hoặc 2 năm nữa mới chết, lúc đó những cán bộ cao cấp của Ngân hàng nhà nước hay VAMC cũng đã hạ cánh an toàn. Chỉ có nền kinh tế là chịu thêm suy thoái do gáng nặng nợ xấu chồng chất thêm. Cuối cùng vẫn là người dân và doanh nghiệp chịu hết.
2. Nợ Công đến 95% (đó là số tương đối), còn số tuyệt đối đến nay (sau hàng nghìn bài viết, hàng nghìn phát biểu của các người lãnh đạo cao nhất trong các bộ ngành (Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng NN hay Ủy ban Giám sát tài chính QG… chưa ai đưa ra được con số tuyệt đối là bao nhiêu tỷ USD? Có thể do cách tính Nợ công của Việt Nam là một mình một kiểu trên thế giới, vì vậy không ai có con số chính xác, theo tôi dự đoán số tuyệt đối là khoảng 115 tỷ USD. Bởi vì GDP của Việt Nam tính theo giá thực tế thì giá USD cũng là thực tế, không phải tính theo giá so sánh năm 2010. Vì vậy GDP của VN theo giá thực tế sẽ vào khoảng 130 tỷ USD, cách tính quy đổi ngang giá vào khoảng gần 300 tỷ USD.
Chỉ tính tiền lãi vay với lãi xuất 4%/năm thì mỗi năm Việt Nam cũng phải trả từ 4 – 5 tỷ USD tiền lãi (chưa tính tiền gốc), có thể một số khoản vay có thời hạn trả nợ dài nên chưa đến thời điểm trả, nhưng một số khoản vay cũng sắp đến thời điểm phải trả gốc. Vậy là người dân VN sẽ còng lưng làm để trả nợ.
Cũng phải nói rất hài hước là kiểu “gia đình Việt Nam” nói về nợ của doanh nghiệp Nhà nước rằng Nhà nước không chịu trách nhiệm về khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh. Nói như vậy khác nào một Ông bố nói với cô giáo chủ nhiệm lớp tiểu học rằng: “tôi không chịu trách nhiệm nộp tiền học phí cho thằng con lớp 2 của tôi”. Vậy Doanh nghiệp Nhà nước là gì? Tại sao lại gọi là Doanh nghiệp Nhà nước? mà không gọi là Doanh nghiệp tư nhân, hay Công ty cổ phần… Ai bổ nhiệm Ông Chủ tịch Hội đồng thành viên và các Ủy viên của DN nhà nước đó? Ai đẻ ra nó? Ai cấp vốn cho nó? Ai cấp đất đai, nhà xưởng cho nó? Ai xây dựng chơ chế hoạt động, điều lệ (luật Doanh nghiệp)? ai đẻ ra cơ chế đó?… Không ông Bố vô trách nhiệm Nhà nước thì ai vào đây? Vậy Ông lại bảo Ông không chịu trách nhiệm về khoản vay của DN Nhà nước thì ai chịu, chắc là Ông Trời chịu, nhưng có một điều hiển nhiên là người dân nộp thuế sẽ chịu. Ông Nhà nước không phải một Ông nào đó vô hình, mà nó là những con người cụ thể, với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm thì chắc chắn là phải có một người đứng đầu của một cơ quan quản lý Doanh nghiệp Nhà nước đó phải chịu trách nhiệm về việc đó (nếu là Chính phủ thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm, nếu là Bộ chủ quản thì Doanh nghiệp thuộc Bộ nào quản lý thì Bộ trưởng Bộ đó phải chịu trách nhiệm), đừng nói là Ông Bộ trưởng trước làm, tôi mới kế vị tôi không chịu trách nhiệm, bởi vì Ông đã nhận bàn giao từ Ông Bộ trưởng khóa trước thì Ông đang chức phải chịu trách nhiệm, nếu không thì Ông đừng có mà nhận bàn giao, phải quy trách nhiệm trước khi cho Ông Bộ trưởng khóa trước nghỉ hưu, thậm trí truy ngược lại.
Cấu nói là Nợ của Doanh nghiệp Nhà nước không được chính phủ bảo lãnh thì không tính là nợ công là vô trách nhiệm, như vậy còn mặt mũi nào nhìn bạn bè quốc tế, họ sẽ không bao giờ cho Doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam vay tiền nữa, như vậy Ông Nhà nước lại dùng mệnh lệnh để ra lệnh cho các ngân hàng thương mại cổ phẩn (51%) vốn Nhà nước phải cho các DN Nhà nước vay tiền, rồi lại phủi tay không chịu trách nhiệm, nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần cũng có 51% vốn của Nhà nước (do Nhà nước in tiền ra), nhưng số tiền đó cũng đã trở thành nợ xấu từ lâu rồi, bây giờ chỉ còn lại 49% vốn của cổ đông, nhưng cổ đông cũng hết rồi (vì các DN sân sau của ông chủ Ngân hàng), vậy cuối cùng là vốn huy động của người dân gửi tiền (vậy thử hỏi xem có nguy hiểm với đồng tiền của người dân gửi trong ngân hàng không? Trong khi bảo hiểm tiền gửi của VN không có hoặc có thể ở mức 20 triệu đồng (ai gửi 20 tỷ lúc ngân hàng phá sản lấy 20 triệu về mua quan tài).
Trở lại với cách tính nợ công, VN chỉ công nhận Chính phủ vay nước ngoài và các khoản vay của DN Nhà nước của nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh là tính vào nợ công, còn các khoản khác như: Nợ đọng xây dựng cơ bản 42.000 tỷ (con số mới nhất), trước đó là 90.000 tỷ, nhưng có thể 48.000 tỷ đã được đẩy trách nhiệm cho chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, vì con số trước đó là 90.000 tỷ là chính xác, nhưng hiện nay chỉ có 42.000 tỷ là do Chính phủ chấp nhận đầu tư, các dự án do Chính phủ giao thì Chính phủ chịu, còn lại 48.000 tỷ do UBND các tỉnh, thành phố tự quyết thì tự phải lo để trả, Chính phủ Trung ương lại vô trách nhiệm với Chính phủ địa phương. Chưa kể nợ tiền vay của các DN Nhà nước mà Chính phủ không bảo lãnh vì vậy Nhà nước vô trách nhiệm như đã nói ở trên…
3. Tình hình lãng phí trong đầu tư Công là một hòn đá tảng không nhỏ đè nặng nền kinh tế, vừa qua Quốc hội đã nhất trí cho phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (đi vay) và Nâng trần bội chi ngân sách NN từ 4,8 nên 5,3% GDP, tức là Chính phủ muốn có nhiều tiền để tiếp tục tăng đầu tư công chiếm 31% GDP. Nhưng Trái phiếu Chính phủ vẫn phải trả lãi, và lãi suất do phát hành trái phiếu là rất cao, thậm chí cao gấp 2 lần lãi tiền vay của các tổ chức tín dụng Quốc tế, vậy ai sẽ chịu trả lãi tiền vay do phát hành trái phiếu Chính phủ, vẫn là tiền từ các ngân hàng thương mại cổ phần, cuối cùng vẫn là người dân phải chịu, vì có vay là có trả.
Tình hình lãnh phí hiện nay không đầu tư dàn trải kiểu mỗi người dân một chút hưởng lợi từ những công trình bé tí tẹo nữa, mà đầu tư của Chính phủ đã nhắm đến những công trình hàng nghìn tỷ, thậm chí 1,4 tỷ USD mới khởi công ngày hôm qua (24.11) và như vậy tiền hoa hồng cũng thu được thành món, thành miếng to lớn hơn, không phải nhặt nhạnh vài tỷ tiền hoa hồng nữa, mà nhận luôn vài triệu đến vài chục triệu USD.
4. Vấn đề nhóm lợi ích bị chết kỹ trong BĐS, trong đó có dính đến quan tham, vì vậy hiện nay đang dùng chính sách trì hoãn Nợ xấu, với mong muốn sau 5 năm (mua nợ xấu) và đẩy nợ ra khỏi bảng cân đối tài sản (sổ sách) của các ngân hàng thương mại thì đến 5 năm sau, nếu không xử lý được cũng hy vọng BĐS tăng giá và sẽ bán được với giá cao và xử lý thành công. Nhưng thử hỏi, nền kinh tế vận hành theo kiểu này, không chết nhanh mới là chuyện lạ! Phải biết rằng nếu nền kinh tế bị số ít các DN độc quyền (theo phe nhóm, nhóm lợi ích) việc cạnh tranh không có, việc quản lý, quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN đó lại càng xa xút vì cơ chế xin cho (nhóm lợi ích), vì vậy nền kinh tế càng yếu kém, càng thiếu sức cạnh tranh, trong khi cam kết khi gia nhập WTO, TTP… là phải thực hiện đúng, lúc đó sức cạnh tranh không có thì nền kinh tế VN là nền kinh tế làm thuê cho nước ngoài, không có quyền lựa chọn, thua ngay trên sân nhà…
Với nền kinh tế yếu kém như vậy, tiền cũng không được dàn đều cho người dân, tức là tầng lớp trung lưu sẽ ít hơn, hoặc bị giảm thu nhập, mà thu nhập cao, siêu cao sẽ dồn về một số rất ít các ông chủ (nhóm lợi ích), khi nhóm tầng lớp trung lưu ít đi, tức là sức mua giảm, hàng tồn kho lại tăng, và BĐS tiếp tục đóng băng lâu dài và bền bỉ, có thể đóng băng đến 2020. Như vậy nền kinh tế lại tiếp tục suy thoái sâu hơn vì vấn đề hiệu quả đầu tư công vẫn là một bài toán vô cùng nan giải.
5. Việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn dậm chân tại chỗ, đó là một sự tụt hậu đã nhìn thấy ngày càng rõ hơn cho đất nước. Khi nền kinh tế dựa trên đầu tư công mà không dựa vào nền tảng là sản xuất hàng hóa thì mục tiêu của ĐH Đảng XI là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại sẽ không bao giờ có từ đó. Cũng biết rằng mục tiêu đó không đạt được vì vậy Đảng mới đề ra mục tiêu dùng cụm từ “cơ bản” vậy thế nào là cơ bản? cơ bản có khá hơn hiện nay không? Hay sau này không đạt được rồi lại nói là thế này là cơ bản rồi còn gì!
Tóm lại là đất nước sẽ chìm vì nạn tham nhũng, hiện nay tham nhũng đã bắt tay nhau thành lợi ích nhóm và nguy hiểm vô cùng, nó sẽ hủy hoại đất nước nhanh hơn, có thể sau 3 năm nữa chúng ta sẽ nhìn thấy cảnh của những năm 1980 – 1981.

Link : http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/ci-gi-kinh-vit-nam.html#comment-65147

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Học để làm gì?
Tác giả: T/S Giáp Văn Dương (Tuổi Trẻ 12/11/2013)

Nếu muốn cải cách giáo dục thật sự, trước hết cần làm rõ mục đích của việc học bằng cách trả lời câu hỏi: Học để làm gì?
Con người là một động vật kỳ lạ khi phải dành đến hàng chục năm để đi học mới có thể lo cho cuộc sống của mình ở mức trung bình. Điều này hoàn toàn khác với các động vật khác khi hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần như ngay khi mới ra đời.
Suốt đời đi thi
Việc học không chỉ ngày nay mới có mà có truyền thống lâu đời từ rất xa xưa. Với VN, việc học trở thành một hoạt động chính quy của xã hội xuất hiện ít nhất đã gần 1.000 năm, nếu lấy mốc là khi Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng.
Vậy với người xưa: Học để làm gì?
Nhìn vào cách thức tổ chức học tập và thi cử có thể thấy rằng ngày xưa học là để làm quan. Mục đích chính của việc học là để ra ứng thí, nếu đỗ đạt thành ông nghè ông cử sẽ được bổ nhiệm làm quan. Nếu thi rớt chờ khóa sau thi lại. Chính vì thế mới có người suốt đời đi thi, hoặc cả bố cả con đều thi cùng một khóa.
Vì sao vậy? Vì đó là cách thức tiến thân và khẳng định mình nhanh nhất và duy nhất trong xã hội phong kiến với thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” được phân định rõ ràng. Đó là một đầu tư lớn, một khát vọng đổi đời cháy bỏng, nhiều khi vượt qua cả các nhu cầu sinh lý thông thường. Vì thế mới có chuyện “chàng chưa thi đỗ thì chưa động phòng”, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “võng anh đi trước võng nàng theo sau”…
Chính mục đích học để làm quan này đã chi phối toàn bộ nội dung học tập, thi cử và phương pháp học tập đi kèm. Đơn cử có thể thấy do học để làm quan nên nội dung học chỉ để đi thi. Ngay cả với những người “sôi kinh nấu sử” trong suốt hàng chục năm thì nội dung cũng không vượt quá khỏi bộ Tứ thư, Ngũ kinh và một số kỹ năng thơ phú điển hình. Lý do thật đơn giản: đề thi chỉ xoay quanh các tài liệu và kỹ năng này.
Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy trọng tâm xuyên suốt của việc học thời đó là học ứng xử, tất nhiên là giữa người với người, sao cho phù hợp với trật tự xã hội phong kiến. Chính vì thế mới có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây hiển nhiên là về phép tắc ứng xử, nhưng còn văn? Văn ở đây, tức phần nội dung, cũng phần nhiều là nội dung của ứng xử trong các tình huống cụ thể.
Khẩu hiệu này hiện vẫn còn phổ biến trong các trường học. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt trong ứng xử giữa người và người, lại càng làm cho khẩu hiệu này có thêm lý do tồn tại.
Không biết học để làm gì
Tháng 6 đến 8-2013, tôi có dịp khảo sát bằng cách hỏi trực tiếp các em học sinh từ cấp trung học cơ sở (khoảng 80 em) đến sinh viên đại học (khoảng 100 em), và một số phụ huynh nhân dịp con em họ thi đại học (100 phụ huynh), với câu hỏi “Học để làm gì?”, thì câu trả lời rơi vào các nhóm như sau:
* Không biết học để làm gì. Học vì bố mẹ bảo học. Học vì tất cả mọi người đều như vậy. Học vì không biết làm gì khác. Đây là trường hợp phổ biến với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, chiếm trên 80%, và một phần lớn trong sinh viên, khoảng 50%.
* Học để có công ăn việc làm. Học để kiếm tiền. Đây là câu trả lời phổ biến của sinh viên đại học, chiếm 40-50%, và một phần nhỏ của học sinh phổ thông trung học, khoảng 20-25%.
* Học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. Đây là câu trả lời của phần lớn phụ huynh trong kỳ thi đại học vừa rồi, chiếm 80-90%.
* Học để mở mang hiểu biết. Đây là câu trả lời chung trong các nhóm khác nhau, chiếm 5-10%, tùy theo nhóm.
* Học để tự hoàn thiện mình. Đây là câu trả lời của một vài trường hợp cá biệt, tỉ lệ 2-4%, tùy theo nhóm.
Như vậy có thể thấy phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, có địa vị trong xã hội.
Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, có công ăn việc làm chiếm khoảng một nửa, còn lại là không có bất cứ mục tiêu nào.
Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến hơn 95% cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.
Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý: vì một đầu tư lớn như vậy về thời gian và tiền bạc mà mục đích lại không rõ ràng. Đấy là với phạm vi của cá nhân và gia đình. Với hệ thống giáo dục liên hệ đến hàng chục triệu người, thì tính hướng đích của hệ thống cũng rất mờ nhạt. Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: để làm gì?
Làm chủ cuộc đời
Học để làm gì thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, Ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một báo cáo có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).
Như vậy, UNESCO đã xây dựng bốn trụ cột cho việc học, và lấy đó làm định hướng cho giáo dục của thiên niên kỷ mới. Cái học để ứng xử của người xưa nay chỉ còn là một phần trong quan niệm của UNESCO: học để chung sống với người khác. Còn quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong phụ huynh và sinh viên đại học hiện nay thì cũng chỉ nằm ở một góc khác: học để làm.
Hai trụ cột khác rất quan trọng: học để biết và để xác lập bản thân mình thì hiện ra rất mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, cái học để biết đã biến dạng thành học để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên. Điều này dẫn đến một thực tế rất bi hài, nhưng lại là gam màu chủ đạo trong giáo dục hiện thời: học không biết để làm gì, hoặc học để thi nhưng thi rồi cũng không biết để làm gì. Tất cả quay cuồng trong một cơn học và dạy không mục đích, không khai sáng.
Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” của UNESCO là một câu trả lời hay, nhưng không phải duy nhất. Trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau (VN, Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore), tôi rút ra một điều rằng: học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, và thông qua đó giúp họ làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình mới là mục đích của việc học. Khi đã phát triển tốt nhất năng lực của bản thân mình, tìm thấy được ý nghĩa của đời sống mình thì tự động họ sẽ đóng góp cho xã hội như một hệ quả.

link : http://tuoitre.vn/Giao-duc/579663/ho%CC%A3c-de%CC%89-la%CC%80m-gi%CC%80.html

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013


Tuan Viet Nam – “Việt Nam nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì” – GS Nguyễn Văn Tuấn.
LTS:  Ngày 20/11 sắp đến gần cũng là lúc câu chuyện về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được nhiều diễn đàn mổ xẻ. Trong cuộc trò chuyện mới đây với Tuần Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc liên tục nhắc tới cụm từ “tự do học thuật” như một tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt giáo dục Đại học.
Không có “tự do theo định hướng”
Dưới góc nhìn của mình, ông giải thích thế nào về việc chất lượng các trường Đại học của ta hiện nay chỉ “làng nhàng”?
- Một môi trường cởi mở với những ý tưởng mới và năng động, có sự tương tác chính là một môi trường kích thích sáng tạo cao nhất. Trong đó, người làm nghiên cứu hay giảng dạy được đảm bảo quyền tự do chọn lựa và theo đuổi chủ đề của mình mà không bị can thiệp.
Đó là yếu tố mà giới khoa bảng quen gọi là tự do học thuật.
Ngày nay, dù đây đó vẫn còn tranh cãi về phạm vi, nhưng tự do học thuật được xem là giá trị cốt lõi của các trường Đại học tiên tiến, là một trong những thước đo về tiến bộ của một xã hội.
Với hệ quy chiếu nói trên, thì có thể phần nào hiểu được lý do vì sao chất lượng ở các trường ĐH ở ta nói chung vẫn còn thấp.
Chúng ta biết rằng hiện nay chỉ có khoảng 14% trong số 61.672 giảng viên đại học có bằng tiến sĩ, và con số giáo sư/phó giáo sư cũng chỉ chiếm khoảng 5%.
Dĩ nhiên, không phải cứ có nhiều giảng viên bằng tiến sĩ hay có nhiều giáo sư là nghiễm nhiên có “chất lượng” cao, nhưng xu hướng chung trên thế giới thì tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng về chất lượng giáo dục.
Hệ thống hành chính ở phần lớn các trường đáng lẽ phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam, nó vẫn nặng nề, bao cấp, máy móc nên không hỗ trợ được là bao.
Vì những rào cản nói trên, nên hệ thống các trường ĐH ở ta khó phát triển là vì các đại học vẫn chưa được tự chủ và chưa có tự do học thuật. Đó là một điều đáng buồn và đáng suy nghĩ. Trong khi các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, v.v… đều có ít nhất một đại học trong danh sách đại học hàng đầu trong khu vực hay trên thế giới.
Việt Nam thì chưa có một trường đại học nào có thể “sánh vai” với các đại học hàng đầu trong vùng. Chúng ta có thể biện minh rằng là do chiến tranh và cô lập, và có ít thời gian để phát triển. Nhưng tôi e rằng những biện minh đó khó thuyết phục, bởi vì có nhiều đại học trong vùng chỉ cần 20 hay 30 năm là đã trở thành đẳng cấp quốc tế.
Nói theo văn hào Dostoievsky, tất cả tuỳ thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta tự định đoạt số mệnh của mình chứ không nên đổ thừa cho ai.
Trong Đề án đổi mới của Bộ GD&ĐT có đề cập đến chuyện: đảm bảo tự do học thuật nhưng phải theo đường lối XHCN. Ông suy nghĩ gì?
- Tôi nghĩ có lẽ có sự hiểu lầm hay hiểu khác về tự do học thuật ở đây.
Theo tôi hiểu, khái niệm tự do học thuật (academic freedom) chẳng phải là mới, vì nó đã xuất hiện từ thập niên 1950 bên Mĩ. Thời đó, chủ nghĩa McCarthy và những người theo chủ nghĩa này gieo rắc và khủng bố các giáo sư đại học, những người đề cập đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm tự do học thuật ra đời để bảo vệ các giáo sư có quyền suy nghĩ, lí giải, và phát biểu những vấn đề và ý tưởng mà không sợ bị trừng phạt bởi các thế lực chính trị và đại học.
Nói cụ thể hơn, tinh thần tự do học thuật áp dụng cho giảng viên và sinh viên. Đối với giảng viên, tự do học thuật có nghĩa là giảng viên có quyền nghiên cứu bất cứ chủ đề nào mà họ quan tâm, có quyền trình bày những kết quả đó cho sinh viên và đồng nghiệp mà không chịu sự đàn áp hay kiểm duyệt của bất kỳ thế lực nào.
Đối với sinh viên, tự do học thuật có nghĩa là tự do học các chủ đề mà họ quan tâm và có quyền đi đến kết luận, có quyền phát biểu ý kiến cá nhân của họ liên quan đến chủ đề học. Không có kiểu tự do “theo định hướng”.
Việt Nam không nhất thiết phải học theo ai
Có ý kiến cho rằng, Singapore cũng có một thể chế độc đoán, nhưng họ đang thành công với mô hình đại học của mình. Và trong chuyện xây dựng tinh thần đại học, ta có thể học được cái hay từ cách làm của họ? Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi nghĩ không nhất thiết VN phải học Singapore hay mô hình đại học Singapore. Đứng về mặt tự do học thuật, các đại học Singapore chưa thể là một mô hình để chúng ta phải học theo. Mới đây, một giáo sư về báo chí của một đại học Singapore bị cắt hợp đồng chỉ vì bà chỉ trích tự do báo chí ở Singapore. Ở Trung Quốc, vì thiếu tinh thần tự do học thuật, nên các đại học danh tiếng như Stanford và Columbia không thiết lập chi nhánh ở quốc gia này.
Theo tôi thấy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm thành công của những trường đại học mới thành lập và đã nhanh chóng trở thành những đại học hàng đầu thế giới như Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (Pohang University of Science and Technology) của Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Singapore, Học viện Công nghệ Monterrey (Monterrey Institute of Technology) của Mexico, v.v.
Đó là những đại học chỉ trong thời gian 20-30 năm đã vươn lên và trở thành đại học đẳng cấp thế giới. Cái mẫu số chung của những đại học vừa kể trên là họ tuyển dụng nhiều giáo sư tài giỏi và tuyển mộ sinh viên có học lực tốt;  họ có ngân sách dồi dào; và quan trọng là có lãnh đạo tốt, với tầm nhìn chiến lược.
Nhưng theo tôi thấy Việt Nam sẽ rất khó học áp dụng bài học thành công của họ, vì thể chế tổ chức trong các đại học Việt Nam còn cứng nhắc.
Người ta tuyển lãnh đạo đại học và giáo sư đại học qua quảng cáo khắp thế giới, nhưng ở Việt Nam thì theo cơ chế “qui hoạch” thì rất khó thu hút được người tài.
Người tài không thích ai định hướng cho mình, và họ đòi hỏi tự do trong suy nghĩ và ngôn luận. Do đó, Việt Nam nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì.
Tự do học thuật phải được tôn trọng
Các trường Đại học là nơi sản sinh và tích dồn tri thức, để làm giàu trực tiếp và gián tiếp cho một quốc gia. Nhưng vai trò này của các trường đại học ở VN rất mờ nhạt. Nên thay đổi từ đâu thưa ông?
- Tôi nghĩ nói cho công bằng thì các đại học Việt Nam cũng đã có đóng góp cho nền kinh tế và khoa học Việt Nam, nhưng có lẽ gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp. Các đại học VN đã đào tạo những chuyên gia cho nền kinh tế, các nhà khoa học, và đó là một đóng góp rất đáng kể.
Nhưng đóng góp trực tiếp của các đại học Việt Nam cho nền kinh tế thì vẫn còn lu mờ. Bằng sáng chế từ các đại học Việt Nam hầu như không đáng kể. Các giáo sư đại học cũng chưa có nhiều sáng chế gì đáng chú ý. Các đại học Việt Nam dĩ nhiên chưa thể ở vị trí thu hút sinh viên nước ngoài để tạo ra hàng tỉ USD cho ngân sách quốc gia như các đại học phương Tây.
Nhưng tôi nghĩ các đại học Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa trong việc đóng góp cho nền kinh tế. Làm như thế nào thì lại là một câu hỏi lớn đã chiếm thời gian và tiêu hao công sức của rất nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ đến một chiến lược liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp kĩ nghệ và đại học. Cần có những cơ chế để cho những người trong doanh nghiệp kĩ nghệ (có nghiên cứu) tham gia vào việc đào tạo sinh viên, và họ cũng được ghi nhận qua các chức danh học thuật.
Đối với các ngành nghiên cứu khoa học xã hội tôi nghĩ thách thức còn lớn hơn các ngành khoa học và kĩ thuật. Có nhiều chủ đề mà giới khoa học xã hội quan tâm nhưng có khi được xem là “tế nhị” hay “nhạy cảm” nên đành phải gác lại. Đây cũng là một vấn đề về tự do học thuật.
Theo ông, nên “gỡ” nút thắt nào đầu tiên?
- Thú thật, tôi vẫn nghĩ đến tự chủ và tự do học thuật. Đại học cần phải có quyền tự chủ trong việc quyết định bổ nhiệm giảng viên, giáo sư, quyết định chế độ lương bổng, quyền tuyển sinh, và chủ động trong việc soạn thảo chương trình giảng dạy.
Tự do học thuật cần phải được tôn trọng. Một khía cạnh khác của tự do học thuật chính là tự chủ, hiểu theo nghĩa đại học có quyền bổ nhiệm giáo sư, hoạch định chương trình giảng dạy, và theo đuổi nghiên cứu vì lợi ích khoa học và nghệ thuật chứ không vì lợi ích của các nhóm lợi ích và chính trị trong xã hội. Tôi nghĩ không có tự do học thuật thì khoa học xã hội Việt Nam rất khó phát triển.
Theo ông, làm thế nào để xây dựng được một tinh thần đại học đúng nghĩa?
-  Tôi nghĩ đến mô hình đại học dựa trên tinh thần khai sáng của Immanuel Kant và lí tưởng liberal của Friedrich Schleiermacher. Đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất. Không có tự do học thuật, đại học khó mà hoàn tất sứ mệnh phản biện xã hội của mình, và khó có thể đóng góp tích cực cho Nhà nước và xã hội.
Xin cảm ơn ông
Lê Vũ Quý Linh (thực hiện)
*
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn:
Giảng viên cao cấp tại ĐH New South Wales, Úc.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc.
Nghiên cứu viên cao cấp Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc (NHMRC).
1987-1997: Thạc sĩ ĐH Macquarie (Úc); Tiến sĩ thống kê, chuyên về dịch tễ học ĐH Sydney (Úc); Tiến sĩ y khoa ĐH New South Wales (Úc), Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại ĐH Basle, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz  (Thụy Sĩ) và Bệnh viện St Thomas (Anh).

link :http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/144859/-viet-nam-khong-nhat-thiet-phai-hoc-theo-ai-.html